Học võ, dạy võ xưa và nay nó có điểm gì khác nhau?

Học võ

Người xưa dạy rằng: “Tập võ chi đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn.” Võ thuật là môn học rộng lớn, thâm sâu, có tính khoa học, nghệ thuật, giáo dục, văn hoá truyền thống…

Võ là khoa học, nghệ thuật vì võ dạy cho con người phương pháp rèn luyện sức khoẻ, phát triển sức mạnh, ngăn ngừa bệnh tật theo khoa học giáo dục thể chất trong một nghệ thuật thần kỳ nuôi dưỡng tinh – khí – thần và nghệ thuật tự vệ, chiến đấu. Khoa học võ thuật đích thực có các nguyên lý cấu thành và liên hệ mật thiết với những khoa học tương cận như vật lý học, sinh học, y học, quân sự…Đặc biệt là triết học Đông phương.

Võ là giáo dục, văn hóa truyền thống vì võ dạy cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính và sống theo đạo lý trong một tôn chỉ rèn luyện nhân cách làm người.

Việc luyện tập võ thuật là một cuộc trường chinh để tự thắng chính mình, đưa con người đến sự giản dị, điềm đạm, khiêm tốn, đạt đến chân – thiện – mỹ trong cuộc sống. Chỉ có những ai không đi hết trọn con đường mới phải tự quảng cáo, khoe khoang, biện bạch. Trong tập sách Từ sinh lý đến dưỡng sinh, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã viết: “Tập vận động cho thân thể có nhiều cách, có những vận động tự nhiên như chạy, nhảy, bơi lội…thì ai cũng nên tập. Ngoài ra còn có các môn thể dục, thể thao tay không hay dụng cụ nhưng muốn rèn luyện để có các vận động điêu luyện thì tập võ là phương pháp hay nhất.”

Thật vậy, tuy võ thuật có đặc thù là chiến đấu nhưng tập võ còn là phương pháp tốt để nâng cao sức khỏe, qua đó con người có thể rèn luyện được nhiều đức tính quý báu như bền bỉ, chịu đựng, nhanh nhẹn, mưu trí, gan dạ và nhất là ở đỉnh cao người học võ thì khiêm tốn, điềm đạm, giản dị, giàu lòng vị tha và nhân ái. Thuật làm cho thân thể được khoẻ mạnh có rất nhiều. Biết được một thuật đủ để cho thân thể khoẻ mạnh và sống lâu. Võ thuật là một trong các nghệ thuật đó. Võ thuật không chỉ là loại hình vận động thể dục thể thao giản đơn mà còn là một hiện tượng văn hoá thần kỳ với những thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái… những công phu đặc dị, khí công, âm dương, ngũ hành, điểm huyệt, giải huyệt…

Do vậy cổ nhân thường ví võ học sâu như Đông hải, rậm rạp như rừng, mênh mông như biển cả. Võ thuật là giáo dục, văn hoá truyền thống, khoa học, quân sự, là phương pháp rèn luyện tu tập thể chất lẫn tinh thần và là môn học mang lại nhiều bổ ích. Đức Phật Thích Ca dạy các đệ tử rằng: “Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng chính mình, tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”.

“Học võ là học đạo, trước tiên là đạo làm người, học võ còn để rèn luyện thân thể, lấy “dục thể, dục trí, dục đức” làm mục đích phấn đấu, bất luận trong hoàn cảnh nào, tinh thần thượng võ phải được tôn trọng. Người biết võ nên đóng góp công sức vào những việc ích nước lợi dân. Người giỏi võ mà kém trí đức chỉ là hạng võ biền hại người hại mình.” (Võ sư Hoắc Nguyên Giáp – Tinh võ môn)

Dạy võ

Thầy: tiếng gọi thiêng liêng, như tiếng gọi cha, gọi mẹ. Thầy là “sư phụ”, xưa quan niệm thầy là thiên chức không phải là nghề, thầy dạy chữ là giáo sư, thầy dạy võ là võ sư. Thầy là người có công ơn dạy dỗ, trau giồi, truyền đạt kiến thức, hun đúc ý chí, làm tấm gương soi rọi về nhân phẩm, đạo đức cho học trò noi theo mà nên người. Thành nhân là tôn chỉ của giáo dục. Dân gian có câu: “Không thầy đố mày làm nên”.

