Nguyễn Hiến Lê – Thầy học tôi: cụ Dương Quảng Hàm

Ngày tựu trường niên khóa 1929 – 1930, tôi lên năm thứ ba. Mới vô tới giữa sân trường Bưởi thì anh Phạm Trọng Bào đã tươi cười chạy lại, khoác tay tôi, bảo:
– Năm nay chúng mình ngồi chung với nhau nhé. Chúng mình được học “Francais” [1] cụ Hàm. Anh là học sinh nội trú nên biết những sắp đặt trong trường trước tôi. Rồi anh khoe:
– Tụi Tây nó cũng phải phục Francais của cụ. Văn cụ phảng phất như văn của Taine. Cụ dùng “temps” [2] thì đúng phép Grammaire de l’Acadêmie [3] không bao giờ sai.
Tôi chưa được đọc Taine, mà Pháp văn của cụ, tôi cũng chỉ mới đọc cuốn Abrégé d’histoire d’annam [4] viết cho học sinh Trung học; nhưng phục cụ thì tôi vẫn phục mà có lẽ tất cả các học sinh trường Bưởi không ai không phục.
Mấy năm trước, những khi thấy cụ đi qua sân trường, tôi thường để ý: cụ đi bộ, lúc nào cũng rảo bước, cụ thấp bé mà bước những bước dài, nhón gót (người ta bảo là tướng yểu), như lúc nào cũng vội vàng – cụ có bao giờ biết thơ thẩn, mơ mộng không nhỉ? – mà ngồi xe đạp thì trái lại, cụ đạp rất chậm, tốc độ đều đều, chỉ độ mười cây số một giờ, tới cửa lớp, cụ thận trọng hãm lại, cho xe nghiêng qua một bên, khoan thai bước xuống, gác xe, gỡ cài kẹp ống quần ra, tháo chiếc cặp phồng những sách vở rồi ôm cặp tiến vô lớp. Gặp bạn đồng sự cụ niềm nở bắt tay, nhưng ít khi đứng lại để trò chuyện; cụ tới lớp không khi nào trễ: nhưng cũng không khi nào quá sớm, chỉ dăm ba phút là cùng, như vậy thì đâu có thì giờ để trò chuyện. Tôi có cảm tưởng cụ là một chiếc đồng hồ mà thì giờ của cụ đã tính trước đâu vào đấy hết. Chúng tôi phục cụ ở điểm đó.
Cụ sống rất giản dị. Từ nhà ở giữa phố Hàng Bông lên trường, đường dài khoảng ba cây số, mà quanh năm, hè cũng như đông, mưa cũng như nắng, ngày nào cụ cũng chầm chậm đạp một chiếc xe cũ; suốt hai năm học cụ, tôi nhớ chỉ một hai lần cụ đi xe kéo vì mưa gió lớn quá hoặc vì trong mình khó ở. Có lần chúng “thổi” mất chiếc xe của cụ và bọn chúng tôi được một dịp cười: con người cẩn thận như vậy mà cũng để mất xe ư? Và chiếc xe “tàng” như vậy mà chúng cũng “thổi” ư?
Y phục của cụ hình như chỉ có vài bộ, mốt cổ lỗ, nhưng lúc nào cũng sạch và có nếp. Tóc thì chắc chắn một tháng cụ mới húi một lần và chỉ khi nào húi cụ mới cạo râu, vì vậy râu cụ đã thưa lại lờm chờm, trông y như limailles de fer [5] và chúng tôi dùng danh từ Pháp đó để đặt biệt hiệu cho cụ.
Cụ có tật nhiều đàm. Không biết từ hồi nào, một học sinh tai quái đã bắt chước bài thuyết hậu Anh nghiện rượu trong cuốn Quốc văn cụ thể của cụ Bùi Kỉ:
Sống ở nhân gian đánh chén phè
Thác về âm phủ dắt kè kè
Diêm vương phán hỏi: mang gì đó?
