Người xưa dạy rằng: “Tập võ chi đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn.” Võ thuật là môn học rộng lớn, thâm sâu, có tính khoa học, nghệ thuật, giáo dục, văn hoá truyền thống…
Võ là khoa học, nghệ thuật vì võ dạy cho con người phương pháp rèn luyện sức khoẻ, phát triển sức mạnh, ngăn ngừa bệnh tật theo khoa học giáo dục thể chất trong một nghệ thuật thần kỳ nuôi dưỡng tinh – khí – thần và nghệ thuật tự vệ, chiến đấu. Khoa học võ thuật đích thực có các nguyên lý cấu thành và liên hệ mật thiết với những khoa học tương cận như vật lý học, sinh học, y học, quân sự…Đặc biệt là triết học Đông phương.
Võ là giáo dục, văn hóa truyền thống vì võ dạy cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính và sống theo đạo lý trong một tôn chỉ rèn luyện nhân cách làm người.
Việc luyện tập võ thuật là một cuộc trường chinh để tự thắng chính mình, đưa con người đến sự giản dị, điềm đạm, khiêm tốn, đạt đến chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Chỉ có những ai không đi hết trọn con đường mới phải tự quảng cáo, khoe khoang, biện bạch. Trong tập sách Từ sinh lý đến dưỡng sinh, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Tập vận động cho thân thể có nhiều cách, có những vận động tự nhiên như chạy, nhảy, bơi lội…thì ai cũng nên tập. Ngoài ra còn có các môn thể dục, thể thao tay không hay dụng cụ nhưng muốn rèn luyện để có các vận động điêu luyện thì tập võ là phương pháp hay nhất.”
Thật vậy, tuy võ thuật có đặc thù là chiến đấu nhưng tập võ còn là phương pháp tốt để nâng cao sức khỏe, qua đó con người có thể rèn luyện được nhiều đức tính quý báu như bền bỉ, chịu đựng, nhanh nhẹn, mưu trí, gan dạ và nhất là ở đỉnh cao người học võ thì khiêm tốn, điềm đạm, giản dị, giàu lòng vị tha và nhân ái. Thuật làm cho thân thể được khoẻ mạnh có rất nhiều. Biết được một thuật đủ để cho thân thể khoẻ mạnh và sống lâu. Võ thuật là một trong các nghệ thuật đó. Võ thuật không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là một hiện tượng văn hoá thần kỳ với những thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái… những công phu đặc dị, khí công, âm dương, ngũ hành, điểm huyệt, giải huyệt…
Do vậy cổ nhân thường ví võ học sâu như Đông hải, rậm rạp như rừng, mênh mông như biển cả. Võ thuật là giáo dục, văn hoá truyền thống, khoa học, quân sự, là phương pháp rèn luyện tu tập thể chất lẫn tinh thần và là môn học mang lại nhiều bổ ích. Đức Phật Thích Ca dạy các đệ tử rằng: “Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.
“Học võ là học đạo, trước tiên là đạo làm người, học võ còn để rèn luyện thân thể, lấy “dục thể, dục trí, dục đức” làm mục đích phấn đấu, bất luận trong hoàn cảnh nào, tinh thần thượng võ phải được tôn trọng. Người biết võ nên đóng góp công sức vào những việc ích nước lợi dân. Người giỏi võ mà kém trí đức chỉ là hạng võ biền hại người hại mình.” (Võ sư Hoắc Nguyên Giáp – Tinh võ môn)
Dạy võ
Thầy: tiếng gọi thiêng liêng, như tiếng gọi cha, gọi mẹ. Thầy là “sư phụ”, xưa quan niệm thầy là thiên chức không phải là nghề, thầy dạy chữ là giáo sư, thầy dạy võ là võ sư. Thầy là người có công ơn dạy dỗ, trau giồi, truyền đạt kiến thức, hun đúc ý chí, làm tấm gương soi rọi về nhân phẩm, đạo đức cho học trò noi theo mà nên người. Thành nhân là tôn chỉ của giáo dục. Dân gian có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.
Người xưa quan niệm truyền thụ võ công là việc trang nghiêm, người học đến võ đường phải làm lễ nhập môn, bái tổ, bái sư. Nghi thức ấy xem ra cổ mà kính, đó là khởi nguồn của lễ. Võ thuật bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Chính từ những quan niệm xưa ấy mà thầy trò giữ lễ với nhau, lấy nhân nghĩa làm tiêu chí hành xử. Thầy sẽ là tấm gương soi trong sáng cho hậu thế, lời nói đi đôi với việc làm, tri hành hợp nhất. Ngoài khả năng chuyên môn, tư cách đạo đức, người thầy còn làm sáng lên nhân cách xử thế, người học nhìn vào mà noi theo.
Người xưa trọng tinh thần hơn vật chất, do vậy ít nghe chuyện khoe khoang, quảng cáo, công nghệ đánh phấn tô hồng chữ tôi, mà tâm niệm học võ là để phát huy chữ đức. Thầy quang minh lỗi lạc, chính trực công minh như tướng lĩnh can trường ngoài mặt trận. Chuyện dùng những thủ đoạn thấp hèn, độc quyền xưng bá đồ vương võ lâm là điều không có với những người thầy liêm sỉ. Thầy trượng phu, quân tử coi cuộc đời như thủy bạc, tình nghĩa đón đưa đôi bờ, bốn bể là nhà, đất trời là giang sơn. Văn hóa võ thuật như rừng cây có nhiều gỗ quý.
