2014
Anh thiếu tiền, anh biết ngay. Anh thiếu sức khỏe, anh cũng biết ngay. Nhưng khi anh thiếu kiến thức, thường anh ko tự biết.
Thao trường đổ mồ hôi
Chiến trường bớt đổ máu
Văn không võ, văn thành nhu nhược
Võ không văn, võ hóa bạo tàn
Nói với những người không cần nói là phí lời
Những người cần nói mà không nói là mất người
học giả Ngô Tất Tố đã thoát dịch bốn câu thơ của vua Trần-Thái-Tông như sau:
“Cũng bởi có thân mà có bệnh
Ví bằng không xác quyết không đau.
Phép tiên chớ vội khoe không chết,
Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu”.
“ Cái tình là cái chi chi,
Dẫu chi chi cũng chi chi với tình ”
Nguyễn Công Trứ
Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão.
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Múa giáo non sông trải mấy thu
Trần Cảnh tức Trần Thái Tông (1218-1277) con thứ của Trần Thừa, là ông vua đầu tiên của nhà Trần có công trong việc ổn định và dần đưa Việt Nam lúc bấy giờ vào giai đoạn thịnh vượng của thời kỳ Đông A. Trực tiếp lãnh đạo chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Đặt nền móng cho chế độ thi cử ở Việt Nam..
Và 3 bài thơ răn :
Văn răn ham sắc
Da phấn, tóc thơm với má đào
Mà nhìn ai cũng thấy nao nao
Thực chất chỉ toàn xương với thịt
Giết người đau đớn chẳng cần dao
Văn răn nói càn
Khoa môi, múa mép giả ân cần
Cúi đầu xu nịnh để xin ăn
Mang tiếng tiểu nhân đời giễu cợt
Cuối cùng cũng chuốc vạ vào thân
Văn răn kẻ uống rượu
Chẳng qua bã gạo ủ nên men
Mà biến người ngay thành kẻ hèn
Nhà tan mất nước đều do rượu
Phá cả tôn nghiêm chốn cửa thiền
“dứa đằng đít, mít đằng cuống”
Tổng thống S. Peres, người đã sang Việt Nam, nói thế này: diễn văn rất hay, nhưng anh định làm gì tiếp theo?. Tỉ phú hàng đầu Israel , ông Stef Wertheimer, lời khuyên đầu tiên với người Việt cũng là, nói ít thôi làm nhiều lên.
Khi ta muốn, ta sẽ tìm cách. Khi ta không muốn, ta tìm lý do!
Một vài “tự bạch” về nhân sinh quan của Nguyễn Hiến Lê
Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT – “Lời mở đầu” của tác phẩm “Đời viết văn của tôi”.
- Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người.
- Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn hay Thiên đàng.
- Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ,…
- Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng.
- Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người.
- Nên trọng dư luận nhưng cũng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm.
- Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền.
- Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi.
- Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác.
- Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị , nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân.
- Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người.
- Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được.
- Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không.
- Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân.
- Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trang kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà có thể gây nhiều xáo trộn cho xã hội.
- Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như pngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó.
- Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được.
- Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có qui củ, kỉ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong.
- Thay đổi bản tính con người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần.
- Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau.
- Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.
Chú ý đến sự phù hợp chứ đừng chú ý đến chuyện đúng sai
Anh tin vào tình người, anh tin vào cảm giác, cảm xúc, tình cảm của anh với người khác hay anh tin vào cái lý sự, cái tranh luận đúng sai của anh với người khác?
Chúng ta hay nói đúng sai lắm. Hiền giả Duy Giác hỏi tôi không biết bao nhiêu lần về vấn đề đúng sai: “Mình căn cứ vào đâu để mình biết là đúng để hành động?” Tôi không muốn trả lời câu này. Bởi vì nếu tôi trả lời câu này thì không có giá trị gì hết. Nếu tôi trả lời trực tiếp thì sẽ giết chết cuộc đời quý vị.
Quý vị tìm câu hỏi để xác định kiến thức của mình thì không có giá trị làm bùng nổ năng lực nhiệm mầu trong đầu óc quý vị được. Anh phải thực tập, anh phải thực hành rồi tự anh khám phá. Mà anh phải cảnh giác kinh khủng lắm với tất cả những khái niệm mà anh đang dùng của thế giới này. Ví dụ khái niệm đúng sai.
