Tại sao đuổi học?

Ngay từ thuở còn cắp sách đến trường tôi chứng kiến không biết bao nhiêu bạn bè của mình bị đuổi học vì những lý do như đánh nhau, quay cóp, uống bia rượu, đua xe… nói chung là những lý do mà người ta quy cho là phạm tội hay lỗi trầm trọng mà qua đó sẽ dẫn đến việc cho thôi học có thời hạn hay vô thời hạn. Mà việc đuổi học này không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà nước Tây nước Tàu nào cũng có. Tôi còn chứng kiến trước khi cho thôi học nhà trường còn bắt cả phụ huynh lên làm bản kiểm điểm đọc trước toàn trường, thật không thể nào tưởng tượng nổi.

Người ta có rất nhiều lý do để giải thích cho việc đuổi học. Nhưng quan điểm của tôi là dựa trên chức năng của nhà trường là giáo dục học sinh, trường không dạy nổi, không quản lý nổi có nghĩa là không thực hiện nổi chức năng của mình như vậy người ra quyết định đuổi học nên thôi giữ chức vụ hay đóng cửa trường vì không có khả năng dạy dỗ nổi học sinh do mình nhận vào.
Những lý do như làm ảnh hưởng đến học sinh khác là hoàn toàn không chấp nhận, nếu sợ ảnh hưởng đến học sinh khác thì tại sao nhận học sinh vào học, nhận học sinh vào học nghĩa là anh phải chịu trách nhiệm quản lý dạy dỗ và giáo dục người ta, nếu lỡ người ta vi phạm anh phải xem đó là lỗi của mình và có cách khắc phục hậu quả không đằng này lại đuổi học như vậy là từ chối trách nhiệm của mình. Nếu nói là làm ảnh hưởng đến học sinh khác thì chẳng khác nào coi người bị đuổi như một phần tử bệnh dịch nguy hiểm cần được loại trừ? Bạn phạm một lỗi và bạn trở thành một loại dịch bệnh nguy hiểm.
Có lí do đuổi học nào là muốn tốt cho học sinh bị đuổi học không? Tôi thấy đa phần là do dự luận và do ảnh hưởng đến tên tuổi của trường hay của ông/bà nào đó cho nên phải đuổi? Choáng!
Nhà trường có thể có cả tỷ lý do để chứng tỏ quyền uy đuổi học của mình nhưng nếu giáo dục thật sự xuất phát từ tình thương thì không có lý do nào có thể chấp nhận được và nó cũng đã sai chức năng và mục đích giáo dục. Nhưng việc đuổi học vẫn cứ xảy ra, nhiều người vẫn cứ hả hê … thế thì người bị đuổi học họ sẽ cảm thấy thế nào? Họ sẽ trở thành người như thế nào? Những người khác sẽ cư xử với họ ra sao? Liệu có nơi nào để họ có thể tiếp tục được học hay ko? Học sao mà xa xỉ quá vậy.
Tôi chứng kiến bạn bè của mình thuở học chung học rất giỏi nhưng họ phạm sai lầm và bị đuổi học ở lứa tuổi thành niên và thế là sau 10-15 năm gặp lại tôi nhìn thấy họ mà rưng nước mắt, họ cũng mặc cảm ko thèm nói chuyện với mình. Có ai không phạm sai lầm, thế sao họ lại bị vứt ra khỏi xã hội như vậy, trẻ con hay người lớn ai cũng có thiện tâm trong lòng mình ai cũng có phút lầm đường lạc lối và hoàn toàn có thể quay trở lại con đường tốt của mình. Thế mà nền giáo dục này, xã hội này lại vứt bỏ họ và chà đạp họ.
Nếu người bị đuổi học là con cái của mình thì mình sẽ thế nào? Vì nó làm mất mặt cả dòng họ nên đuổi nó ra khỏi nhà chăng làm như vậy gia đình cũng chẳng khác gì nhà trường cũng phủi bỏ trách nhiệm giáo dục của mình chỉ khác ở chỗ là lý do, xây thì khó phá bỏ thì dễ lắm. Trường với gia đình đổ lỗi cho nhau rồi đổ lên đầu đứa nhỏ. Nơi nương tựa của người Việt mình là gia đình thế nên phải tìm cách giúp con em mình vượt qua được lỗi lầm, không đi học nghĩa là một cơ hội tốt vì có thêm thời gian để rèn luyện chấn chỉnh bản thân của mình thành một con người tốt bằng một cách thức khác chứ không phải cứ đi tới trường là con đường duy nhất. Trường đời rộng và dài lắm ai ơi, mỗi người lại mỗi ngã đâu như trường Việt thì học 16 năm trời cũng chữ thầy trả thầy chưa chắc đã bằng một người chuyên tâm học hành say mê làm việc yêu thích trong vòng vài năm là cũng đạt được thành tựu. Những người tu hành hay khổ luyện họ cũng có chỗ của họ đâu đó chứ đâu nhất thiết phải ở trường.
Vì vậy đừng đuổi học nữa! Trường học đừng chứng tỏ sự yếu kém và bất lực của mình nữa.

