Để Hạnh Phúc: Buông Xả và Tha Thứ

Để Hạnh Phúc: Buông Xả và Tha Thứ

Huỳnh Huệ

Chúng ta đều cảm thấy rằng những gì chúng ta đang làm chỉ là một giọt nước trong đại dương.
Nhưng đại dương sẽ ít đi một chút bởi vì thiếu giọt nước ấy. “We ourselves feel that what we are doing is just a drop in the ocean. But the ocean would be less because of that missing drop.” Teresa


Trong cuộc sống hàng ngày nhiều áp lực và va đập, chúng ta thường khó tránh khỏi những bất đồng, va chạm trong công việc, sinh hoạt hàng ngày, và các mối quan hệ ở gia đình, nơi làm việc. Khi xảy ra tranh cãi, ta có thể không kiềm chế được và nổi nóng hay nặng lời, ta có thể thắng hay thua cuộc tranh cãi, thường không dễ giữ được hòa khí …

Kết quả là ta có thể làm tổn thương người khác, bị người khác làm tổn thương, hay chính mình cũng bị tổn thương, thấy đau đớn vì những mặc cảm thua cuộc, yếu thế, tự cho là mình kém cỏi, cay đắng vì thất bại. Thậm chí nhiều người trong chúng ta rồi sẽ cảm thấy ân hận trên chiến thắng, vì đàng sau cái gọi là chiến thắng ấy là những xa cách, mất mát và đổ vỡ nếu một trong hai bên đắm say với cái tôi ngã mạn, hay không biết cư xử đẹp.

Tất nhiên, chúng ta đều biết rằng điều hay nhất là chúng ta cố gắng trong ứng xử, giao tiếp và các mối quan hệ sao cho giữ được an bình trong tâm ta và an hòa với người: đối đãi với nhau bằng lòng biết ơn, tính chính trực, sự ôn nhu, nói những lời tử tế, …có nghĩa là tử tế với nhau. Làm được điều này không phải dễ! Vì thế chúng ta phải học cách sống an hòa với mình và với người gần như suốt đời, trong suốt quá trình hiện hữu của ta.

Có một câu nói rất hay của Abraham Joshua Heschel: “Ngày xưa còn trẻ, tôi thường khâm phục những người thông minh; giờ khi tôi lớn khôn hơn, tôi ngưỡng mộ những người tử tế.”

Albert Schweitzer cũng tin rằng: “Cứ luôn tử tế là có thể làm được rất nhiều. Như mặt trời làm băng tan, sự tử tế làm cho những ngộ nhận, bất tín, và thù địch tan biến “

Tuy nhiên tử tế với mọi người vẫn chưa đủ. Nếu chúng ta đôi lúc gặp những người chưa tử tế với mình, ta phải làm sao ? Chúng ta cần biết thương mình để có thể thương người. Và một trong những cách thương mình có thể dẫn đến an vui là biết buông xả và tha thứ. Bài viết sau đây của Leo Babauta trong Zenhabits sẽ cho ta một số ý tưởng về cách thực hành buông xả và tha thứ.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BUÔNG XẢ VÀ THA THỨ

Leo Babauta

Một lúc nào đó trong đời, chúng ta đều đã từng bị một ai đó gây tổn thương-chúng ta bị đối xử tệ, niềm tin đổ vỡ, lòng ta đau đớn.

Và có khi nỗi đau này tuy không nặng nề lắm, nhưng nỗi đau kia lại hằn sâu và kéo dài quá lâu. Chúng ta lại khơi cho nỗi đau trở lại và rất khó khăn để nó qua đi.

Chính điều này gây ra những vấn đề. Thương tổn ấy không chỉ khiến ta đau khổ mà còn gây căng thẳng và hủy hoại các mối quan hệ, làm ta xao lãng công việc, xa rời gia đình và những điều quan trọng khác, khiến chúng ta miễn cưỡng không chịu mở lòng ra với những điều mới lạ và những người mới gặp. Chúng ta bị mắc kẹt trong chu trình của sân hận, đau khổ, và bỏ qua vẻ đẹp của cuộc sống diệu kỳ. Đối với một số người sẽ là thất vọng chán chường đến buông tay cay đắng.