Anh tới tuổi cưới vợ, anh hỏi “Tôi cưới vợ như thế này là đúng hay sai? Tôi lấy cô này là đúng hay sai?” Cái chữ đúng sai phải xét lại. Tôi cưới vợ trong thời điểm này là phù hợp chưa? Phù hợp với sức khỏe của tôi, phù hợp với gia đình, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của tôi chưa? Tôi cưới vợ như thế này có phù hợp với văn hóa của tôi hay chưa? Tôi lấy cô này có phù hợp với tôi không? Tôi có phù hợp với cô ta không? v.v… Không thể nói đúng sai được.
Tôi giúp đỡ cô này có phù hợp không? Cô này có chồng và đang đau khổ vì chồng, tôi nhào vô, tôi gánh lấy việc này, việc kia cho chồng cô thì có phù hợp không? Không nói đúng sai được. Tôi làm việc như thế này để tôi giúp đỡ cô ta chấm dứt khổ đau. Tôi hành động như thế này có phù hợp chưa? Không thể nói đúng sai được. Có phù hợp với những điều kiện, những hoàn cảnh, có phù hợp với đầu óc vô tư không? Ví dụ cô kia chưa nhận thức đúng hay cậu kia chưa nhận thức đúng thì xem hành động của mình có phù hợp với nhận thức sai lầm của người ta chưa? Nếu người ta cứ nhận thức sai lầm mà anh cứ nhào vô thì anh chết ngay, cũng không phù hợp với nhận thức của người ta. Anh không thể xem thường sự cố chấp hay sự ngu dại của người khác được. Thành ra phải dùng chữ phù hợp.
Tôi quan sát thấy rất nhiều cặp vợ chồng, nhiều con người luôn luôn chú trọng tranh luận với người khác: chồng tranh luận với vợ, vợ tranh luận với chồng… Người ta hay chú ý đến đời sống tranh luận hơn là chú ý đến sự chia sẻ những cảm giác, những cảm xúc yêu thương với nhau.
Duy Tuệ
Cách thở khác nhau như thế nào?
Mức gắn bó giữa hơi thở và sự sống con người là điều không cần bàn cãi. Hơi thở tắt thì sự sống cũng tắt theo. Tuy thế, có lẽ rất ít người lưu tâm tới hơi thở cũng như cách thở. Trong vòng nửa thế kỷ nay, do sự hiểu biết nhiều hơn về nếp sống Đông Phương của người Tây Phương nên đã có những công trình nghiên cứu về cách thở để trị bệnh trong y học. Nhưng đối với đám đông thì những chỉ dẫn về cách thở để chữa bệnh này nhiều khi vẫn là một mớ những rối mù khó định.
Riêng đối với những người học võ, nhất là những người đã đạt tới một trình độ thành tựu cao thì ý thức về tầm mức quan trọng của hơi thở rất rõ rệt. Hơi thở không chỉ giúp con người điều trị được một số bệnh hoạn mà còn có thể giúp con người tăng thêm sức lực của mình. Tất nhiên, trong cả võ thuật cũng như trong y thuật điều chủ yếu vẫn là phải biết cách thở.
Bằng một diễn tả giản lược nhất, người ta cho rằng có 5 kỹ thuật thở khác nhau. Những kỷ thuật thở này hoặc do tự nhiên theo các điều kiện thể chất hoặc do sự rèn tập đã đạt tới những trình độ không giống nhau. 5 kỹ thuật thở đó là
- Thở từ cổ lên
- Thở từ ngực trở lên
- Thở từ bụng trở lên
- Thở từ xương sống
- Thở qua các lỗ chân lông
Người thở từ cổ lên là những người mà sức lực đã vào thời tàn lụi. Đây là cách thở của những người đã kề cận với cái chết.
Người thở từ ngực trở lên là người có tình trạng sức khỏe bình thường.
Người thở từ bụng trở lên là những người luyện tập võ thuật đã đạt tới trình độ trung cấp.
Người thở từ xương sống là những người rèn luyện võ thuật hoặc Thiền quán đạt tới mức độ cao cấp.
Thở bằng lỗ chân lông là kỹ thuật thở của các đạo sĩ Yoga.
Trích Tìm Hiểu Võ Thuật số 3 “Võ tự vệ Arnis”
Tiến sĩ toán: ‘Giá đừng học toán thì tốt hơn’
Vốn là một người học toán – lý, cuộc đời tiến sĩ Phan Quốc Việt rẽ sang hướng khác khi ông đam mê dạy học và kinh doanh.
Ông là người sáng lập tập đoàn Tâm Việt, doanh nghiệp chuyên đào tạo về kỹ năng mềm. Lớp học của tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tâm Việt, tại trung tâm luôn thu hút đông đảo người đến nghe. Ông nói về cái tâm trong sáng của con người, tạo niềm tin và động lực để họ hướng về tương lai tươi sáng.