Học để làm cái gì vậy?

Câu hỏi đơn giản nhưng mà để trả lời có khi mất cả mấy thế hệ? Tôi sẽ bắt đầu viết những câu chuyện về giáo dục mà tôi từng chứng kiến và cảm nhận được.

5 lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời

Trong vô vàn lựa chọn mà đời người phải trải qua, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng nhưng, trước những lựa chọn quan trọng nhất, việc đưa ra quyết định sáng suốt sẽ cho chúng ta một cuộc đời “thăng hoa” như mong muốn, và ngược lại.

Đối với những người trẻ, điều này lại càng có ý nghĩa hơn bởi họ có cả một tương lai phía trước đang chờ đợi, mà việc đưa ra những lựa chọn đúng được sớm chừng nào lại khiến tương lai ấy rõ ràng hơn chừng đó.

1. Chọn Lẽ để sống

Lẽ sống chính là hoài bão và sứ mệnh của cuộc đời, là giá trị nền tảng, chuẩn hành xử của chính mình. Xác định lẽ sống chính là trả lời câu hỏi: “Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không?”. Xác định lẽ sống cũng chính là việc chọn cho mình lý do để sống (rốt cuộc ý nghĩa của cuộc đời mình nằm ở đâu) – được coi là “đích đến”, “bánh lái”, hay sẽ là “ma đưa lối, quỷ đưa đường” trong cuộc đời chúng ta. Đây là lựa chọn quan trọng bậc nhất, ảnh hưởng tới tất cả những lựa chọn còn lại.
Không phải ai cũng chọn được đúng “đích đến” và “bánh lái” cho mình và hậu quả là cuộc đời của họ nhiều khi sẽ rất uổng phí hoặc vô cùng bi kịch.
Con người sinh ra vốn dĩ là lương thiện, nhưng chọn lẽ sống khác nhau thì sẽ có những con người khác nhau, cuộc đời khác nhau và số phận khác nhau.

2.Chọn Người để Lấy

Phải bắt đầu lựa chọn này từ việc mình muốn có một gia đình như thế nào. Tình yêu là một phạm trù hoàn toàn mang tính cảm xúc nhưng hôn nhân lại có cả yếu tố lý trí. Lấy vợ lấy chồng thì có lẽ ai cũng tìm cho mình được một người vợ, người chồng và đồng thời cũng là một người bạn đời!
Người ta hay nói là trong tất cả các kiểu bạn (bạn xã giao, bạn tâm giao, bạn tư giao, bạn tri kỉ…) thì chọn bạn đời là khó nhất. Khi chọn bạn đời, điều kiện cần là tình yêu thương nhưng quan trọng hơn cả là cả hai phải chia sẻ được lẽ sống và hệ giá trị suốt cả cuộc đời. Có thể khi cưới nhau, vợ chồng chưa thực sự là bạn đời, chưa xác định rõ lẽ sống, chưa có chung một hệ giá trị nhưng họ sẽ cùng thay đổi nhau và thay đổi chính mình để không chỉ là người chồng, người vợ của nhau, mà còn là người bạn trên hành trình còn lại của cuộc đời. Được như vậy, cuộc đời sẽ thăng hoa!