Chúng ta cần phải học cách buông xả. Chúng ta cần phải tha thứ, để ta có thể tiếp tục bước tiếp và hạnh phúc. Tha thứ không chỉ với người mà còn với mình.

Đây là một điều mà tôi đã học một cách khó khăn- sau nhiều năm nuôi dưỡng sân hận với một người yêu thương phát sinh từ ấu thời và niên thiếu. Sau cùng tôi đã bỏ đi nỗi giận này ( khoảng 8 năm về trước). Tôi đã tha thứ, và điều này không chỉ cải thiện thật tốt mối quan hệ của tôi với người yêu thương ấy, mà còn giúp tôi hạnh phúc hơn.

Sự tha thứ không có nghĩa là bạn bôi xóa quá khứ, hay quên đi những gì đã xảy ra. Cũng không có nghĩa là người kia sẽ thay đổi hành vi- vì bạn không kiểm soát được điều đó. Tất cả chỉ có nghĩa là bạn đang buông xả cơn giận, hay cay đắng và nỗi đau, để chuyển sang một miền tốt đẹp an vui hơn.

Điều đó không dễ. Nhưng bạn có thể học làm điều đó.
Nếu bạn đang bám vào nỗi đau, làm nó sống lại, và không thể buông xả và tha thứ, xin hãy đọc một đôi điều tôi đã học

1/ Quyết tâm buông xả:

Bạn sẽ chẳng làm điều này trong một giây và có lẽ cũng không trong trong một ngày. Có thể cần thời gian để vượt qua một nỗi đau. Thế thì hãy toàn tâm ý với việc thay đổi, vì bạn thừa nhận rằng bạn đang bị tổn thương bởi nỗi đau.

2. Nghĩ về những thuận lợi và khó khăn:

Nỗi đau này gây ra cho bạn các vấn đề gì.?

Nó có ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người này không?

Với những người khác?

Nó có ảnh hưởng đến công việc hay gia đình không?

Nó có cản trở bạn theo đuổi những giấc mơ, hay trở nên một người tốt hơn chăng?

Nó có làm cho bạn không hạnh phúc không?

Hãy nghĩ về tất cả những vấn đề này và nhận ra bạn cần thay đổi.

Rồi hãy nghĩ đến những lợi ích của sự tha thứ- tha thứ sẽ làm cho bạn hạnh phúc hơn, giải phóng bạn khỏi quá khứ và nỗi đau, cải thiện mọi điều về mối quan hệ và cuộc đời

3. Nhận thức rằng bạn có thể lựa chọn

Bạn không thể kiểm soát hành động của người khác, và cũng không nên cố gắng. Nhưng bạn có thể kiểm soát không chỉ hành động của bạn, mà còn ý nghĩ của bạn.

Bạn có thể ngừng làm sống lại nỗi đau, và chọn để đi tiếp. Bạn có năng lực này. Bạn chỉ cần học cách thực hiện.

4. Cảm thông

Thử điều này: hãy đặt mình vào địa vị người đó. Cố gắng hiểu tại sao người ấy làm như thế. Bắt đầu từ giả định rằng người đó không phải là người xấu, nhưng chỉ làm một việc sai. Điều gì người này đã từng nghĩ, điều gì đã xảy ra trong quá khứ khiến người ta làm thế. Khi làm thế người đó đã nghĩ gì, và làm gì sau đó? Bây giờ người đó cảm thấy ra sao? Bạn sẽ không nói rằng những gì người ấy làm là đúng, nhưng thay vào đó hãy cố gắng hiểu và cảm thông.