Thầy là sự mẫu mực, từ tri thức đến đạo hạnh. Dạy môn sinh bằng tâm đức, lấy lòng yêu thương, tâm huyết truyền thụ võ công, nên có câu: “danh sư xuất cao đồ”. Làm người thật khó, làm thầy thật khó hơn. Quan niệm xưa và nay bây giờ đã khác. Ngày xưa quan niệm: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thầy giỏi và đức độ học trò tự “tầm sư học đạo”. Ngày nay kinh tế thị trường, quảng cáo tiếp thị là phương tiện giúp con người tìm đến nhau, nên có thầy đã tìm trò. Chính vì vậy mà nảy sinh chênh lệch đạo lý thầy trò, xã hội nhìn hình ảnh người thầy bằng một góc khác. Võ thuật là môn học đặc thù, trọng võ đức, nêu cao tinh thần thượng võ, thuyền trưởng chết theo tàu, tướng lãnh chết theo thành.
Dạy võ là dạy nhân cách sống, nhân cách hành xử:
– Điều thứ nhất là trong võ có đạo, đạo ở đây là đạo đức thuợng võ, đạo làm người, vì vậy người dụng võ trước tiên phải trọng võ đức, khi hành xử phải tự chủ, tự thắng chính mình để tránh được tối đa các kết quả xấu, ngoài ý muốn.
– Điều thứ hai là võ không chỉ đơn thuần là quyền cước, binh khí chiến đấu mà đỉnh cao của võ là trí tuệ, mưu lược, khôn ngoan, uyển chuyển, khi cần thì lên cao, lúc không cần thì xuống thấp, linh hoạt ẩn hiện như con rồng. Người đánh trăm trận trăm thắng chưa phải là người giỏi nhất, không đánh mà buộc đối phương phải hàng, tâm phục khẩu phục mới thật là người giỏi nhất.
– Điều thứ ba khi cần thiết phải dụng võ để chiến đấu tự tồn, mưu sinh thoát hiểm thì như mãnh hổ chốn rừng sâu, uy nghi, dũng cảm, cương quyết, tỉnh táo làm chủ trong mọi tình huống.
– Điều thứ tư là văn ôn võ luyện, võ là hơi thở hằng ngày, là hành trang vạn dặm, có như vậy thì sự học võ mới không hoài công vô ích.
– Điều thứ năm, là Thiên Mưu Công trong Tôn Tử Binh Pháp viết:
Biết người biết ta trăm trận không nguy;
Không biết người chỉ biết ta một được một thua;
Không biết người không biết ta hễ đánh là nguy.
Nhưng dù sao đi nữa thì: “Trong thế gian không có hương thơm nào bay ngược được chiều gió, chỉ có hương thơm đức hạnh mới có khả năng bay ngược chiều gió và tỏa ngát muôn phương”. (Kinh Pháp cú).
Thầy dạy võ là:
“Sổ hàng di biểu lưu thiên địa.
Nhất phiến đan tâm phó sử thi”.
Có nghĩa là:
Đôi hàng soi dấu lưu muôn thuở.
Một tấm lòng son tạc sử xanh.
(Cổ thi)
Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam
Nếu một ngày bọn mình chẳng cưới nhau
Anh vẫn thế thôi, lấy một cô vợ khác
Gom những mảnh tình yêu vỡ nát
Anh cất vào lòng, ở một góc xa xăm
Cô vợ của anh chẳng biết chuyện bọn mình
Sẽ sinh những đứa con không gọi em là mẹ
Anh vẫn cười vui, anh nghĩ anh nên thế
Người vợ nào cũng đáng được yêu thương
Em sẽ cũng thế thôi, khi mỗi đứa một đường
Chọn cho mình một người đàn ông khác
Pháo nổ rợp đường, ồn ào tiếng nhạc
Đám cưới rộn ràng, em xúng xính váy hoa
Em có những đứa con, anh chẳng phải là cha
Ngày vẫn nấu ăn, những món chồng em thích
Em vẫn đi chơi, xem phim, du lịch..
Cuộc sống vẫn êm đềm, như chưa biết đến anh
Nhưng giữa bộn bề tất tả chậm nhanh
Còn có đau thương cho tình yêu đã lỡ?
Mơ ước giản đơn, đã trở thành dang dở
Ta sống nửa hồn, nửa đã chết từ lâu
Một nửa hồn đã mất lúc xa nhau
Ta đem chôn cùng những niềm hy vọng
Còn thân xác, vì đời, nên vẫn sống
Vẫn nói cười, vẫn cố tỏ yêu thương
Rồi gặp nhau giữa tấp nập phố phường
Liệu ta có thản nhiên quay mặt
Hay ôm chặt lấy nhau, tủi hờn nước mắt
Bọn mình sẽ thế nào? Nếu ta chẳng cưới nhau.
Jon Jandai sinh ra trong một ngôi làng nghèo khó nhưng rất đẹp nằm ở phía Bắc của Thái Lan. Những người nông dân ở đây được tận hưởng một cuộc sống nhàn nhã và thanh bình. Trái ngược với cái bộn bề nơi thành thị, họ chỉ làm việc vất vả vào khoảng 2 tháng trong năm, đó là khi gieo hạt và thu hoạch lúa nước.