Người xưa quan niệm truyền thụ võ công là việc trang nghiêm, người học đến võ đường phải làm lễ nhập môn, bái tổ, bái sư. Nghi thức ấy xem ra cổ mà kính, đó là khởi nguồn của lễ. Võ thuật bắt đầu bằng lễ và kết thúc cũng bằng lễ. Chính từ những quan niệm xưa ấy mà thầy trò giữ lễ với nhau, lấy nhân nghĩa làm tiêu chí hành xử. Thầy sẽ là tấm gương soi trong sáng cho hậu thế, lời nói đi đôi với việc làm, tri hành hợp nhất. Ngoài khả năng chuyên môn, tư cách đạo đức, người thầy còn làm sáng lên nhân cách xử thế, người học nhìn vào mà noi theo.

Người xưa trọng tinh thần hơn vật chất, do vậy ít nghe chuyện khoe khoang, quảng cáo, công nghệ đánh phấn tô hồng chữ tôi, mà tâm niệm học võ là để phát huy chữ đức. Thầy quang minh lỗi lạc, chính trực công minh như tướng lĩnh can trường ngoài mặt trận. Chuyện dùng những thủ đoạn thấp hèn, độc quyền xưng bá đồ vương võ lâm là điều không có với những người thầy liêm sỉ. Thầy trượng phu, quân tử coi cuộc đời như thủy bạc, tình nghĩa đón đưa đôi bờ, bốn bể là nhà, đất trời là giang sơn. Văn hóa võ thuật như rừng cây có nhiều gỗ quý.

Thầy là sự mẫu mực, từ tri thức đến đạo hạnh. Dạy môn sinh bằng tâm đức, lấy lòng yêu thương, tâm huyết truyền thụ võ công, nên có câu: “danh sư xuất cao đồ”. Làm người thật khó, làm thầy thật khó hơn. Quan niệm xưa và nay bây giờ đã khác. Ngày xưa quan niệm: “Hữu xạ tự nhiên hương”, thầy giỏi và đức độ học trò tự “tầm sư học đạo”. Ngày nay kinh tế thị trường, quảng cáo tiếp thị là phương tiện giúp con người tìm đến nhau, nên có thầy đã tìm trò. Chính vì vậy mà nảy sinh chênh lệch đạo lý thầy trò, xã hội nhìn hình ảnh người thầy bằng một góc khác. Võ thuật là môn học đặc thù, trọng võ đức, nêu cao tinh thần thượng võ, thuyền trưởng chết theo tàu, tướng lãnh chết theo thành.

Dạy võ là dạy nhân cách sống, nhân cách hành xử:

– Điều thứ nhất là trong võ có đạo, đạo ở đây là đạo đức thuợng võ, đạo làm người, vì vậy người dụng võ trước tiên phải trọng võ đức, khi hành xử phải tự chủ, tự thắng chính mình để tránh được tối đa các kết quả xấu, ngoài ý muốn.

– Điều thứ hai là võ không chỉ đơn thuần là quyền cước, binh khí chiến đấu mà đỉnh cao của võ là trí tuệ, mưu lược, khôn ngoan, uyển chuyển, khi cần thì lên cao, lúc không cần thì xuống thấp, linh hoạt ẩn hiện như con rồng. Người đánh trăm trận trăm thắng chưa phải là người giỏi nhất, không đánh mà buộc đối phương phải hàng, tâm phục khẩu phục mới thật là người giỏi nhất.

– Điều thứ ba khi cần thiết phải dụng võ để chiến đấu tự tồn, mưu sinh thoát hiểm thì như mãnh hổ chốn rừng sâu, uy nghi, dũng cảm, cương quyết, tỉnh táo làm chủ trong mọi tình huống.

– Điều thứ tư là văn ôn võ luyện, võ là hơi thở hằng ngày, là hành trang vạn dặm, có như vậy thì sự học võ mới không hoài công vô ích.

– Điều thứ năm, là Thiên Mưu Công trong Tôn Tử Binh Pháp viết:
Biết người biết ta trăm trận không nguy;
Không biết người chỉ biết ta một được một thua;
Không biết người không biết ta hễ đánh là nguy.

Nhưng dù sao đi nữa thì: “Trong thế gian không có hương thơm nào bay ngược được chiều gió, chỉ có hương thơm đức hạnh mới có khả năng bay ngược chiều gió và tỏa ngát muôn phương”. (Kinh Pháp cú).