5. Hiểu trách nhiệm của mình.

Cố gắng để hiểu vì sao và bằng cách nào bạn phải chịu một phần trách nhiệm cho những gì đã xảy ra. Bạn đã có thể làm gì để ngăn điều đó, và bằng cách nào bạn có thể ngăn nó không xảy ra lần sau? Không phải là bạn chịu hết trách nhiệm, hay nhận trách nhiệm cho người kia, nhưng nhận biết rằng chúng ta không phải nạn nhân mà là những người trong cuộc và chịu trách nhiệm trong cuộc đời.

6. Tập trung vào hiện tại:

Vì bạn đã xem xét quá khứ, hãy biết nhận ra rằng quá khứ đã qua. Nó không diễn ra nữa , ngoại trừ trong tâm trí bạn.Và điều đó gây ra vấn đề – đau khổ và căng thẳng.Thay vì vậy, hãy tập trung trở về với giây phút hiện tại. Bạn đang làm gì? Bạn có thể tìm thấy niềm vui nào hiện tại? Hãy tìm ra niềm vui trong cuộc sống hiện tại, khi nó xảy ra, và đừng làm quá khứ sống lại. Tất nhiên bạn sẽ bắt đầu nghĩ về quá khứ, nhưng chỉ biết như thế, và nhẹ nhàng trở về với hiện tại.

7. Để an bình bước vào đời bạn

Vì bạn tập trung vào hiện tại, cố gắng tập trung vào việc thở. Tưởng tượng mỗi hơi thở ra là đớn đau và quá khứ, loại bỏ nó ra khỏi thân xác và tâm hồn bạn. và tưởng tương mỗi hơi thở vào là an bình đi vào và làm tràn đầy trong bạn. Loại bỏ nỗi đau và quá khứ. Để cho sự an bình đi vào đời bạn. Đi lên phía trước, không nghĩ về quá khứ nữa, chỉ nghĩ về an bình và hiện tại.

8. Cảm nhận tâm từ ái

Sau cùng, tha thứ cho người và nhận thức rằng khi tha thứ, bạn cho mình được hưởng hạnh phúc và bước tiếp. Làm điều này không dễ, nhất là khi ta nuôi dưỡng quá nhiều sân hận với một ai đó. Hãy chọn con đường đi đến hạnh phúc Hãy để tình yêu người và yêu đời lớn lên trong tim bạn. Có thể cần thời gian, nhưng nếu bạn kiên định điều này, tiếp tục thực hiện một số điều trên cho đến khi bạn có thể đạt đến lòng thương cảm.
Babauta

Mong sao chúng ta đều có được niềm hạnh phúc của buông xả và tha thứ ít nhất một lần trong ngày hôm nay và nhiều hơn trong một tuần và một tháng ……

Người ngu

Một số người có ngu hơn người khác không?

Tâm trí là ngu. Chừng nào bạn còn chưa đi ra ngoài tâm trí, bạn không đi ra ngoài ngu; tâm trí chừng nấy, là ngu.

Và tâm trí có hai kiểu: thông thái và không thông thái. Nhưng cả hai đều ngu. Tâm trí thông thái được coi là thông minh. Nó không phải vậy. Tâm trí ít thông thái bị coi là ngu, nhưng cả hai đều ngu.

Trong ngu xuẩn của mình bạn có thể biết nhiều – bạn có thể thu thập nhiều thông tin; bạn có thể mang tải trọng kinh sách theo bạn; bạn có thể huấn luyện tâm trí, ước định tâm trí; bạn có thể ghi nhớ; bạn có thể gần như trở thành cuốn từ điển bách khoa toàn thư Britannica – nhưng điều đó không tạo ra khác biệt nào trong cái ngu của bạn. Thực ra nếu bạn bắt gặp một người không còn tâm trí nào, cái ngu của bạn sẽ là nhiều hơn cái ngu của những người không có thông tin, người đơn giản dốt nát. Biết nhiều hơn không phải là trở thành việc biết, và biết ít hơn không phải là ngu xuẩn.