Phan Quốc Việt cho biết, thành công trong tư duy ngôn ngữ của ông hiện nay không phải do toán học. Ông phủ nhận suy nghĩ cho rằng người học toán sẽ có tư duy tốt.
“Môn học nào cũng cần tư duy”, tiến sĩ Việt nói.
Theo ông, ý chí là thứ duy nhất mà ông thu được từ toán, nhưng toán không phải môn duy nhất giúp con người rèn luyện ý chí.
“Leo núi cũng có lý trí, tập nhạc hay đánh cầu lông cũng vậy. Con người muốn có ý chí đều phải rèn luyện”, ông nói.
Tư duy có nhiều loại và thông minh cũng vậy, ông Việt nhận định. Để minh chứng điều này, ông phân tích, nhà phát minh lừng danh Thomas Edison chỉ học lớp 3 song đã tạo ra những sản phẩm để đời. Có người có trí thông minh thiên nhiên như Charles Darwin, lại có người thông minh logic như Albert Eistein hay Ngô Bảo Châu, thông minh nhạc điệu như Đặng Thái Sơn, Mozart.
Những năm 80, đang theo học ngành kỹ sư địa chất, tiến sĩ Việt lao vào ngành học “thời thượng” thời đó – môn Toán – và “khinh thường” các môn học khác. Giờ nhìn lại, ông thấy tiếc quãng thời gian đó vì những kiến thức cần thiết thì ông không biết, còn cái ít được áp dụng cho cuộc sống hiện tại thì ông biết quá sâu sắc.
Là tiến sĩ đại học Matxcơva, Lomonosov (1984-1988), nhưng ông Việt nói rằng, ông chưa bao giờ sử dụng đến cách tính tích phân, vi phân, delta, hay khai căn trong cuộc sống thực tế.
“Tồi tệ nhất là xuất sắc cái mà không bao giờ dùng. Tôi bỏ ra 10 năm học toán để giờ đây không dùng đến toán. Nếu muốn nhân tôi sẽ dùng máy tính, muốn tính độ cao đỉnh Everest tôi tìm kiếm qua Google”, ông nói.
Thời ông Việt đi học, ai cũng theo toán, học toán, ca ngợi toán. Ông cũng theo xu hướng của thời đại, miệt mài học toán để thi vào trường Lomonosov làm tiến sĩ Toán – Lý. Ông cho rằng, chọn ngành nghề sai khiến con đường đi sự nghiệp của ông như dài hơn.
Tại sao phải làm cái cũ để mong kết quả mới ? Tại sao lại xuất sắc cái không cần cho cuộc sống ? Tại sao xuất sắc cái không bao giờ dùng ? Đó là những câu hỏi khiến tiến sĩ Việt trăn trở.
Ông tiếc vì trước đây bỏ ra quá nhiều thời gian cho môn toán. “Nếu từ đầu, tôi học về kỹ năng sống sẽ tốt hơn nhiều. Tôi hỏi tất cả mọi người, bạn bè từng học toán với tôi trước đây rằng, có bao giờ bạn tính logarit, bao giờ tính tích phân, khai căn không, delta, phương trình bậc ba không. Tôi chắc là không, hoặc có cũng rất ít”.
“Người ta thường ngụy biện logic và toán học là một. Thực tế, logic là môn lập luận. Để lập luận và tranh luận phải học môn đó chứ không phải khai căn, tích phân. Điều nguy hiểm hơn là người ta không ý thức được rằng đó là những thứ hầu như không dùng”, ông nói.
Gần 50 tuổi ông Việt mới chuyển sang dạy kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, ứng xử. Ông cho rằng đây mới là những thứ mà mọi người cần trong suốt cuộc đời.
“Càng ngày tôi càng thấm thía những câu như ‘lời chào cao hơn mẫm cô’, ‘mồm miệng đỡ chân tay’. Giá như tôi không học toán mà học tâm lý, nhân văn, xã hội thì tôi có thể giúp bản thân và đời nhiều lắm. Nếu mọi người thuộc những kỹ năng giao tiếp cơ bản như bản cửu chương thì đất nước sẽ tuyệt vời hơn”, ông tâm sự.
Chủ tịch tập đoàn Tâm Việt không phủ nhận lợi ích từ toán lý thuyết, song ông cho rằng, xã hội hãy để những người người có đầu óc xuất sắc tìm tòi những vấn đề khoa học ứng dụng, để đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân và xã hội.
Hương Thu http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2012/01/tien-si-toan-gia-dung-hoc-toan-thi-tot-hon/