Thầy dạy võ là:
“Sổ hàng di biểu lưu thiên địa.
Nhất phiến đan tâm phó sử thi”.
Có nghĩa là:
Đôi hàng soi dấu lưu muôn thuở.
Một tấm lòng son tạc sử xanh.
(Cổ thi)
Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam

Q.B(Sưu tầm)
Nguồn: Internet

Nhu Đạo

Nhu đạo (Judo) là “đường lối uyển chuyển” và nguyên tắc của nhu đạo là “sức lực ít , hiệu năng nhiều”. Theo định nghĩa của người Nhật ,nhu đạo là nghệ thuật dùng sức nằm gọn trong bí quyết đơn giản “Khi bị đẩy thì kéo, khi bị kéo thì đẩy”. Ta thử tưởng tượng một người khoẻ dùng sức đẩy một người yếu. Thay vì đẩy lại, người yếu lại dùng sức mình kéo luôn đối phương về phía mình, khiến họ mất thăng bằng. Ngay thời điểm này, với một thế căn bản của Judo người yếu quật ngã đối phương dễ dàng. Ðó là phương pháp tự vệ không cần khí giới, dựa trên nguyên tắc đánh bại đối phương bằng cách nhượng bộ và sử dụng chính sức mạnh của đối phương . Võ sinh Judo không tấn công đối phương, chỉ khi nào bị tấn công thì mới phát huy đòn thế.

Judo được giáo sư Jigoro Kano (1860-1938) chính thức sáng lập vào năm 1882 tại Tokyo nhưng mãi đến năm 1886 mới gây được nhiều sự chú ý tại Nhật, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều sự chống đối mạnh mẽ của giới võ thuật tại Nhật lúc bấy giờ.
Nguồn gốc của Judo là nhu thuật (Ju-Jitsu: Ju có nghĩa là Nhu ,còn Jitsu là Nghệ thuật ), một môn võ được phát triển từ những kỹ thuật chiến đấu của các chiến binh.

Theo truyền thuyết, một vị lương y Nhật Bản tên là Akiyama, sau khi đã qua Trung thổ tầm sư học đạo tới mức cao thâm, ông quay về xứ và tu luyện trong đền Dazaifu. Vào một sáng mùa đông, bão tuyết phủ trắng cả cỏ cây vạn vật, một hiện tượng tuy thông thường nhưng làm ông đặc biệt chú ý: Dưới sức nặng của tuyết phủ, cành sồi to lớn tưởng như vững chắc bị gẫy đổ, ngược lại những cây trúc chỉ uốn mình theo sức nặng rồi lại vươn lên tươi tốt sau cơn giống tuyết. Cảnh tượng ấy kích thích trí tưởng tượng của Akiyma. Ông chợt nảy sinh ra ý nghĩ “Hãy lấy sự mềm dẻo đối chọi với cứng rắn. Theo ông càng cứng rắn càng dễ bị gẫy đổ trước sức mạnh, cũng như cành sồi to lớn kia dưới sức mạnh của giông tuyết”.

Ý nghĩ trên trở thành nguyên lý căn bản của Jujitsu do Akiyma khởi xướng. Sau đó theo thời gian, môn Jujitsu phát triển không ngừng và lớp người sau đã sáng tạo thêm nhiều đòn thế hiểm độc dành riêng cho giới quý tộc Nhật bản trong các trận tử chiến. Nhu thuật cũng có nguồn gốc từ Trung Hoa . Trong nhu thuật có phần”Âm tính” cũng tương tự như “Âm thuật” của Bắc phái Trung Hoa vậy. Nếu phân tích một cách kỷ càng ta thấy: cái Nhu trong Jiu-Jitsu được xây dựng bởi Động (Dương tính) và Tĩnh (Âm tính). Được cấu tạo bằng Âm Dương, nhưng tại sao lại gọi là Nhu (vốn là Âm thuần túy). Nguyên Động và Tĩnh tuy đuợc kể là Âm Dương khác nhau, nhưng sự thật chúng chỉ là hai “động tác” để tạo ra một trong hai thể hoặc Âm hoặc Dương. Động và Tĩnh ra hướng Dương.Tĩnh và Động ra hướng Âm. Bởi vậy ta thấy trong Âm có Dương và trong Dương có Âm . Nói cách khác, trong Nhu có Cương và trong Cương có Nhu. Trong khi dung hợp Động và Tĩnh để tạo thành Nhu thuật , các võ sư đã cố ý bỏ bớt các thế Động (Dương) và nặng nề về Tỉnh (Âm) nên Nhu thuật lại trở về Âm là như thế.