3. Chọn Việc để Làm

Thực tế cho thấy đang có xu hướng chọn nghề và đổi nghề theo “mốt”. Nghề nào được gắn mác “thời thượng” là giới trẻ đổ xô vào tìm “vận may”. Thậm chí khi đã thành công với một nghề nào đó thì phần đông lại cùng tìm đến một nghề, đó là nghề chính trị.
Thực ra, xã hội có nhiều đỉnh chứ không chỉ có một đỉnh là quyền lực: Trở thành một chính trị gia tài ba là một đỉnh; trở thành một nhạc sĩ lớn cũng là một đỉnh; trở thành một bác sĩ giỏi cũng là một đỉnh, trở thành một kiến trúc sư danh tiếng cũng là một đỉnh… Thực ra, làm một bác sĩ giỏi vẫn tốt hơn làm một viện trưởng tồi, làm một giáo sư giỏi thì quan trọng hơn là làm một hiệu trưởng kém. Thực ra, làm sếp hay làm lính, làm thầy hay làm thợ, làm quan hay làm dân, làm chủ hay làm thuê… đều không quan trọng, mà quan trọng là làm cái gì mà mình giỏi nhất, phù hợp với tính cách của mình nhất và tạo ra giá trị (cả giá trị tài chính và giá trị xã hội).
Bên cạnh chọn công việc và nghề nghiệp phù hợp để làm, chúng ta cũng cần tìm cho mình một nơi làm phù hợp để gắn bó (công ty, tổ chức nào, nghành nào, lĩnh vực nào, vùng miền nào…). Điều này rất quan trọng vì công việc không chỉ là chỗ để đóng góp, mưu sinh mà còn là nơi để học tập và phát triển. Ngày nay, người ta bị ảnh hưởng bởi chính nơi mình làm việc nhiều hơn là nơi mình học. Cũng đều tốt nghiệp một trường đại học, đều giỏi như nhau nhưng sau mấy năm ra trường sẽ có hai cuộc đời khác nhau, hai tương lại khác nhau mà nguyên nhân là vì đã có hai sự lựa chọn về công việc khác nhau.

4. Chọn Thầy để Học

Sự học luôn là một trong những “sự nghiệp” quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người. Dưới đây là 5 “người thầy” gần gũi và hữu ích nhất:
Thầy
Đây là những người thầy bằng xương bằng thịt, trực tiếp khai sáng trí tuệ và nuôi dưỡng tâm hồn cho chúng ta. Thầy có nhiều nhưng không phải ai cũng là người thầy đúng nghĩa, không phải ai cũng có thể dẫn dắt người học làm chủ quá trình học và khám phá thế giới vô tận của tri thức. Vì thế mà việc chọn đúng người để học, để tôn làm thầy có ý nghĩa quan trọng là vậy.
Sách
Sách là một trong những con đường dễ nhất, rẻ nhất và nhanh nhất cho sự học của mỗi người. Sách không chỉ là người thầy mà con là người bạn tri kỷ, luôn tử tế, nhẫn nại, chờ đợi và chịu đựng chúng ta. Học từ sách là học từ những bộ óc vĩ đại nhất của loài người, là việc biến túi khôn của nhân loại vốn đã được đúc kết trong sách thành của mình. Chúng ta có thể đưa những người thầy vĩ đại nhất của thế giới, từ cổ tới kim, từ Đông sang Tây, về tận nhà để dạy cho mình, bất kể thời điểm nào mà chi phí nhiều khi chỉ bằng… tô phở.
Tuy nhiên, không đọc sách thì chắc chắn là không giỏi được nhưng đọc sách nhiều cũng chưa chắc đã tạo ra giá trị. Vấn đề còn nằm ở chỗ chọn sách nào để học, học như thế nào vào học được gì từ sách.
Kinh nghiệm
Trên đời này có những cái mà không trả giá thì không thể học được, nhưng cũng có những cái không cần trả giá cũng có thể học được. Cuộc đời chúng ta sẽ không thể tránh khỏi những thất bại, vấn đề là sau mỗi thất bại thì cần phải rút ra được những bài học để những thất bại tương tự không còn tái diễn trong tương lai. Có những người cho rằng, nếu muốn không thất bại thì tốt nhất là đừng có làm gì nữa, nhưng nếu vậy thì sẽ có một thất bại cực lớn khác, đó là thất bại cả cuộc đời. Để hạn chế thất bại và trả giá, cần phải học rất nhiều từ hai “người thầy” đầu tiên (thầy và sách).
Nhân vật
Họ có thể là các bậc thức giả (để chúng ta học tri thức) hoặc những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội (học tinh thần, ý chí). Chính những câu chuyện thành công, thất bại và những trải nghiệm, tư tưởng, tài năng và nhân cách của họ sẽ là bài học quý giá cho mình trên con đường tự khai sáng bản thân mình và những người quanh mình.
Tuy nhiên, phải có năng lực thẩm định, biết mình là ai, biết ai là ai, cái gì là cái gì, nếu không thì sẽ vô cùng nguy hiểm, người đáng khinh thì lại trọng, người đáng trọng lại khinh.
Internet
Được coi là một trong những phát minh quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm cho cả nhân loại thay đổi một cách sâu sắc và khác biệt hẳn so với những thời kỳ trước đó, Internet thực sự là công cụ hữu hiệu cho sự học của mỗi người.
Thời đại Internet hình thành 2 loại người: “Công dân mạng” và “Sâu mạng”. “Công dân mạng” là những người sử dụng Internet như một công cụ để nâng cao kiến thức của mình, phục vụ cho công việc và cuộc sống. Còn “sâu mạng” là những kẻ phung phí phần lớn thời gian, sức lực của mình vào những trò tiêu khiển trên mạng hoặc phá hoại, có thể có “sâu cuốn lá” (game online), “sâu đục thân” (coi phim sex), “sâu chat” (tán chuyện gẫu); “sâu phá hoại” (hacker mũ đen)… Là “công dân mạng” hay “sâu mạng”, đó cũng là một lựa chọn quan trọng đối với người trẻ trong thời đại này.