Ngu xuẩn là một loại ngủ, vô nhận biết sâu. Bạn cứ làm các thứ mà chẳng biết tại sao. Bạn cứ tham gia vào cả nghìn lẻ một tình huống mà chẳng biết tại sao. Bạn đi qua cuộc sống mà ngủ say. Việc ngủ đó là ngu xuẩn. Bị đồng nhất với tâm trí là ngu xuẩn. Nếu bạn nhớ, nếu bạn trở nên nhận biết và sự đồng nhất với tâm trí bị mất, nếu bạn không còn là tâm trí, nếu bạn cảm thấy siêu việt lên trên tâm trí; thông minh nảy sinh. Thông minh là một loại thức tỉnh. Ngủ, bạn ngu. Thức, ngu xuẩn đã biến mất: lần đầu tiên, thông minh đi vào.

Có thể biết nhiều mà không biết tới bản thân bạn; thế thì biết đó toàn là ngu xuẩn. Chính điều đảo lại cũng là có thể: biết bản thân mình – và không biết cái gì khác. Nhưng biết bản thân mình là đủ để là thông minh; và người biết tới bản thân mình sẽ cư xử thông minh trong bất kì và mọi tình huống. Người đó sẽ đáp ứng một cách thông minh. Đáp ứng của người đó sẽ không là phản ứng; người đó sẽ không hành động từ quá khứ. Người đó sẽ hành động trong hiện tại; người đó sẽ ở đây-bây giờ.

Tâm trí ngu bao giờ cũng hành động từ quá khứ. Thông minh không cần phải bận tâm tới quá khứ. Thông minh bao giờ cũng trong hiện tại: tôi hỏi bạn một câu hỏi – thông minh của bạn trả lời nó, không từ kí ức của bạn. Thế thì bạn không ngu. Nhưng nếu chỉ kí ức trả lời nó, không thông minh – thế thì bạn không nhìn vào câu hỏi. Thực ra bạn không bận tâm về câu hỏi; bạn đơn giản mang câu trả lời làm sẵn.

Chuyện kể về Mulla Nasruddin là hoàng đế định tới thăm thị trấn của ông ấy. Dân làng sợ đối diện với hoàng đế lắm, cho nên tất cả họ đều đề nghị Nasruddin, “Xin ông đại diện cho chúng tôi. Chúng tôi là người ngu, dốt. Ông là người khôn ngoan duy nhất ở đây, cho nên xin ông xử trí cho tình huống này bởi vì chúng tôi không biết cung cách của triều đình, và hoàng đế lần đầu tiên tới.”

Nasruddin nói, “Dĩ nhiên rồi. Tôi đã gặp nhiều hoàng đế rồi và tôi đã tới thăm nhiều triều đình rồi. Đừng lo.”

Nhưng người ở triều đỉnh bản thân họ cũng lo về làng này, cho nên họ tới chỉ để chuẩn bị cho toàn thể tình huống. Khi họ hỏi ai sẽ đại diện cho dân làng, dân làng nói, “Mulla Nasruddin sẽ đại diện cho chúng tôi. Ông ấy là người lãnh đạo của chúng tôi, người hướng dẫn của chúng tôi, triết gia của chúng tôi.”

Thế là họ huấn luyện cho Mulla Nasruddin, nói, “Ông không cần phải lo lắng nhiều quá. Nhà vua sẽ hỏi chỉ ba câu hỏi thôi. Câu hỏi thứ nhất sẽ là về tuổi của ông. Ông bao nhiêu tuổi?” Nasruddin nói, “Bẩy mươi.”

“Vậy nhớ điều đó. Đừng kinh sợ quá bởi hoàng đế và triều đình. Khi ngài hỏi ông bao nhiêu tuổi, nói, ‘Bẩy mươi’ – không một lời thêm hay bớt; bằng không thì ông có thể bị khó khăn đấy. Thế rồi ngài sẽ hỏi ông đã phụng sự cho đền thờ làng được bao lâu rồi, ông đã là thầy giáo tôn giáo ở đây được bao lâu rồi. Vậy nói đích xác số năm ra. Ông đã phụng sự được bao lâu rồi?” Ông ấy nói, “Trong ba mươi năm.”