Ngoài thời gian đó, họ đi chơi, câu cá, hoặc đến thăm nhà và cùng nhau trò chuyện…
Cuộc sống bình dị ấy cứ lặp lại ngày qua ngày. Rồi cũng tới lúc Jon lớn lên và trở thành một thanh niên trẻ khỏe mạnh. Đây là khi rất nhiều người trẻ trong thôn làng của anh đổ dồn về các khu đô thị và những thành phố lớn với mong muốn kiếm thật nhiều tiền, sống cuộc sống tiện nghi, thoải mái.
Thế rồi, Jon cũng muốn lên thành phố lập nghiệp. Vậy nên anh quyết định lựa chọn Bangkok làm miền đất hứa sau khi rời quê hương. Ở đây, anh bắt đầu sống cuộc sống của một “người đàn ông lang bạt.”
Nhà Quảng Cáo
Sau khi đến Bangkok, việc đầu tiên anh làm là đến thư viện pháp luật đọc sách. Nhưng rồi Jon cũng không thể dành toàn bộ thời gian vào học tập, bởi anh phải lo kiếm tiền chi trả cho cuộc sống thường ngày.
Cảm thấy việc học quá nhàm chán, những bài giảng trong sách vở giống như thứ kiến thức “hủy diệt” khiến Jon lại càng thấy khổ và mệt mỏi. Trong khoảng thời gian làm việc vặt kiếm sống, anh từng phải ở cùng nhiều người trong một căn phòng nhỏ, mỗi bữa chỉ có một bát mì hoặc một đĩa cơm chiên. Công việc mỗi ngày của anh là phát tờ rơi tại khách sạn phát và rửa bát trong nhà hàng. Cuối mỗi ngày làm việc chân tay anh đều đã mỏi nhừ. Thêm nữa, một mình bơ vơ nơi thành thị, không bạn bè và người thân khiến anh càng ngày càng thêm hoang mang về mục tiêu cuộc sống.
Rồi anh tự nhủ: “Ở đây làm người sai vặt, mình làm cũng đủ rồi!”
7 năm trôi qua trong vô vọng, đến khi nhìn lại anh mới thấy mình thật khờ khạo. Sau đó, anh quyết định trở lại cố hương, cách thủ đô 50 km về phía Bắc và bắt đầu cuộc sống mới.
Jon không ngờ rằng quyết định ấy lại chính là cánh cửa giúp anh bước sang một trang mới.
Anh bắt đầu khai khẩn mảnh đất hoang rộng chừng khoảng một mẫu để trồng rau và lúa. Anh cũng đào thêm 2 ao thả tôm cá. Có lúc ăn không hết, anh còn mang đi cho hàng xóm. Thêm nữa, một năm Jon thu hoạch 4 tấn lúa, trong khi cả nhà không ăn hết nửa tấn. Tất cả lương thực và thực phẩm dư thừa đều được anh đem đi bán.
Thời gian một năm chỉ mất 2 tháng vất vả, còn lại thì nhàn hạ, Jon cảm nhận thấy mọi thứ thật dễ dàng. Xuân qua thu đến, cuộc sống của anh rất tự tại.
Lúc này, Jon nghe tin một người bạn ở Bangkok mua nhà nhưng phải mất 30 năm trả nợ dần. Anh tự nhủ rằng với công việc mà anh làm khi ở Bangkok, có lẽ phải mất 300 năm anh cũng không mua được nhà ở. Rồi anh nghĩ:
Chuột đào một đêm mà được hang động. Chim xây tổ không quá hai ngày. Con người muốn có cái nhà ở sao phải mất cả nửa đời người? So với động vật thì con người là thông minh hay khờ khạo?”
Jon nhận ra bài học cuộc sống và cảm thấy mình quá may mắn khi đã lựa chọn không ở lại thành thị.
Rồi anh cũng tự xây cho một căn nhà. Để giảm thiểu chi phí, anh đã tự học kỹ thuật làm gạch. Mỗi ngày anh làm việc từ 5 giờ sáng đến 7 giờ chiều, trong vòng chưa đầy 3 tháng anh đã xây xong một căn nhà.
Từ đó về sau, mỗi năm anh cũng nhận xây ít nhất một căn nhà. Đến nay anh đã xây cho hơn 10 hộ trong thôn, mỗi ngôi nhà đều là những trang viên, biệt thự. Mỗi đêm anh thường suy nghĩ xem nên làm như thế nào cho tốt nhất.
Ngoại trừ công việc xây nhà, anh còn rất hứng thú với việc lắp đặt các thiết bị nội thất. Thêm sự trợ giúp của một vài người bạn, anh đã tạo cho mình một phong cách riêng để thiết kế phòng tắm và phòng ngủ.
Thời gian dần qua, tiếng tăm nghề xây dựng của anh đã lan rộng khắp mọi miền gần xa. Trang trại của anh cũng càng ngày càng lớn mạnh và được đặt tên là Pun Pun Organic Farm.
Rất nhiều người đã đến gặp anh để học hỏi kinh nghiệm. Vậy là từ một người thất học, anh đã trở thành thầy giáo. Giờ đây anh có thể hướng dẫn mọi người cách khai hoang và trồng trọt. Anh luôn bày tỏ suy nghĩ của mình rằng, người nông dân nên biết tận dụng mọi thứ.