5. Chọn Bạn để Chơi

Nói đến con người là hàm ý tới con người xã hội với nhiều mối quan hệ đan xen, và cũng chính những mối quan hệ đó định hình chân dung một người. Chẳng hạn, phương Tây có câu: Hãy nói cho tôi biết bạn của bạn là ai, tôi sẽ nói bạn là ai. Còn ông bà mình, khi nhận xét về một người hoặc một nhóm người nào đó thì thường nói: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” hoặc “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” (ngoại trừ một số ít người quá đặc biệt, quá cá tính thì gần mực sẽ không đen, mà gần đèn cũng chẳng sáng).
Trong đời người, ngoài người bạn quan trọng nhất là bạn đời thì cần phải có bạn tâm giao, bạn thâm giao, thậm chí là bạn tri kỷ, chứ không phải chỉ có những người bạn hời hợt, quen biết xã giao, ngoại giao. Họ là những người cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, chia sẻ một hệ giá trị và những lý tưởng sống, giá trị sống. Dẫu vậy, họ có thể có những con đường khác nhau trên hành trình lập thân, lập nghiệp.
Có thể nói bạn bè chính là “tài sản” của mỗi người (“Giàu vì bạn, sang vì vợ”), là nguồn chia sẻ, động viên, hỗ trợ khi cần thiết. Song như thế không có nghĩa là tận dụng bạn. Ngược lại, chơi với bạn cần phải xác định là để giúp bạn cùng phát triển và tiến bộ. Một tình bạn nếu được xây đắp trên tinh thần như vậy thì sẽ vô cùng bền vững và tốt đẹp.
Chọn Lẽ để sống là chọn “đích đến” và “bánh lái”, là chọn “hệ điều hành” cho cuộc đời; Chọn người để lấy là chọn cho mình một gia đình, một tổ ấm, một nơi chốn bình yên để đi về, để là “bệ phóng” của nhau trong cả cuộc đời; Chọn việc để làm là chọn cho mình một sự nghiệp, để hiện thực hóa giấc mơ cuộc đời; Chọn Thầy để học là chọn những nhân vật hoặc phương cách để trang bị cho mình những hiểu biết và năng lực để hoạch định và thực thi chiến lược cuộc đời; Chọn Bạn để chơi là kiếm tìm và nuôi dưỡng những tình bạn đẹp nhằm làm giàu có thêm cho cuộc đời của mình.
Tất cả những lựa chọn quan trọng này cần phải được đặt ra và thi triển hết sức nghiêm túc, để những câu hỏi ở đầu bài: Mình là ai? Mình sống để làm gì? Cuộc đời mình sẽ đi về đâu? Rốt cuộc là mình sẽ dùng cuộc đời mình vào việc gì và việc đó có đáng để dùng hay không? Mình muốn có một cuộc đời ra sao?… được trả lời một cách trọn vẹn. Bằng cách đó người trẻ sẽ có một cuộc đời đáng sống, như có thể đúc kết thành: “Your Choices, Your Life” (Lựa chọn của bạn quyết định cuộc đời của bạn), “Your Values, Your Fate” (Giá trị bạn chọn sẽ quyết định số phận của bạn).

