Trong các ca phẫu thuật, âm nhạc giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn. Nó cũng khiến bệnh nhân bớt lo âu sợ hãi trước và sau mổ, đẩy nhanh sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân.
Vài nghiên cứu mới đây tìm ra sự liên hệ giữa tần số của vài điệu nhạc với điện năng của tế bào não. Nếu dùng một tần số nhạc nào đó, ta có thể tăng khả năng học hỏi, thư giãn cơ thể, giúp ngủ ngon giấc. Do đó, theo nhiều nhạc sĩ, để hưởng ích lợi của nhạc điệu, bạn không những chỉ nghe mà còn phải để toàn thân rung động theo điệu nhạc.
Fabien Maman, soạn nhạc gia kiêm sinh học gia người Pháp, đã quan sát ảnh hưởng của âm thanh lên tế bào ung thư. Dưới tác dụng của các âm điệu khác nhau từ nhạc khí hoặc lời ca, tế bào bệnh dường như không chịu đựng được sự dao động và vỡ tung, nhất là với tiếng hát cao vút.
Âm nhạc trị liệu
Các nghiên cứu xưa nay đều cho thấy, âm nhạc trước hết làm cho con người được phát triển toàn diện ngay từ trong bụng mẹ. Thai nhi được cho “nghe nhạc” thường khỏe hơn các thai nhi khác. Các bác sĩ vẫn khuyên thai phụ nên nghe nhạc êm dịu và cho thai nhi cùng nghe. Em bé được nghe mẹ hát ru từ thuở còn thơ thường thông minh và khi lớn lên ít bị những bệnh về tâm trí.
Nhạc còn giúp thư giãn, giảm thiểu lo âu, đau đớn, giảm cô lập với xã hội, tăng sự tập trung, chú ý, kích thích cảm xúc và nhận thức. Nhạc cũng giúp cơ thể có nhiều sinh lực, kích động não bộ, làm thức tỉnh các cảm xúc, tháo gỡ các xúc động, phục hồi tâm hồn, làm hứng khởi hành động, giúp ngủ ngon, giúp lý luận tốt cũng như giúp tránh lao tâm suy nghĩ.
Nhạc trị liệu không chỉ là nghe nhạc mà còn là tham dự các sinh hoạt liên quan tới âm nhạc. Mọi người đều có thể tận hưởng các lợi điểm của nhạc miễn là để toàn thân rung động, hòa nhịp theo tiếng hát lời ca.
Ngày nay, nhạc trị liệu là lĩnh vực trong đó âm nhạc được sử dụng như một phương thức phục hồi, duy trì và hoàn thiện đời sống của người bệnh về thể chất, tinh thần và cảm xúc. Nhạc được coi như một nghệ thuật sáng tạo trị liệu, tương tự như vũ trị liệu, trị liệu khéo tay (art therapy), và cũng có thể phối hợp với nhiều phương thức trị liệu như thiền, xoa bóp, thôi miên.
Với người khỏe mạnh, âm nhạc được dùng như một phương thức thư giãn, giảm căng thẳng. Ở trẻ em và người lớn có rối loạn về cảm xúc, hành vi, ít khả năng học hỏi, suy giảm các cử động, âm nhạc trị liệu thường được dùng đồng thời với các phương thức trị liệu căn bản để làm bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
Trong phẫu thuật, âm nhạc giúp giảm thiểu cảm giác đau đớn, bớt lo âu sợ hãi, nhanh hồi phục sức lực. Nhiều phụ nữ nhờ thư giãn nghe nhạc mà nhẹ nhàng sinh con không cần đến thuốc tê. Nhiều nghiên cứu cho hay sự kích thích của nhạc điệu đôi khi lấn át được các kích thích tạo ra cảm giác đau, nhờ đó bệnh nhân tập trung vào điệu nhạc và trấn áp được cơn đau.
Bệnh tật có thể khiến cơ thể mệt mỏi, rã rời nhưng khi nghe những điệu nhạc có âm điệu khích lệ, thúc giục, người bệnh có thể quên cả đớn đau, phiền muộn.
Sau cơn tai biến não, nhiều bệnh nhân rơi vào tình trạng mất khả năng vận động, cần tập luyện để phục hồi chức năng. Âm nhạc có vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phấn khởi, lần lần mấp máy cử động theo điệu nhạc cũng như giảm thiểu cảm giác buồn chán. Kinh nghiệm cho thấy nhiều người mất tiếng nói lấy lại được phát âm sau khi ầm ừ hát theo nhạc.
Âm nhạc trị liệu được dùng trong các trường hợp: giúp trẻ em tật nguyền khôi phục sự phối hợp các hoạt động thể chất cũng như sự khéo léo của các bắp thịt chân tay; giúp người bệnh sa sút trí tuệ, người có rối loạn hành vi lấy lại sự bình thường trong hành động.
Theo Sức khỏe & đời sống