Học trò của Jon không chỉ là nông dân ở các vùng lân cận mà còn là người ngoại quốc đến từ Hà Lan hoặc Mỹ. Anh tin tưởng chia sẻ cùng với mọi người về các nguyên lý làm trang trại. Xuôi chèo mát mái, thuận theo việc nhiều người đến học, anh bèn mở tiệm ăn, lấy tên là “Nhà nông Thái Lan vui cười”. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để mọi người đến đàm đạo về triết lý sống và thưởng thức “mỹ thực”. Ngoài ra, Jon còn xây thêm phòng tập Yoga.
Cũng trong khoảng thời gian này, anh quen và yêu một cô gái người Mỹ tên là Peggy Reents. Tình yêu xuyên biên giới đã đưa họ lại gần nhau và rồi trở thành vợ chồng.
Không chỉ vậy, những kinh nghiệm của Jon đã thu hút sự chú ý của nhiều học giả quốc tế. Một học giả đến từ đại học Colorado của Mỹ tên là Josh Kearns cũng tìm đến để học hỏi công thức làm than củi của anh.
Sau này, Jon nhận được lời mời tham gia hội thảo TED, tại đây, anh đã có bài diễn thuyết nổi tiếng “Cuộc sống thật dễ dàng, tại sao phải khiến nó khó khăn đến vậy?” Bài diễn thuyết của anh đã nhận được tình cảm, tiếng cười, tiếng vỗ tay của rất nhiều người. Nhưng hơn hết, bài diễn thuyết đã đặt ra vấn đề trong ước muốn lập nghiệp khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Hiện tại, khu trang viên của Jon đã tạo việc làm cho hơn 30 người. Một nửa là người Thái Lan, nửa còn lại là người Tây phương. Những người này đã trở thành bạn bè thân thiết, sát cánh và gắn bó với anh.
Nếu như Jon vẫn ở nơi thành phố, có lẽ anh chỉ có thể làm một người giúp việc. Nhưng tại quê hương, giờ đây anh đã trở thành người đàn ông thành đạt, truyền cảm hứng tới hàng triệu người trên khắp thế giới.
Để có được như ngày hôm nay, Jon đã lắng nghe theo ước nguyện trong tâm mình – mong muốn về một cuộc sống bình dị và tự tại. Còn bạn thì sao? Bạn mong một cuộc sống như thế nào?
San San[/vc_column_text][/vc_column][/vc_row][vc_row][vc_column][vc_video link=”https://www.youtube.com/watch?v=Rp9UWjb9zKE”][/vc_column][/vc_row]
Rất nhiều người lầm tưởng rằng Tâm linh nằm trong Tôn giáo và các hiện tượng huyền bí chưa giải thích được là những biểu hiện siêu nhiên. Thậm chí, một số khác còn cho rằng Tâm linh như là một trường phái, do bởi một phần vì họ thiếu kiến thức, phần khác họ đang bị thao túng bởi nỗi sợ hãi đã mang sẵn trong người.
Nếu chúng ta chịu khó lùi về quá khứ để thử nghiên cứu và tìm hiểu về Tâm linh, chúng ta sẽ cùng có một nhận thức chung rằng thật ra Tâm linh chẳng có gì là huyền bí hay cao siêu và Tâm linh cũng chẳng có liên hệ gì đến các trường phái hay giáo phái nào cả.
7 sự khác biệt sau đây giữa Tôn giáo và Tâm linh sẽ giúp bạn hiểu những gì thực sự là Tâm linh.
1.Tôn giáo làm cho bạn bị gò bó – Tâm linh cho bạn sự tự do.
Tôn giáo dạy bạn theo một hệ tư tưởng và phải vâng phục theo những giới luật nhất định, nếu không, bạn sẽ bị trừng phạt hoặc bằng cách này hoặc cách khác. Tâm linh cho phép bạn đi theo sự hướng dẫn của trái tim mình với những gì bạn cảm thấy rằng điều đó được cho là đúng. Tâm linh giải phóng bạn khỏi sự ràng buộc với những giới luật chưa thực sự thuyết phục được bạn, cũng như bạn không phải tuân theo bất cứ ai, bởi vì tất cả chúng ta là một.
Đó là nền tảng để cho bạn chọn lựa những gì bạn cho rằng thật sự thiêng liêng và đáng tôn kính.
2.Tôn Giáo dạy cho bạn thấy được sự sợ hãi – Tâm linh cho bạn biết làm thế nào để trở nên con người can đảm.
Tôn giáo cho bạn biết những gì để bạn sợ và cho bạn biết hậu quả việc mình làm.
Tâm linh làm cho bạn nhận thức được hậu quả, nhưng không muốn bạn tập trung vào sự sợ hãi. Cho dù có lo sợ đi nữa nhưng làm thế nào để đối phó và vượt qua, dù hậu quả có thể đến như một tất yếu.
Tâm linh cho bạn biết cách hành động xuất phát từ lòng yêu thương, chứ không phải hành động vì sự sợ hãi.
3.Tôn giáo nói cho bạn biết về Chân lý – Tâm linh cho phép bạn khám phá Chân lý.
Tôn giáo cho bạn biết những gì để tin và những gì là lẽ phải.