Những câu hỏi đại loại thế này. Thế rồi hoàng đế tới. Những người đã huấn luyện cho Nasruddin, họ cũng đã huấn luyện cho hoàng đế nữa, nói, “Người ở làng này rất giản dị, và người lãnh đạo của họ có vẻ hơi ngu, cho nên xin bệ hạ rủ lòng thương và không hỏi cái gì khác. Đây là những câu hỏi….”

Nhưng nhà vua quên khuấy. Cho nê trước khi hỏi, “Ông bao nhiêu tuổi rồi?” nhà vua lại hỏi, “Ông đã hướng dẫn tâm linh cho thị trấn này được bao lâu rồi?”

Bây giờ, Nasruddin có câu trả lời cố định. Ông ấy nói, “Bẩy mươi năm.”

Nhà vua nhìn với chút phân vân bởi vì người này trông không quá bẩy mươi, vậy mà ông ta đã là thầy giáo tôn giáo từ chính lúc lọt lòng sao? Thế rồi nhà vua nói, “Ta rất lấy làm ngạc nhiên. Vậy thế ông bao nhiêu tuổi?”

Nasruddin nói, “Ba mươi.” Bởi vì đây là điều đã cố định: rằng đầu tiên ông ấy phải nói “bẩy mươi,” thế rồi ông ấy phải nói “ba mươi.” Nhà vua nói, “Ông điên sao?”

Nasruddin nói, “Thưa ngài, cả hai ta cùng điên – theo cách riêng của chúng ta! Ngài hỏi câu hỏi sai – và tôi phải trả lời câu trả lời đúng! Đây là vấn đề. Tôi không thể thay đổi được, bởi vì những người kia ở đây, những người đã huấn luyện cho tôi. Họ đang nhìn tôi. Tôi không thể thay đổi được, và ngài đang hỏi câu hỏi sai. Cả hai ta đều điên theo cách riêng của chúng ta. Tôi bị buộc phải trả lời câu hỏi đúng – đó là cái điên của tôi. Giá mà không có câu trả lời làm sẵn tôi chắc đã trả lời ngài đúng rồi, nhưng bây giờ có rắc rối. Và ngài đang hỏi câu hỏi sai, theo trình tự sai.”

Điều này xảy ra cho tâm trí ngu xuẩn. Liên tục, quan sát trong bản thân bạn đi: Mulla Nasruddin là một phần của bạn đấy. Bất kì khi nào bạn trả lời một câu hỏi vì bạn có câu trả lời làm sẵn, bạn hành xử ngu xuẩn. Tình huống có thể thay đổi, tham chiếu có thể đã thay đổi, hoàn cảnh có thể đã thay đổi – và bạn hành động từ quá khứ.

Hành động từ hiện tại đi. Hành động từ việc không chuẩn bị đi. Hành động từ nhận biết của hiện tại; đừng hành động từ quá khứ. Thế thì bạn không ngu.

Bây giờ bạn có thể hiểu tại sao tôi nói tâm trí là ngu: bởi vì tâm trí chỉ là quá khứ. Tâm trí là quá khứ được tích luỹ, mọi điều bạn đã biết trong quá khứ. Cuộc sống liên tục thay đổi. Tâm trí vẫn còn như cũ – nó mang kí ức chết, thông tin chết. Hoàn cảnh thay đổi mọi khoảnh khắc, câu hỏi thay đổi mọi khoảnh khắc, hoàng đế thay đổi mọi khoảnh khắc – và bạn mang những câu trả lời cố định. Bạn bao giờ cũng sẽ trong rắc rối. Tâm trí ngu xuẩn là trong rắc rối, khổ sở. Chẳng vì cái gì. Duy nhất chỉ lí do này: rằng người đó quá sẵn sàng, quá được chuẩn bị.