Sau nhiều năm dày công nghiên cứu sữa đổi, giáo sư Jigoro Kano tổng hợp lại tất cả tuyệt kỹ lấy từ nhiều hệ phái khác nhau của Ju-Jitsu, Ông lại bỏ bớt những động tác mạnh bạo trong môn Nhu thuật quay về Thuần Nhu để biến chế thành môn Nhu Đạo ,nhằm giúp phụ nữ rèn luyện tinh thần, thể chất, tự vệ và chiến đấu… Môn võ này đã được sự cho phép cũng như khuyến khích của nhiều vị võ sư Ju-Jitsu có tư tưởng khoán đạt và cách nhìn cỡi mở hơn so với các đồng môn khác trong giới võ thuật Nhật Bản thời bấy giờ. Sang thập niên 1940, Judo không còn là môn võ dành riêng cho phụ nữ nữa, mà trở thành một môn võ chung được yêu thích cho cả hai phái nam và nữ .

Nhu đạo được thiết lập trên hai nguyên tắc :

Nguyên tắc thứ nhất :Vô vi

Vô vi trong nhu đạo có thể được giải thích bằng cách so sánh với một thanh gỗ quay chung quanh một cái trục, dù ta đánh vào bất cứ đầu nào thanh gỗ cũng quay và vẫn giữ được thăng bằng. Cách duy nhất làm cho nó mất thăng bằng là đánh ngay vào điểm giữa. Nhưng nếu một thanh gỗ có thể chuyển động tự do, nên có thể di chuyển trung tâm của nó ra khỏi quỷ đạo của sức mạnh đang tấn công. Khi ấy dù ta có đánh vào nó bao nhiêu, nó cũng chỉ xê dịch trung tâm ra khỏi quỷ đạo trực tiếp của những cú đánh, và thế là nó đã làm cho sự yếu đuối của nó trở thành sức mạnh của nó. Trong trường hợp thân thể con người, trung tâm điểm của sự thăng bằng nằm ở rốn, bất cứ sự tấn công nào ở trên điểm ấy đều bị vô hiệu hóa bằng cách uốn cong mình ra xa, trong khi sự tấn công ở bên hông được né tránh bằng cách bứt nhẹ ra khỏi quỷ đạo trực tiếp, để cho cú đánh lướt vào hư không. Nhưng thân thể con người khác thanh gỗ ở chỗ con người phải đứng trên đất, do vậy, một sự tấn công ở dưới điểm cân bằng luôn luôn thành công nếu cả hai chân (của người chống trả) không được đặt vững chắc trên mặt đất. Bởi thế, cặp giò cần phải cong xuống và bất cứ ai rành nhu đạo đều có thể giữ vị trí ấy rất lâu. Sự tấn công trong nhu đạo được thực hiện bằng cách khống chế đối phương cho đến khi họ mất thăng bằng, điều này có thể xảy ra theo hai cách. Hoặc anh ta vấp, khiến thân thể không còn được giữ thăng bằng bởi hai bàn chân, và trong khi vấp anh ta có thể bị quật ngã dễ dàng với một cú đánh bên hông hoặc nơi mắt cá. Hoặc anh ta tự làm cho mình mất thăng bằng khi chuyển từ thế thủ sang thế công. Ðối thủ chỉ cần xoay mình một cái, khiến cho sức mạnh của sự tấn công dội ngược lại trên người tấn công, vì không gặp sự chống trả. Khi ấy, đối thủ chỉ cần kéo về mình cái chân đang tấn công mình, hoặc đẩy thân thể của người tấn công làm cho anh ta mất thăng bằng, anh ta sẽ té như một cái cây bị ngã.

Bởi thế, người càng dùng sức mạnh để đánh bại một võ sinh nhu đạo, thì càng dễ bị thương tích. Chuyện ấy giống như khi ta dùng hết sức bình sinh để tông vào cánh cửa đóng mà bên trong không cài then; nó sẽ mở toang ra làm cho ta ngã chúi. Võ sinh nhu đạo được ví như chính sự sống: khi ta cố bắt lấy anh ta hay đánh ngã anh ta để anh ta không còn sức khống chế mình nữa, thì anh ta đã không còn ở đấy. Càng vật lộn gắt gao, càng đánh mạnh thì anh ta tuột mất càng nhanh tương ứng với sự nhanh mạnh của chính ta.