Tâm linh cho phép bạn phát hiện ra tất cả những điều đó bằng chính mình và hiểu nó theo cách độc đáo của riêng bạn.
Tâm linh cho phép bạn kết nối với cái tôi cao nhất của mình và hướng dẫn tâm trí của bạn rằng chân lý như một đại thể, đều giống như nhau trong mỗi con người của chúng ta.
Tâm linh cho phép bạn tin vào chân lý của riêng của bạn thông qua nhận thức của chính trái tim mình.
4.Tôn giáo phân biệt với các tôn giáo khác – Tâm linh kết hợp các tôn giáo lại với nhau.
Thế giới của chúng ta có rất nhiều tôn giáo và tất cả đều rao giảng rằng lịch sử tôn giáo của họ là những câu chuyện thật. Tâm linh nhìn thấy sự thật này trong tất cả các tôn giáo và kết hợp lại với nhau bởi vì sự thật đều là như nhau cho tất cả, chứ không dựa trên sự khác biệt về chi tiết của những câu chuyện mà tôn giáo nói đến.
5.Tôn giáo làm cho bạn bị lệ thuộc – Tâm linh giúp bạn độc lập.
Nếu bạn tham dự vào các hoạt động tôn giáo và sau đó bạn cảm thấy mình như là một người có đạo và mình là người xứng đáng hưởng hạnh phúc. Tâm linh cho bạn thấy rằng, bạn không cần hoặc phải phụ thuộc vào bất cứ điều gì để đạt được hạnh phúc. Hạnh phúc luôn được tìm thấy ở chiều sâu bên trong bạn và chính chúng ta mới là người chịu trách nhiệm về nó. Sự thiêng liêng này được tìm thấy ở ngay bên trong mỗi con người của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta luôn luôn xứng đáng được hưởng hạnh phúc này.
6.Tôn giáo sử dụng hình phạt – Tâm linh sử dụng Nghiệp quả.
Tôn giáo nói rằng nếu chúng ta không tuân theo những quy tắc nhất định thì sẽ có hình phạt thích đáng đang chờ chúng ta dựa vào niềm tin của chúng ta.
Tâm linh cho phép chúng ta hiểu rằng mọi hành động đều có hậu quả của nó và hình phạt là do phản ứng đến từ các hành động của chúng ta đã thiết lập trước đó, dựa theo những quy luật cơ bản của Vũ trụ.
7.Tôn giáo đưa bạn đi theo một hành trình – Tâm linh cho phép bạn tạo riêng hành trình của mình.
Nền tảng của một tôn giáo là lịch sử những câu chuyện kể về một Đức Chúa Trời hay hay Đấng Giác ngộ nào đó gắn liền hành trình của các Ngài đi đến Giác ngộ. Chân lý là do họ đã phát hiện ra và bạn chỉ cần thực hiện theo các bước đi của các Ngài.
Tâm linh cho phép bạn đi theo hành trình của riêng bạn để đạt được Giác ngộ và khám phá chân lý theo cách riêng của bạn, theo sau những gì trái tim bạn mách bảo là đúng, vấn đề là làm thế nào để bạn có được cảm nhận này.
Mỗi tôn giáo đều phát xuất từ tâm linh vì nhờ qua cuộc hành trình về tâm linh mà các vị ấy mới Giác ngộ. Chi tiết về các câu chuyện của các Đấng ấy không quan trọng bằng thông điệp về sự thật mà các Đấng ấy đã gửi đi.
Trong mỗi trái tim của chúng ta đều có sẵn một mật mã thiêng liêng, có khả năng phát đi những tín hiệu đồng điệu, qua đó mỗi chúng ta có thể khám phá sự thật. Đó là lý do tại sao tất cả các tôn giáo đều phải có một cái gì đó mà chúng ta tìm đến vì tin đó là là sự thật, là chân lý.
Ông Nguyễn Đình Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Quân Đạt: “Tôi chỉ hơn người ở chỗ dám dùng người giỏi hơn”. Thật tự hào khi biết ông là người Bình Định, cựu học sinh trường PTTH Quang Trung Khóa 1979.
Ít ai biết ông khởi nghiệp chỉ bằng hai bàn tay trắng. Vốn liếng duy nhất là tình yêu nghề, sự ham học hỏi và… lòng biết ơn đã đưa đến cho ông những nhân duyên kỳ lạ.
Bắt đầu từ một xưởng gia công nhỏ năm 1991 với 5 công nhân, ông Nguyễn Đình Đạt, Tổng Giám đốc Công ty Quân Đạt đã đưa Quân Đạt trở thành một trong những công ty nhôm kính hàng đầu Việt Nam với ba nhà máy lớn ở TP.HCM, Bình Dương, Hà Nội.
Quân Đạt đã tạo dấu ấn qua các công trình như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Phú Quốc, sân bay Đà Nẵng, tòa nhà cao nhất TP.HCM Bitexco, Times Square… và giờ đây đang phát triển mạnh ra các thị trường Myanmar, Campuchia, Úc…
Ít ai biết ông khởi nghiệp chỉ bằng hai bàn tay trắng. Vốn liếng duy nhất là tình yêu nghề, sự ham học hỏi và… lòng biết ơn đã đưa đến cho ông những nhân duyên kỳ lạ. Thành đạt, giàu có, nhưng ông khá kín tiếng và thận trọng với giới truyền thông.