Mọi khoảnh khắc vẫn còn không được chuẩn bị đi. Thế thì bạn vẫn còn hồn nhiên. Thế thì bạn không mang cái gì đó. Bất kì khi nào bạn có câu trả lời làm sẵn, bạn đều không nghe câu hỏi đích xác như nó vậy. Trước khi bạn nghe câu hỏi, câu trả lời đã bật ra trong tâm trí rồi; câu trả lời đã đứng giữa bạn và câu hỏi rồi. Trước khi bạn nhìn quanh và quan sát tình huống, bạn đã phản ứng.

Tâm trí là quá khứ, tâm trí là kí ức – đó là lí do tại sao tâm trí là ngu, mọi tâm trí. Bạn có thể là một dân làng, chẳng biết gì mấy về thế giới. Bạn có thể là giáo sư ở Đại học , biết nhiều. Điều đó không tạo ra khác biệt gì. Thực ra thỉnh thoảng chuyện xảy ra là dân làng thông minh hơn – vì họ chẳng biết gì. Họ phải dựa vào thông minh. Họ không thể dựa vào thông tin của họ, họ chẳng có gì. Nếu bạn tỉnh táo bạn có thể thấy phẩm chất của hồn nhiên trong dân làng. Người đó như trẻ con.

Trẻ con thông minh hơn người lớn, thông minh hơn người già. Đó là lí do tại sao trẻ con có thể học dễ dàng thế. Chúng thông minh hơn. Tâm trí còn chưa có đó. Chúng là vô tâm trí. Chúng không mang quá khứ nào; chúng không có. Chúng đang di chuyển, vẩn vơ, ngạc nhiên với mọi thứ. Chúng bao giờ cũng nhìn vào tình huống. Thực ra chúng chẳng có gì khác để nhìn – không câu trả lời làm sẵn. Thỉnh thoảng trẻ con trả lời theo cách hay và sống động thế mà người già không thể trả lời được. Người già bao giờ cũng có tâm trí ở đó để trả lời cho chúng. Họ có kẻ phục vụ, cái máy, cái máy tính sinh học; và họ dựa trên nó. Bạn càng trở nên già, bạn càng trở nên ngu hơn.

Tất nhiên, người già nghĩ họ đã trở nên rất khôn ngoan, bởi vì họ biết nhiều câu trả lời. Nếu đây là khôn ngoan thì máy tính sẽ là kẻ khôn ngoan nhất. Thế thì không cần bạn nghĩ về Phật và Jesus và Zarathustra, không. Máy tính sẽ khôn ngoan hơn bởi vì chúng biết nhiều hơn. Chúng có thể biết tuốt; chúng có thể được nạp cho mọi thông tin. Và chúng sẽ vận hành tốt hơn vì chúng là máy.

Không, trí huệ không liên quan chút nào tới tri thức. Nó liên quan tới nhận biết, thông minh, hiểu biết. Tỉnh táo hơn đi. Thế thì bạn không trong nắm bắt của tâm trí. Thế thì bạn có thể dùng tâm trí bất kì khi nào được cần nhưng bạn không bị tâm trí dùng. Thế thì tâm trí không còn là người chủ – bạn là chủ và tâm trí là tớ. Bất kì khi nào bạn cần đầy tớ bạn hỏi, nhưng bạn không bị cai trị, bạn không bị tâm trí thao túng.

Tình huống bình thường của tâm trí là tới mức dường như chiếc xe thao túng người lái. Chiếc xe nói, “Đi theo đường này,” và người lái xe phải tuân theo. Thỉnh thoảng chuyện xảy ra: phanh hỏng, bánh xe không chạy tốt, bạn muốn đi xuống nam còn xe đi lên bắc. Máy đã hỏng; điều đó là ngẫu nhiên. Nhưng ngẫu nhiên đó đã trở thành bình thường với tâm trí con người. Một cách liên tục bạn muốn đi đâu đó và tâm trí muốn đi đâu đó khác. Bạn muốn đi tới đền chùa và tâm trí nghĩ tới rạp hát, và bạn thấy bản thân bạn ở rạp hát. Có thể bạn đã ra khỏi nhà để đi tới đền chùa để cầu nguyện… bạn đang ngồi ở rạp hát – bởi vì xe muốn đi theo đường đó và bạn không có khả năng điều khiển.

