Anh tin vào tình người, anh tin vào cảm giác, cảm xúc, tình cảm của anh với người khác hay anh tin vào cái lý sự, cái tranh luận đúng sai của anh với người khác?
Chúng ta hay nói đúng sai lắm. Hiền giả Duy Giác hỏi tôi không biết bao nhiêu lần về vấn đề đúng sai: “Mình căn cứ vào đâu để mình biết là đúng để hành động?” Tôi không muốn trả lời câu này. Bởi vì nếu tôi trả lời câu này thì không có giá trị gì hết. Nếu tôi trả lời trực tiếp thì sẽ giết chết cuộc đời quý vị.
Quý vị tìm câu hỏi để xác định kiến thức của mình thì không có giá trị làm bùng nổ năng lực nhiệm mầu trong đầu óc quý vị được. Anh phải thực tập, anh phải thực hành rồi tự anh khám phá. Mà anh phải cảnh giác kinh khủng lắm với tất cả những khái niệm mà anh đang dùng của thế giới này. Ví dụ khái niệm đúng sai.
Anh tới tuổi cưới vợ, anh hỏi “Tôi cưới vợ như thế này là đúng hay sai? Tôi lấy cô này là đúng hay sai?” Cái chữ đúng sai phải xét lại. Tôi cưới vợ trong thời điểm này là phù hợp chưa? Phù hợp với sức khỏe của tôi, phù hợp với gia đình, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của tôi chưa? Tôi cưới vợ như thế này có phù hợp với văn hóa của tôi hay chưa? Tôi lấy cô này có phù hợp với tôi không? Tôi có phù hợp với cô ta không? v.v… Không thể nói đúng sai được.
Tôi giúp đỡ cô này có phù hợp không? Cô này có chồng và đang đau khổ vì chồng, tôi nhào vô, tôi gánh lấy việc này, việc kia cho chồng cô thì có phù hợp không? Không nói đúng sai được. Tôi làm việc như thế này để tôi giúp đỡ cô ta chấm dứt khổ đau. Tôi hành động như thế này có phù hợp chưa? Không thể nói đúng sai được. Có phù hợp với những điều kiện, những hoàn cảnh, có phù hợp với đầu óc vô tư không? Ví dụ cô kia chưa nhận thức đúng hay cậu kia chưa nhận thức đúng thì xem hành động của mình có phù hợp với nhận thức sai lầm của người ta chưa? Nếu người ta cứ nhận thức sai lầm mà anh cứ nhào vô thì anh chết ngay, cũng không phù hợp với nhận thức của người ta. Anh không thể xem thường sự cố chấp hay sự ngu dại của người khác được. Thành ra phải dùng chữ phù hợp.
Tôi quan sát thấy rất nhiều cặp vợ chồng, nhiều con người luôn luôn chú trọng tranh luận với người khác: chồng tranh luận với vợ, vợ tranh luận với chồng… Người ta hay chú ý đến đời sống tranh luận hơn là chú ý đến sự chia sẻ những cảm giác, những cảm xúc yêu thương với nhau.
Duy Tuệ