Lần đầu tiên ông trải lòng với BizLIVE về những quyết định đã làm nên số phận mình.
“Không phải không có tiền là không làm gì được”
Hơn 20 năm lăn lộn với nghề nhôm kính, trải qua bao thăng trầm của đời doanh nhân, nhìn lại đời mình, quyết định nào đã thay đổi số phận của ông?
Đó chính là quyết định từ một người làm thuê chuyển sang làm chủ.
Tôi xuất thân là kỹ sư cơ khí của xí nghiệp Tân Á, một công ty con của Cadivi. Hồi đó mới lấy vợ, sinh con, trong tâm khảm tôi luôn muốn vươn khỏi hệ thống nhà nước để mở xưởng sản xuất riêng, kiếm tiền nuôi con thôi, chứ chả nghĩ làm quan làm tước gì.
Thời điểm 1990, đất nước mới mở cửa, nghề nhôm kính vẫn là khái niệm rất mới, xa xỉ phẩm, ai nhiều tiền mới làm. Ngành dây điện nếu đầu tư thì rất tốn tiền, nên tôi đã chọn cửa nhôm vì đầu tư ít.
Khởi sự… không đồng, máy móc thiết bị đi thuê hết hoặc tự chế, vì mình là dân cơ khí. Tuyển mộ bắt đầu là 3, sau đến 5 người tâm huyết cũng có nghề cơ khí làm amateur như mình. Đôi khi nửa năm không có việc làm, chẳng có tiền trả lương, nhưng anh em vẫn gắn bó.
Nhiều người nói tôi điên, đang làm kỹ sư Nhà nước ổn định sao nhào vô cái nghề chỉ cần thợ hàn, thợ thiếc? Cái đó mới là áp lực lớn nhất. Tôi nhớ mãi ông Mão, thợ bậc 7 tuyển vô làm thợ hàn, nhưng sau này ở lại giữ xưởng luôn. Quyết tâm giữ ông vì người tốt, giỏi nghề, sau này tôi còn nhận con cái ông vào làm việc luôn để đền ơn cho ông ấy.
Từ một xưởng nhỏ, để có thể có được một đối tác Nhật lớn như YKK, một khách hàng lớn đầu tiên như Yoco lại là câu chuyện hoàn toàn khác?
Trong đợt đi Hà Nội, tình cờ thấy được catologue về kỹ thuật của tập đoàn YKK, là dân cơ khí, đọc catalogue tôi ngỡ ngàng, sau này mới biết đó là tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Họ không cho mượn, cũng không cho photo. Về Sài Gòn nói chuyện với một người bạn làm xuất nhập khẩu nhà nước, thông qua quan hệ của anh, tôi đã tìm được YKK.
Đó là một nhân duyên không bao giờ lặp lại lần thứ hai trong đời. Vì thời đó mới mở cửa, giao tiếp với doanh nghiệp nước ngoài khó khăn vô cùng. Khi tập đoàn YKK mang mẫu sản phẩm và toàn bộ kỹ thuật sang Việt Nam cho tôi, tôi mừng hơn được vàng.
Nhưng khổ nỗi lúc đó tôi chẳng có cơ sở gì để tiếp phái đoàn YKK, vì chưa mở công ty, chỉ có một cái xưởng nhỏ xíu. Nhờ giám đốc Nhà nước làm đại diện, tôi trong vai quản đốc phân xưởng. Họ đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn những máy móc thô sơ của tôi, vì so với sản phẩm của họ, mình chẳng giống ai.
Mãi sau này, khi thân thiết, trong một bức thư, vị giám đốc đối ngoại toàn cầu YKK đã viết vì sao ông chọn tôi làm đối tác: “Chúng tôi tìm đến anh không phải vì anh có tiền, tôi quý trọng anh vì anh có khát vọng, biết làm ăn, yêu nghề và chịu học, biết vươn lên từ số không”. Chính cuộc gặp gỡ này đã giúp Quân Đạt hoàn toàn lột xác.
Tìm được sản phẩm tốt rồi nhưng lúc đó đâu có tiền, gần một năm sau người ta cứ nhắc có đặt hàng không, mình mắc cỡ. Xưởng cơ khí làm “lụi” thôi mà, giống như hên, anh Nguyễn Hồng Hà đang chuẩn bị làm nhà, đưa mẫu YKK anh thấy hàng xịn quá, thế là cho tôi mượn hai chục ngàn USD nhập lô hàng đầu tiên. Lúc ấy số tiền này với tôi là lớn lắm. Căn nhà xây năm 1993, giờ vẫn còn đẹp.
Tiếng lành đồn xa, năm 1995, chủ dự án tòa nhà Yoco đã… chờ mình thành lập công ty để ký hợp đồng! Trên tinh thần “Người Việt dùng hàng Việt”, họ đã dành cho mình cơ hội đó, chính điều đó đã giúp tôi có cuộc đổi đời.
Sau đó, tôi rút ra bài học là không có tiền không làm được gì hết, nhưng cũng không phải không có tiền là không làm gì được.
“Khi đã làm phải là chất lượng cao nhất, để đời luôn”
Và ngược lại, anh đã học được rất nhiều từ đối tác Nhật Bản?
