Z. Pripelin: Một nửa (người Nga) không đọc, vậy một nửa còn lại đọc à? Tôi nghĩ chúng ta đang dối mình. Hiện chỉ có từ 7-10% dân Nga đọc thôi, 40% còn lại tự lừa phỉnh để giữ thể diện. Nhưng nếu thật sự một nửa người Nga đọc thì đa số là họ đọc mạng xã hội…
Và dự báo của tôi nhìn chung không phức tạp cũng chẳng rắc rối: chúng ta sẽ thấy một kiểu đơn giản hóa mô hình nhận thức. Đôi khi người ta gọi nó là pha loãng não. Con người sẽ lâm vào tình trạng tự tin thầm lặng rằng họ đang sống trong “kỷ nguyên thông tin”, rằng “mỗi ngày đều nhận được gì đó mới”, thế nhưng số người hiểu biết sẽ giảm đáng kể.
Khả năng mỗi giây có thể nhận được những thông tin ngắn từ Wikipedia không làm chúng ta trở thành người trí thức. Không ai trong chúng ta có thể trở thành người khác nhờ bỏ ra 40.000 giờ trên Facebook. Thế nhưng bất kỳ ai đọc 20 tập các tác phẩm kinh điển Nga, hoặc 20 tập (các tác phẩm) Pháp thì đã là khác. Người khác!
* A&F: Mà có thể đạo diễn Karen Shakhanazarov đã đúng khi nói chúng ta đang ở buổi hoàng hôn của nền văn minh đọc?
– Thế thì cái gì sẽ xuất hiện tiếp đó? Nền văn minh của khán giả à? Nhưng để khán giả có gì đó xem, phải có ai đó chịu đọc làm việc chứ. Một nền điện ảnh tốt luôn do những người có kiến thức xã hội phong phú làm ra.
…Cái gì tiêu biểu cho những cuộc mittinh ở Nga hiện nay? Đó là nó được điều khiển bởi những người đọc. Đa số họ là các nhà văn và những nhà chính luận. Các nhà văn như Bykov và Akunin, các nhà chính luận Parfenov và Kashin, họ điều hành các cuộc biểu tình “chống”. Còn nhà chính luận Kurginian và nhà văn Prokhanov thì dẫn đầu các cuộc mittinh “ủng hộ”. Hay như nhà văn Limonov có cuộc mittinh riêng của mình…
Tôi muốn rút ra điều gì? Rất đơn giản: tương lai sẽ được quyết định bởi những người tự mình viết ra phát biểu của mình. Khi mà chính khách và người viết diễn văn là một thì chúng ta có thể hi vọng người đối thoại với chúng ta có trách nhiệm với lời nói của ông ta, đau khổ vì chúng, tư duy ra chúng. Ông ta là một đơn vị tri thức.
Chúng ta có thể nói mình đang sống trong nền văn minh tiền bạc, nhưng hãy nhìn xem – người chiến thắng ở vòng xoắn tiếp theo sẽ không phải là người sở hữu hàng tấn giấy bạc, mà là một nhà nhân đạo có tư tưởng, người trước đó đã “nướng” hàng tấn sách. Còn tất cả những nhà triệu phú, toàn bộ cảnh vệ và tất cả những mối quan hệ của ông ta rồi sẽ trở thành tro bụi.
Bởi khởi đầu là lời, chứ không phải là đồng rúp.
– Có thể những vùng nào đó của não sẽ chết. Anh không nhận thấy là người đọc (tức người tư duy phức tạp và phản ứng cũng phức tạp) thật sự đẹp sao? Một cậu bé ở bất kỳ lứa tuổi nào đều sẽ đẹp hơn nếu não cậu ta tư duy. Và các cô gái nữa…
Ngoài ra, còn một chi tiết quan trọng nữa. Người đọc sách có thể trò chuyện với ai cũng được, trong khi người không đọc chỉ có thể nói chuyện với ai giống mình.
Có nghĩa những gì đang diễn ra hiện nay là một sự chọn lựa tiêu cực. Bạn có đọc gì đó ở tuổi thơ, còn con bạn không đọc gì. Con bạn sẽ ngu hơn bạn, còn cháu bạn sẽ ngu hơn con bạn. Và như vậy cả dân tộc mất quyền lãnh thổ và thậm chí cả quyền ngôn ngữ.
Bởi ngôn ngữ không phải là tập hợp hàng chục nghìn từ chúng ta nhớ được, mà là một không gian thần thoại của dân tộc, thơ ca, văn hóa của dân tộc. Một dân tộc mất thói quen đọc, quên đi huyền thoại của mình, thơ ca của mình… sẽ biến thành một đám đông, túm tụm trên mảnh đất của mình mà không để ý chu đáo lân bang.
– Vấn đề không phải ở hệ thống giáo dục, mà là ở sự xung đột hoang dã giữa một bên là thực tế vật chất, đặt cược vào thành công, với bên kia là khát khao có được một tư tưởng dân tộc. Nhưng với chuyện tư tưởng ta gặp phải một vấn đề kinh khủng: chúng ta không đọc bởi chúng ta thực dụng. Cứ hỏi bất cứ ai vì sao họ không đọc đi. Họ sẽ bảo không có thời gian.
Tôi mới từ Nizhni trở về Matxcơva. Chẳng có gì để làm. Trên xe lửa có đại diện của hai trong số các đô thị lớn nhất thế giới. Trong toa của tôi là 40 người với thu nhập cao hơn mức trung. Và họ đã ngồi suốt năm giờ nhìn ra cửa sổ. Hỏi sao họ không đọc, họ bảo: Nhiều việc quá, không có thời gian. Nhưng có thời gian để xem phim bộ 172 tập, và dĩ nhiên cả những trận bóng đá.
Xin hiểu cho, tôi không muốn làm ai tổn thương, nhưng nếu người ta hỏi sao tôi không xem bộ phim thời thượng mới nhất của Mỹ, tôi sẽ không nói dối là do không có thời gian. Tôi sẽ nói là tôi tiếc thời gian.
Minh Nhiên (dịch)
Theo Tuổi Trẻ