– Be!
rồi sửa đổi ít chữ để giễu tật trên của cụ.
Lối giễu đó không có gì độc ác vì chúng tôi rất quí cụ. Tôi chưa thấy một bạn học nào tỏ một vẻ gì là oán cụ, hoặc ghét cụ. Ngay những bạn biếng học nhất, nghịch ngợm nhất cũng ngưỡng mộ cụ, coi cụ là một nhà mô phạm kiểu mẫu; một số trong đó có anh Phạm Trọng Bào và tôi coi cụ như cha nữa. Cụ nghiêm trang mà hiền hòa, và tôi chắc cụ không thù ai, ghét ai được, đôi khi thấy chúng tôi nghịch quá thì chỉ cau mày, rầy một câu rồi bỏ qua, mà nụ cười rất hồn nhiên của cụ lại nở trên môi, để hở mấy chiếc răng vàng vàng hơi đóng đen trên một khuôn mặt có thể gọi là xấu: trán dô, mũi gãy, chỉ được cặp mắt là sáng, hiền từ và vui nhờ mấy nét nhăn ở đuôi mắt, người Pháp gọi là pattes d’oie [6].
Cụ dạy Pháp văn và Việt văn cho chúng tôi hai năm liền, năm thứ 3 và thứ 4. Mới vào lớp, cụ nở ngay một nụ cười, cho phép chúng tôi ngồi xuống, rồi chậm rãi bước lên bục, chậm rãi lấy chiếc đồng hồ quả quít ra đặt trên bàn, mở chiếc cặp, lấy sổ sách, cây viết ra, đặt thứ nào vào chỗ nấy rồi mới thủng thẳng giảng bài.
Cụ luôn luôn có hai cây viết: một cây viết máy ngòi vặn vô được (kiểu plume rentrante ngày nay không ai dùng nữa) để viết vô sổ của trường, và một cây viết chì tím, ngắn, nhỏ bằng nửa đầu đũa để viết vô sổ riêng của cụ. Và cụ có một sổ tay nhỏ hơn tấm bưu thiếp trong đó cụ chép tên tất cả các học sinh những lớp cụ dạy. Mỗi khi cụ muốn gọi một trò nào đọc bài hoặc trả bài, cụ mở cuốn đó ra coi chứ không coi trong sổ lớn của trường; như vậy để biết học sinh nào đã có điểm rồi và để học sinh trong lớp được hỏi đều hết. Không bao giờ cụ “truy” riêng một trò nào mà hỏi trò đó nhiều hơn những trò khác. Lối đó rất công bằng, nhưng một số học sinh lần này trả bài rồi thì có thể chắc chắn lần sau khỏi phải trả mà không cần học bài. Chắc cụ cũng biết vậy.
Khi cho điểm, cụ dùng viết máy ghi vào sổ của trường rồi dùng viết chì ghi vào sổ của cụ. Tới cuối năm cụ coi lại sổ tay rồi mới phê trong học bạ. Cụ làm việc có qui củ, rất cẩn thận và công bằng. Tôi không bao giờ thấy cụ viết tháu.
Lối dạy học của cụ rất đúng qui tắc sư phạm: theo sát chương trình, không nhấn mạnh vào phần nào mà lướt qua một phần khác, cũng không giảng ra ngoài chương trình. Cụ theo trình độ của học sinh trung bình trong lớp mà giảng rất rành mạch. Như vậy có lợi cho đa số học sinh mà không có lợi mấy cho hạng học sinh giỏi. Bọn này không cần gắng sức, chú ý, mà tôi cũng chưa bao giờ thấy cụ thúc đẩy, khuyến khích một học sinh giỏi.
Học cụ, chúng tôi thấy “khỏe lắm”, nhiều lúc còn hơi chán nữa. Chúng tôi muốn được học nhiều về văn học sử. Phần vì trong bọn chúng tôi, có vài người muốn dự bị thi tú tài Pháp mà cụ không bao giờ giảng ra ngoài cuốn Textes choisis cửa Desgranges; cho nên có lần tôi ước ao được học Pháp văn với cụ Foulon, một giáo sư dạy môn luân lí cho học sinh năm thứ tư, giảng bài nghe rất thích.