Là dân kỹ thuật, tôi mê cách làm nghiêm túc, chuẩn mực của người Nhật. Hàng Nhật đâu có rẻ, nhưng lúc đó vẫn có người mua. Họ đi trước mình nhiều năm, và họ giỏi thật. Vừa làm vừa học đã giúp tôi tiến từng bước, chậm mà chắc.
Từ một chàng kỹ sư Bách khoa Đà Nẵng, để làm chủ ba nhà máy lớn và thực hiện những công trình trọng điểm quốc gia như các sân bay, nhà cao tầng… ông đã phải thay đổi thế nào để thích hợp với tầm vóc mới?
Tôi vốn là dân kỹ thuật mà, đâu phải dân kinh doanh. Trong suốt thời gian hoạt động, khó khăn ghê lắm vì xuất phát vốn ít, chủ yếu là tích lũy, suốt bao năm lời là đồng nào đều tái đầu tư hết vào công ty, không rút tiền ra làm bất cứ điều gì.
Nhờ duyên lành đưa đẩy và tình yêu nghề tạo động lực lớn nhất, chứ tôi đâu có nghĩ một ngày đẹp trời mình có tiền. Khi đã đam mê, tự nhiên tạo sức hút kéo được những kỹ sư giỏi của Bách khoa Đà Nẵng về hết công ty, truyền lửa để họ đồng hành với mình, sau mấy chục năm anh em đều nằm ở lãnh đạo chủ chốt.
Thị trường Việt Nam bắt đầu khởi sắc, hòa nhập với thế giới, mình vừa được học công nghệ từ các quốc gia khác nhau, vừa phải mời những người có đầu óc kinh doanh để về giúp mình phát triển hệ thống bán lẻ, để ngóc ngách nào của Việt Nam cũng biết mặt hàng của mình.
Phải luôn cầu thị, lắng nghe, trao đổi bình đẳng với anh em, tìm giải pháp tốt nhất cho công việc. Tôi muốn xây dựng công ty dựa vào sức mạnh tập thể, nhất là thế hệ trẻ.
Khởi nghiệp từ lúc đầu xanh đến giờ tóc đã điểm sương, anh đã vượt qua những thách thức nào lớn nhất của kinh doanh, thời cuộc, con người?
Khó nhất là khi thị trường chưa biết mình là ai, không bán được, mình phải giữ vững niềm tin.
Thời điểm kinh tế khủng hoảng 96-97, không ai mua cửa nhôm, mình phải mượn tiền ngân hàng để trả lương anh em, có lúc ở giữa lằn ranh giữa sống và chết! Nhưng kinh doanh có quy luật, khi kinh tế phục hồi thì công ty mình lại lớn lên, lấy được hợp đồng lớn.
Năm 2014, thị trường bất động sản đóng băng, Quân Đạt cũng rất khó khăn, làm huề vốn, không lãi cũng làm để có chi phí nuôi quân. Khi đã làm phải là chất lượng cao nhất, để đời luôn. Trong 10 tòa nhà lớn đang hiện hữu ở Sài Gòn thì 7 công trình là Quân Đạt thực hiện.
Tôi tự hào vì đó là bảng thành tích không dễ dàng, mất gần 20 năm. Cách vượt qua khó khăn của tôi là tiền bạc có thể mất, nhưng bằng mọi giá phải giữ được đội ngũ chủ lực, vì có họ công ty mới phát triển. Đây là nghề đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người, phải giữ đội hình, nuôi họ bằng mọi cách, từ thợ cho tới thầy.
Điều gì từ chính ông đã thu phục được nhân tâm?
Ngoài truyền lửa đam mê với nghề là tấm lòng chia ngọt xẻ bùi, đồng cam cộng khổ, khó cùng chia, được cùng hưởng, đó là điều quan trọng nhất anh em ở lại với mình.
Chia sẻ quyền lợi cho anh em trước sau đó mới nghĩ đến mình, lời lỗ đều công bố minh bạch. Mấy chục năm nay những phần chia sẻ đều theo sự đóng góp của từng cấp bậc, chưa bao giờ mình lấy hơn những gì mình cần phải lấy.
Gắn bó với anh em, bảo đảm nguồn sống cho họ, không bao giờ tôi nghĩ công ty là nguồn sống cá nhân. Sau khi xây dựng xong nhà máy ở Bình Dương, Quân Đạt sẽ cổ phần hóa để chia sẻ lợi nhuận với tất cả mọi người.
Sống có đức mặc sức mà ăn, mình chẳng có gì tài giỏi, chỉ hơn người ở chỗ dám dùng người giỏi hơn mình, thậm chí có tiếng nói khác mình, mình nghe hết, nhưng nhờ thế mình có những quyết định đúng.
Thâm tâm tôi luôn biết ơn họ, những anh em, những người cộng tác, sau đó là khách hàng.
Anh em lớn tuổi theo luật phải về hưu, nhưng nếu ai còn sức có thể ký hợp đồng lại với công ty, làm chuyên môn hoặc giữ vai trò tư vấn. Bên cạnh đó là chính sách đào tạo đối với con cái họ để mang đến những cơ hội công việc tốt nhất. Để thế hệ trẻ tiếp cận với giá trị thương hiệu, công ty không quản trị trên nền tảng gia đình mà trên nền tảng tập thể, chia sẻ theo hình thức công ty cổ phần.