Thông minh là tính làm chủ – làm chủ mọi cái máy bên trong bạn. Thân thể là cái máy, tâm trí là cái máy: bạn trở thành người chủ. Không ai thao túng bạn; tâm trí đơn giản nhận lệnh của bạn. Đây là thông minh.

Cho nên nếu bạn hỏi, “Một số người có ngu hơn người khác không?” – điều đó còn tuỳ. Như tôi thấy, mọi người thông thái đều là người ngu thông thái, người ngu không thông thái. Đây là hai phân loại bình thường, bởi vì phân loại thứ ba là duy nhất tới mức bạn không thể làm cho nó thành phân loại được. Hãn hữu, thỉnh thoảng, vị Phật xảy ra: vị Phật là thông minh. Nhưng thế thì ông ấy có vẻ như nổi dậy vì ông ấy không cho bạn câu trả lời quá khứ, câu trả lời cố định. Ông ấy đi xa khỏi đường cao tốc; ông ấy có con đường riêng của mình. Ông ấy làm ra con đường riêng của mình. Thông minh bao giờ cũng đi theo bản thân nó. Nó không theo bất kì ai. Thông minh làm ra con đường riêng của nó. Chỉ người ngu mới đi theo.

Nếu bạn ở đây với tôi bạn có thể ở đây theo hai cách. Bạn có thể ở đây một cách thông minh với tôi: thế thì bạn sẽ học từ tôi, nhưng bạn sẽ không đi theo. Bạn sẽ theo thông minh riêng của bạn. Nhưng nếu bạn ngu bạn không bận tâm về việc học: bạn đơn giản theo tôi. Điều đó có vẻ đơn giản, ít rủi ro, ít nguy hiểm, an ninh hơn, an toàn, bởi vì bạn bao giờ cũng có thể đổ trách nhiệm lên tôi; nhưng nếu bạn chọn cách thức an toàn an ninh, bạn đã chọn chết. Bạn đã không chọn sống. Sống là nguy hiểm và rủi ro. Thông minh bao giờ cũng sẽ chọn sống – với bất kì giá nào, bất kì cái gì rủi ro – bởi vì đó là cách duy nhất để sống động.

Thông minh là phẩm chất của nhận biết. Người thông minh không ngu.

Trích từ “Yoga: Alpha và Omega – Tập 6”

ĐƯỢC

 Sống một kiếp người bình an là được
2 bánh, 4 bánh, chạy được là được.
Tiền ít tiền nhiều, đủ ăn là được
Người xấu người đẹp dễ coi là được.
Người già, người trẻ miễn khỏe là được
Nhà giàu, nhà nghèo, hòa thuận là được
Ông xã về trễ, miễn về là được
Bà xã càu nhàu, thương mình là được.
Tiến sĩ cũng được, bán rau cũng được
Tất cả phiền não, biết xả là được
Kiên trì cố chấp, biết quên là được
Bạn bè xa gần, nhớ nhau là được.
Không phải có tiền, muốn gì cũng được
Tâm tốt việc tốt, số mệnh đổi được
Ai đúng ai sai, trời biết là được
Tích đức tu thân kiếp sau cũng được.
Thiên địa vạn vật, tùy duyên là được
Có rất nhiều việc, nhìn xa sẽ được
Nói nhiều như vậy, hiểu được là được
Vẫn còn chưa hiểu, xem lại là được.
“Hạnh phúc chỉ đơn giản là khi mình thấy ĐƯỢC” đúng không