Cụ chấm bài luận Pháp văn kĩ, nhưng chú trọng đến những lỗi về ngữ pháp hơn cả, chứ không chỉ cho chúng tôi cách viết sao cho hay, không giảng cho chúng tôi về mĩ từ pháp. Lối phê điểm của cụ cũng rất “trung dung”, ít khi cho đến 14 điểm trên 20, mà cũng ít khi cho dưới 6 trên 20. Tính tình và cách dạy của cụ trái hẳn cụ Foulon. Cụ Foulon bắt học sinh gắng sức nhiều, giảng cao hơn chương trình, rất gắt với học sinh kém, nhưng rất thân với học sinh giỏi, tôi còn nhớ hồi sắp về nghỉ bên Pháp, trước giờ học buổi chiều, cụ lại trường từ biệt các học sinh, thấy tôi chưa tới, nhắc các bạn tôi rằng cụ gởi lời thăm và ân hận vì bận nhiều việc không thể đợi để gặp mặt tôi được. Cụ Dương thì không tỏ vẻ yêu ghét ra mặt, đối với học sinh nào cũng như nhau. Cụ dạy Việt văn cũng vậy, cứ mở cuốn Quốc văn trích diễm do cụ soạn, chỉ một bài nào đó, bảo đọc rồi hỏi hết những câu hỏi in ở cuối bài, thế thôi. Cho nên về tiểu sử, bút pháp mỗi tác giả, nhất là về văn trào mới thờiđại, chúng tôi chẳng biết thêm được gì. Điều đó làm cho chúng tôi hơi thất vọng: cụ nhất định là biết nhiều về văn học sử của mình mà sao cụ không truyền những hiểu biết đó cho chúng tôi. Cụ theo quá sát chương trình. Suốt hai năm học chỉ có mỗi một lần tôi thích giờ Việt văn của cụ. Lần đó cụ cho đọc bài Cuộc Nam tiếncủa dân tộc ta của Phạm Quỳnh. Tôi còn nhớ rõ là một buổi chiều có nắng, có lẽ vào mùa hè. Cụ cho treo bản đồ Đông Dương lên chiếc bảng đen, rồi trong khoảng 40 phút, cụ cầm cây thước, chỉ cho chúng tôi các giai đoạn trong cuộc Nam tiến: đời Lí, đời Trần tiến tới đâu, đời Lê, đời Nguyễn tới đâu (sau đó tôi mới thực hiểu nghĩa chữ tâm thực); bằng những phương tiện, thủ đoạn nào: Khi thì dùng quân lực, khi thì dùng ngoại giao, khi thì dùng cả hai, công việc di dân, lập ấp, khai hoang tổ chức, tiến hành ra sao; sự bảo vệ những đất đó gặp khó khăn ra sao, nhờ những di dân Trung Hoa như họ Mạc ở Hà Tiên ra sao.
Hôm đó giọng cụ hùng hồn, bài giảng rất sáng sủa mà hấp dẫn, gợi cho chúng tôi lòng tự hào về tổ tiên. Từ trước tôi vẫn biết cụ là em ruột cụ cử Dương Bá Trạc, một nhà cách mạng trong ĐôngKinh Nghĩa thục, đồng chí với mấy ông bác của tôi, nhưng trong khi dạy học, cụ không bao giờ nói về chính trị, cho nên mãi hôm đó tôi mới thấy rõ cụ nồng nàn yêu nước.
Luận Quốc văn ít khi cụ đem về nhà chấm, thường gọi một trò lên nộp bài, cụ đọc lớn tiếng cho cả lớp nghe rồi thấy lỗi nào cũng giảng luôn cho cả lớp.