Thế hệ trẻ được đào tạo, rèn luyện, truyền lửa, yêu nghề, định hướng phát triển công ty theo hướng người sáng lập. Bất cứ ai có khả năng đều được cất nhắc, nhờ thế chúng tôi đã có được đội ngũ kế thừa 8X, 9X rất năng động…
Riêng con trai anh vừa du học từ Mỹ về và đang đảm nhiệm vai trò trợ lý Tổng giám đốc thì sao?
Con tôi hạnh phúc vì tôi có trách nhiệm, quan tâm đến con, đào tạo giáo dục bài bản từ Mỹ và dạy dỗ về bổn phận gia đình. Tôi tin cháu đủ sức đứng vững, có thể kiếm công việc nào thích hợp nhất.
Tôi không muốn cháu phải chịu áp lực từ cái bóng của cha. Biết đâu nhiều khi con làm giỏi hơn mình, nhưng có thể bị nghi ngờ núp bóng cha. Con có thể tự do chọn lựa, không chịu áp lực. Cái gì đến sẽ đến, ép là tự hại con. Tôi rất nhẹ nhàng.
Đây là sự nghiệp mình theo đuổi từ thời thanh niên, xây thì khó, phá thì dễ. Hãy để cho những ai xứng đáng tiếp quản công ty. Tất cả những người bắt con giữ “từ đường” có kết cục chẳng bao giờ tốt. Tôi không muốn con đi vào vết xe đổ đó.
“Bất cứ cuộc gặp gỡ nào cũng là nhân duyên”
Con người tình nghĩa và con người kinh doanh trong anh có bao giờ mâu thuẫn với nhau không?
Chẳng có gì mâu thuẫn nếu mình nghĩ đến đại cục là Quân Đạt. Tôi rất nghẹ nhàng và thanh thản khi quyết định, kể cả lúc thăng trầm và khó khăn nhất.
Sự thăng trầm của doanh nghiệp luôn biến thiên theo thời cuộc, quan trọng nhất là giữ được tình người, sự thấu hiểu, đồng cam cộng khổ và chấp nhận chiến đấu với mình.
“Lính” của tôi từ người thợ, kỹ sư giờ ra mở công ty riêng làm như Quân Đạt cũng đến hàng trăm. Tôi xem họ là những vệ tinh, khi cần tập hợp lại để họ đứng trong đội hình Quân Đạt, chia sẻ cơ hội cùng kiếm tiền, đâu phải mất họ đâu. Đó là giá trị nhân văn vô giá mà tôi nhận được.
Quân Đạt sẽ ứng phó thế nào với năm 2016 đầy thách thức, khi hiệu ứng TPP tràn vào và câu chuyện tỷ giá hối đoái toàn cầu?
Từ lúc sinh ra đến giờ không dựa vào bất cứ sự độc quyền nào để tồn tại, cạnh tranh trên thị trường sòng phẳng, nên TPP là cơ hội rất tốt cho Quân Đạt. Chúng tôi có năng lực chuyên môn và năng lực thị trường. Ngoài thị trường Đông Nam Á, chúng tôi đang nhắm đến thị trường Úc, châu Phi, Campuchia, sắp tới sẽ là Lào.
Chiến lược lớn nhất của tôi trong tương lai là hướng về thị trường Mỹ. Nhà máy ở Bình Dương đang tập trung phát triển sản phẩm cho các dự án lớn và thị trường xuất khẩu, và chuẩn bị xây nhà máy mới ở miền Trung. Đẩy mạnh doanh số xuất khẩu để cân đối tỷ lệ nội địa, lấy ngoại tệ cũng là tốt cho doanh nghiệp và quốc gia.
Tỷ giá hối đoái toàn cầu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhất là thị trường nhôm biến thiên từng giờ, như dầu mỏ và vàng vậy. Tất nhiên biến động từ nhôm vào dự án không như nguyên liệu. Sự chủ động của Quân Đạt là tùy theo nhạy cảm và dự đoán của mình, một là lời nhiều, hai là bớt lỗ. Thời điểm chốt nếu biến động sẽ mua bảo hiểm tỷ giá để cắt bớt lỗ, đó cũng là một cách.
Nhìn lại những được mất của đời mình, ông có một niềm tin tôn giáo nào không?
Từ trẻ tôi đã hấp thu tinh thần Phật giáo, nhưng không tin lắm. Sau bao thay đổi, thử thách, chiêm nghiệm lại thấy có một duyên phận. Nhân quả hết. Bất cứ cuộc gặp gỡ nào trong kinh doanh và cuộc sống cũng là nhân duyên, không có bỗng nhiên.
Phật giáo nói gieo nhân nào gặp quả ấy, cứ làm điều thiện sẽ gặt hái quả lành. Niềm tin đạo Phật với tôi là tin vào quy luật, tin vào khoa học để sống. Trong Phật giáo có từ Ngộ, không có gì mất mà không được, không có gì được mà không mất. Xử lý khủng hoảng trong cuộc sống riêng tư và trong xã hội đều phải chấp nhận tính hai mặt của vấn đề, làm sao cân đối để tổn thất nhỏ nhất thôi.
Tiền nhiều chưa chắc mang lại hạnh phúc. Bao nhiêu người có tiền mà đau khổ đấy. Cuộc sống thiếu niềm tin sẽ không bền vững, phải có niềm tin để giữ mình.