10 ĐẶC ĐIỂM CỦA NGƯỜI VIỆT

Người nước ngoài nhìn ta:

1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.

2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.

3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).

4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.

5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học “đến đầu đến đuôi” nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)

6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.

7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).

8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.

9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.

10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng.

Ta tự nhìn ta

1. “Giờ cao su”: Nhìn chung, ý thức giờ giấc của người Việt Nam rất kém. Nhiều bạn đi du học ở các nước phát triển lúc đầu rất hay bị bỡ ngỡ. Họ dễ bị trễ tàu, lỗi hẹn nhưng dần dần họ cũng khắc phục được. Ðến khi về nước họ lại khó chịu với “giờ cao su” của chúng ta.

2. Thiếu tự tin và óc phê phán: Ðây cũng là nhược điểm của văn hoá phương Ðông có lối sống khép kín. Nhiều bạn sinh viên năm thứ ba, thứ tư Ðại học mà vẫn ngại phát biểu ý kiến hoặc trình bày vấn đề trước đám đông vì thiếu tự tin, thiếu thói quen suy nghĩ, đi học chỉ biết “chép chính tả”. Kiểu giáo dục thụ động luôn tỉ lệ thuận với sức ì của tư duy và tỉ lệ nghịch với óc phê phán (critical thinking) của thanh niên.

3. Bệnh hình thức: Có bạn trong cơ quan hay công ty mình làm việc đang chẳng đâu vào đâu thì lại đi học master. Có bạn tốt nghiệp rồi mà chưa tìm được việc làm cũng đi học master. Tư duy nặng về “điểm chác”, bằng cấp rất phổ biến. Không xác định tư tưởng học để làm việc mà học để lấy bằng. Người Mỹ có quan điểm: to learn is to change. Còn chúng ta ra sức theo học rất nhiều lớp học nhưng rốt cuộc cách làm việc không thay đổi gì cả, điều khác là chúng ta có thêm mấy cái bằng bổ sung vào hồ sơ cá nhân.

4. Không tiết kiệm: hay tâm lí thích tiêu xài phung phí. Ðây là virus đang rất phổ biến và rất dễ lây lan trong giới trẻ. Họ quan tâm đặc biệt đến quảng cáo, thích xem các loại tem nhãn quần áo, nhận xét, đánh giá người khác qua tài sản, thấy thèm muốn, thán phục nếu ai đó có nhiều quần áo, xe, điện thoại, nhà…”xịn” hoặc tiêu xài sang hơn mình. Chúng ta đang tiêu dùng nhiều hơn chúng ta kiếm được.

5. Thiếu trách nhiệm cá nhân, thừa trách nhiệm tập thể: Nói chung trong những người bình thường, chúng ta thường hay đùn đẩy trách nhiệm, bất kỳ việc gì chuyển được sang cho người khác cũng đều thấy nhẹ cả người. Khi xảy ra sai phạm đó sẽ là lỗi chung của cả tập thể chứ không của riêng cá nhân nào.

6. Thể lực kém: xuất phát từ nhiều nguyên nhân như chế độ dinh dưỡng, chương trình học quá tải, học lệch, tâm lí lười vận động… Và hậu quả là khi làm việc với các đồng nghiệp nước ngoài, mặc dù rất cố gắng nhưng người Việt trẻ vẫn rất hay bị hụt hơi và cảm thấy khó có thể theo được cường độ làm việc của họ.

7. Thiếu thực tế: Ông Kim Woo Choong – Chủ tịch Công ty Deawoo viết: “tuổi trẻ không có ước mơ thì không phải là tuổi trẻ… lịch sử thuộc về những người biết ước mơ”. Nhưng đó là những ước mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Chúng ta thường hay suy nghĩ viển vông, thiếu suy nghĩ

thực tế và chưa có suy nghĩ học là để làm việc.

8. Tinh thần hợp tác làm việc theo team work còn hạn chế. Thế kỷ 21 là thế kỷ làm việc theo nhóm vì tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ngay cả văn học và nghệ thuật, một cá nhân cũng không thể đảm đương được.