Mỗi giờ cụ chấm như vậy được độ năm bài, phê điểm cũng từ 7 – 8 lên tới 13 – 14 trên 20 là cùng. Gần hết giờ cụ mới ra đề mới để về nhà làm. Hình như không bao giờ cụ giảng cho cách làm. Cụ cũng ít khi khuyến khích học sinh đọc thêm sách. Chỉ có một lần, gần tới kì thi bằng Cao đẳng tiểu học, cụ bảo chúng tôi ra thư viện kiếm những cuốn Pour les petits et les grands, A travers les êtes et les choses của Charles Wagner mà đọc. Tôi nghe lời cụ và thấy lối cảo luận của tác giả đó hợp với tuổi chúng tôi, sáng sủa, bình dị, vui tươi, tư tưởng không thực sâu sắc nhưng xác đáng, đôi khi mới mẻ, cao nhã.
Tóm lại học sinh của cụ dễ đậu, nhưng người nào không chịu tự học thêm thì khó xuất sắc được.
*
Thấy cụ dễ dãi – trong hai năm cụ chỉ nổi giận một lần, cũng chỉ phạt nhẹ thôi – anh em chúng tôi thỉnh thoảng muốn trêu cụ.
Giờ Pháp văn hôm đó anh Thiền – sau này hi sinh cho Tổ quốc trong tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng – đọc một đoạn kịch củaMolière, tới chữ “Ouaisi” anh đọc là “ủa!“. Cả lớp cười ồ lên, mà mặt anh cứ thản nhiên, làm bộ bơ bơ, coi càng thêm tức cười. Cụ cũng cười, cười rất hồn nhiên, cơ hồ như đồng tình với chúng tôi. Đợi hết trận cười rồi, anh Thiền lại tiếp tục đọc nốt. Tôi không bao giờ có ý đùa cụ, nhưng đã có lần dò ý cụ. Tôi vẫn ghét cái giọng ái quốc của Hoàng Cao Khải trong bài Trưng Vươngtuyển trong Quốc văn trích diễm. Khải không đáng được ghi tên trong Văn học sử Việt Nam. Kẻ bán nước thì đừng nên nhắc tới sự nghiệp các vị anh hùng của dân tộc. Tôi kiếm cách nói tới Khải trong một bài luận Quốc văn và gọi Khải là “hắn” để xem phản ứng của cụ ra sao. Mà đúng lần đó, cụ bảo tôi đem bài lên chấm. Tới chỗ tôi gọi Khải là “hắn”, cụ cứ thản nhiên đọc không phê bình gì cả, rồi cũng cho điểm đạt khá như các bài trước của tôi. Do đó tôi đoán rằng cụ không ưa gì bọn Hoàng Cao Khải, và trongQuốc văn trích diễm, bất đắc dĩ phải trích bài của Khải đấy thôi.
Cảm động nhất và làm cho chúng tôi phục cụ nhất là chuyện dưới đây.