Nguyên tắc thứ hai : Sự chớp nhoáng giữa tấn công và chống trả
Nhu đạo không thể thành công nếu có một khoảng cách dù rất ngắn giữa hai động tác. Nếu ta dừng lại chỉ trong một giây, để nghĩ ra một động tác chống trả, thì đối phương đã có thì giờ để lấy lại thăng bằng. Ðiều cốt yếu trong nhu đạo là không có một cái gì để có thể bị đánh vào. Võ sinh nhu đạo phải chớp nhoáng như chân lý thiền, phải biến mình thành một công án, một nan đề, nó biến mất càng nhanh khi người ta cố giải quyết nó. Võ sinh nhu đạo phải giống như nước lọt qua kẽ tay những người muốn giữ nó lại. Nước không do dự trước khi nó nhượng bộ, vì ngay lúc những nắm tay ta bắt đầu nắm lại để giữ nước, thì nước cũng tuột đi không phải bằng sức mạnh của riêng nó mà bằng chính cái áp lực đè nén của bàn tay muốn giữ nó. Bởi thế, trong nhu đạo, sự tấn công và chống trả chỉ là một. Không có nỗ lực, kháng cự, do dự cho đến khi một trong hai người bị quật ngã vì đối thủ đã đi một nước sai lầm bằng cách chuyển sang thế tấn công, để võ sinh nhu đạo có dịp quật anh ta mất thăng bằng với chính năng lực của anh ta, bằng một cái đẩy thêm gia tốc từ đằng sau tới.

Tóm lại, căn bản của nhu đạo vẫn là tư tưởng thiền . Trái ngược hẳn vẻ an tĩnh của trà đạo , thiền trở nên mạnh mẽ như bão tố khi được diễn tả qua nhu đạo mặc dù vẫn có một sự an tĩnh bên dưới như một tảng đá rắn chắc. Nhu đạo nghĩa đen có nghĩa là nghệ thuật mềm mại nhưng thật sự nhu đạo là kỹ thuật khóa cạnh, bóp cổ… Nguồn gốc nhu đạo được tìm thấy trong triết lý vô vi . Lão Tử nói: “Con người khi sinh thì mềm, khi chết thì cứng. Như vậy cứng mạnh là hướng về cái chết, mềm yếu đi đôi với sự sống” . Ðiều quan trọng nhất là con người phải có một thái độ tinh thần được gọi là trí tuệ bất động… Bất động không có nghĩa là cứng cỏi nặng nề, như tảng đá hay khúc gỗ. Nó có nghĩa là sự di động cao độ với một trọng tâm đứng yên. Tâm thức đạt đến cao độ của sự linh mẫn, sẵn sàng hướng sự chú ý đến bất cứ chỗ nào cần. Nhưng có một cái gì bất động bên trong sự chuyển động tự nhiên cùng với vạn vật. “Người đi giỏi không để dấu chân, người nói giỏi không gây lầm lỗi”. Vì người đi giỏi chỉ sử dụng đúng năng lực cần thiết để bước, không để dấu vết vì đi nhẹ nhàng không tung bụi. Lão Trang cho rằng nếu một người đi làm tung bụi lên thì đấy là dấu hiệu anh ta đang phung phí năng lực. Nguyên tắc căn bản trong bất cứ hình thức hoạt động nào, ấy là sử dụng vừa đúng năng lực cần thiết để hoàn thành một hoạt động ấy. Thường thường người ta ưa làm cho đời sống của mình khó khăn vất vả một cách không cần thiết, phí phạm rất nhiều năng lực trong mọi việc làm. Chỉ vì một phần nhỏ năng lực ấy thật sự được dùng cho công việc, còn thường thì nó bị phung phí ra chung quanh trong khi chỉ cần tập trung vào một điểm. Cả Thiền lẫn Lão Trang đều nắm lấy sự việc ngay khi nó đến, hoàn thành nó rồi bước sang công việc kế tiếp, tránh sự chạy qua lại vô ích, sự lo lắng về quá khứ vị lai làm cho hoạt động thất bại. Như vậy, sự tiết kiệm năng lực trong Lão Trang chính là nguyên tắc “bước tới” của Thiền .