9. Tác phong công nghiệp: Ðây là điểm rất quan trọng, có thể bao hàm một vài điểm đã nêu trước. Một nhà xã hội học Mỹ nói về nguồn gốc của cách làm việc tiểu nông như sau: “Anh nông dân sau khi gieo lúa xong có thể nhậu lai rai, ngủ dài dài và chờ đến thời điểm nhổ cỏ, bón phân mới làm tiếp. Mà việc này có làm muộn vài ngày cũng chẳng sao, không ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới. Nhưng một người công nhân đứng máy luôn luôn phải đúng giờ, có thao tác chính xác tuyệt đối và tinh thần kỷ luật cao. Một sơ suất nhỏ cũng có thể gây tác hại đến cả dây chuyền.”

Đọc bài viết này trên mạng, tôi cảm thấy ngậm ngùi, đau xót và chia sẻ để mọi người cùng đọc, cùng suy ngẫm. Theo tôi, Cuộc đời là chuỗi ngày cố gắng liên tục để hoàn thiện bản thân mình.

Rành mạch như Nguyễn Hiến Lê

Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tấm gương sáng về tinh thần lao động. Trong hơn ba chục năm cầm bút, ông đã để lại một di sản đồ sộ, tới cả trăm cuốn, có giá trị về nhiều mặt. Ông cũng là một nhân sĩ đáng trọng bởi dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được một cách nhìn nhận vấn đề khách quan, trung thực.


Điều đặc biệt ở học giả Nguyễn Hiến Lê là không chỉ trong việc viết mà trong cuộc sống đời thường, ông luôn sòng phẳng, rành mạch thể hiện thái độ, quan niệm sống của mình… 
Phan Ngọc Hiển

1. Trong đời mình, cả hai lần học giả Nguyễn Hiến Lê được chính quyền Sài Gòn đề nghị trao giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, nghệ thuật thì cả hai lần ông đều từ chối không nhận. Trả lời thắc mắc của một số bạn hữu, Nguyễn Hiến Lê cho hay: “Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho”. Được biết số tiền dành cho giải thưởng bấy giờ rất cao, lên tới 1.000.000 đồng, tương đương với 25 lượng vàng.

Xác định điều hữu ích lớn nhất mà mình có thể đóng góp cho đời là việc cầm bút, Nguyễn Hiến Lê đã kiên quyết gạt bỏ những việc làm mà ông cho là vô bổ, mất thời gian, ảnh hưởng tới nghiệp viết của mình. Một lần, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mời Nguyễn Hiến Lê tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc, ông nhất mực thoái thác với lý do: Việc đề nghị cải tổ giáo dục ông đã có bài đăng trên tạp chí Bách khoa từ năm 1962. Giờ ông không có gì để nói thêm. Vả chăng, đang trong tình hình chiến tranh, có bàn thế chứ bàn nữa cũng chỉ… mất thời giờ. Một lần khác, có vị Bộ trưởng trong chính phủ Sài Gòn cho nhân viên đến mời ông tới “tư dinh” của ông ta nói chuyện riêng, ông đã thẳng thừng cật vấn người này: “Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Lại có lần, Nguyễn Hiến Lê đã không thèm trả lời thư riêng của một vị Bộ trưởng chỉ vì vị này, trong thư gửi ông đã để một viên thư ký… ký thay.

2. Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, hồi trẻ, khi viết văn, ông hơi mắc bệnh khoa trương. Sau này tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì viết trước đây, nếu chưa kịp in thì ông cũng chỉ giữ lại làm kỷ niệm, chứ không cho in lại nữa. Ông ngượng.

Trọng sự bình dị, ông còn trọng cá tính của mình nữa. Một lần, có nhà biên tập sau khi đọc đoạn văn ký sự của ông, đã cất công đảo câu văn lên, câu văn xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người nọ “sửa khéo” nhưng khi đưa in bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói như thế mới tự nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của mình.

Đa phần các sách của Nguyễn Hiến Lê đều bán chạy, song có những đề tài ông biết rất ít người đọc, nhưng vì ông thích, ông vẫn cứ viết. Như cuốn “Một niềm tin”, chỉ được in có hơn nghìn bản mà tới gần chục năm sau sách vẫn chưa tiêu thụ hết.

Khi dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của ông, nghĩa là phải bình dị, tự nhiên. Ông tâm sự ông thích sách của Lev Tolstoy, Somarset Maugham. Dịch “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “rất dài và có nhiều chương lý thuyết về lịch sử đọc chán lắm”, nhưng ông vẫn dịch trọn, không để sót một dòng. Quan điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt”.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Đây là một tác giả có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, song vẫn có chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Như trong bài viết “Nhân sinh quan của tôi”, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ý kiến: “Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm”.

3. Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song Nguyễn Hiến Lê vẫn không sao dung nạp được cách sống tự do thái quá, xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình như ở một số nước Âu, Mỹ. Ông kể: “Người Âu Mỹ, khi lớn rồi thì ra ở riêng, cả tháng, có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão”. Ông cũng than phiền về một nghịch lý trong xã hội Việt Nam, ấy là việc “người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bạn già của tôi cũng phàn nàn phải làm “vú đực” cho cháu”.

Năm 1965, một người con trai của Nguyễn Hiến Lê tên là Nhật Đức (khi ấy đang sống và làm việc tại Pháp) đã bất ngờ xin phép bố mẹ cho được kết hôn với một phụ nữ Pháp. Nguyễn Hiến Lê nghe tin vậy thì rất giận. Biết tính con trai đã làm gì là quyết làm bằng được nên ông không… cấm, song cũng nhất định không can dự vào việc này, để hai mẹ con tự lo. Mấy năm sau, người con trai này kêu cầu mẹ mình ở lại Paris trông nom con cái giùm vì hai vợ chồng đang làm thủ tục… ly dị. Nhận được tin con, đầu Nguyến Hiến Lê như bốc hỏa. Ông nhắn cho vợ: “Bảo nó trước kia đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý kiến cha mẹ thì bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả của sự quyết định của nó, chứ tại sao lại cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà, bỏ cửa công việc dạy học bên đây, làm vú em cho con nó rồi bắt lây cô Liệp (vợ sau của Nguyễn Hiến Lê – PNH) bỏ nhà cửa ở Long Xuyên mà lên đây săn sóc cho tôi”. Ông mắng con là đã Âu hóa quá mau, chỉ thờ cá nhân chủ nghĩa, “không biết tới gia đình, không còn tình của con người nữa”.

Vậy nhưng sau này, khi người con trai nói trên của Nguyễn Hiến Lê đã ly dị vợ rồi, và bà vợ đầu của ông cũng đã ổn định cuộc sống ở Pháp, trong khi cuộc sống trong nước thì đói kém, Nguyễn Hiến Lê lại thấy: Hóa ra, trong cái rủi có cái may. Từ đó, ông quay sang ân hận vì mình đã quá nóng nảy với con. Ông tâm sự: “Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm chủ tương lai của nó được, tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại… Kinh nghiệm của cha mẹ không giúp gì được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa”.

Đối chiếu việc đam mê viết sách của mình với trách nhiệm gia đình, Nguyễn Hiến Lê cũng không khỏi có phút ngẫm ngợi: “Viết đối với tôi như một môn tiêu khiển rẻ tiền nhất. Nhưng đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán”.

4. Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn có đủ điều kiện để sang đó định cư theo con đường hợp pháp, song ông vẫn chọn phương thức ở lại trong nước. Một số văn nghệ sĩ ngoài Bắc và nhà văn tham gia kháng chiến ở bưng biền đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khỏe và tình hình công việc. Nguyễn Hiến Lê tiếp chuyện họ một cách lịch sự, cầu thị, song không vồ vập. Đặc biệt, tiếp chuyện thì tiếp chuyện vậy chứ ông “không đáp lễ” (tức không đến thăm trả lễ) ai cả. Ông không muốn để ai đó hiểu lầm là ông muốn ôm chân những người của “chế độ mới”.

Tuy có những điểm bất ưng về cung cách làm việc của một số cán bộ trong chính quyền mới, song Nguyễn Hiến Lê cũng rành mạch thừa nhận: “Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi; chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn”. Ông cũng trung thực ghi lại lời khuyên của học giả Đào Duy Anh với ông: “Ông khuyên tôi nên coi cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, nay thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm…”.

Một lần, khi thấy tình hình sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân viên ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn đã đề nghị giới thiệu ông vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, với chế độ dành cho cán bộ cấp cao của thành phố, Nguyễn Hiến Lê đã nhất mực từ chối. Ông giải thích thái độ đó của mình: “Tôi có công gì với Cách mạng đâu mà vô đó nằm?…Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí, tôi sẽ mắc cỡ, chịu sao nổi?”

Nguồn: http://xhnv.pyu.edu.vn/newsdetail.php?id=74&id1=171