Hồi ấy, không hiểu vì lẽ gì, nha Học chánh Đông Đương lại thay đổi chương trình, bắt học sinh các trường Bảo hộ học các tác giả Pháp viết về thuộc địa mà họ gọi là “auteurs colniaux” [7] và chúng tôi gọi là tác giả “cô lô nhân”. Giáo sư Pujarniscle dạy Pháp văn ban “tú tài bản xứ” (baccalauréat local – người ta chế nhau gọi là tú tài lọ cổ) ở trường Bưởi soạn một cuốn văn tuyển của các tác giả viết về Đông Dương như Jean d ‘Esme, Roland Dorgelès, Jules Boissière… cho chúng tôi học. Nhưng chúng tôi rất ghét bọn “cô lô nhân” đó, cho họ có óc thực dân, chỉ tiếp xúc với bọn hạ lưu Việt Nam (trong giới các quan lớn cũng không thiếu gì bọn hạ lưu), không hiểu gì về phong tục Việt Nam, mà lại có óc khinh thị người Việt, chép toàn nhưng việc bậy bạ, tưởng vậy là ghi đúng tính tình, tâm lí dân tộc Việt. Chúng tôi ghét nhất cái thói xen những tiếng Việt “pháp hóa” vô cho truyện thêm màu sắc địa phương và tỏ rằng mình biết rõ về Việt Nam. Người dân quê Việt Nam họ không gọi là paysan mà gọi là “nha que”, chị Sen không gọi là bonne mà gọi là “la congai”, rồi còn nhiều danh từ khác nữa như “le cai nha”, “le cai ao”…, chúng tôi thấy chướng mắt, chỉ muốn xé toạc đi. Ghét họ thì ghét luôn lối hành văn của họ mà chúng tôi cho là cầu kì, màu mè, thậm chí ghét luôn cả ông “nghè” Nguyễn Mạnh Tường vì ông đã trình một luận án văn chương về Jules Boissière, cây bút  thực dân hạng nặng mà chúng tôi đọc trạnh đi, thành một biệt hiệu B… C… rất tục, không thể chép lại đây được. Lần đó cụ Dương cho chúng tôi học bài Le grand lac của J. Boissière, bài đó chỉ dài độ 15 – 20 hàng tả cảnh Hồ Tây ở Hà Nội, văn trúc trắc chúng tôi không thấy hay ở đâu cả. Có lẽ vì ghét cho nên không muốn học, thấy lâu thuộc. Tới hôm trả bài, bọn chúng tôi 5 – 6 anh em đứng ở cửa hông trường tức cửa nhìn sang vườn Bách Thảo, hỏi nhau. Mày có thuộc bài récitation [8] không? Tao ghét thằng B… C… đó quá, không học được. Ai cũng nhận rằng bài đó khó học và không thuộc kĩ. Rồi chúng tôi hùa nhau mổ xẻ Boissière, vạch tất cả những “tội” của hắn ra. Sau cùng một anh bạn tôi, nhớ đâu như anh Hiệp thì phải, hồi đó chúng tôi gọi là “Hiệp tẩy” vì có thái độ hung hăng, như bọn lính tẩy – hô hào anh em phản kháng cụ Dương: cụ gọi trả bài thì dù thuộc cũng thưa là không thuộc, cụ hỏi tại sao thì đáp lại ghét tác giả thuộc địa đó.
Đối với một giáo sư khác thì có lẽ chúng tôi không dám làm “reo” như vậy đâu; vì biết cụ hiền, có gì cũng chỉ cho zêro, cùng lắm là nửa “consigne” [9]  nên chúng tôi tán đồng ngay đề nghị của anh bạn. Vô sân trường, chúng tôi thuyết phục các bạn nội trú và họ cũng bằng lòng.
Mặc dầu đã quyết tâm rồi, tới lúc cụ sắp gọi trả bài, chúng tôi cũng hồi hộp.
Theo lệ, cụ mở cuốn sổ tay ra chấm tên một học sinh vào hạng trung bình. Anh này chắc cũng chỉ thuộc lõm bõm, trả được một vài câu rồi ngừng, thú rằng không thuộc. Cụ gọi thêm một anh khác, cũng không thuộc nữa. Cụ ngạc nhiên, hỏi tại sao. Một anh bạo dạn đứng lên thưa rằng chúng tôi không ai thuộc cả vì không ưa Jules Boíssière, một tên thực dân không có cảm tình với dân tộc mình. Rồi chúng tôi trình với cụ tất cả những điều chúng tôi trách hắn. Cả lớp chờ sự phản ứng của cụ.
Cụ làm thinh một vài phút rồi bỗng nhiên tôi thấy hai giọt nước mắt lăn trên má cụ. Cụ vẫn ngồi yên nhìn xuống phía cuối lớp, cũng không lấy chiếc khăn tay nhỏ xíu bằng vải trắng để lau nước mắt nữa, mặc cho nó rơi xuống mặt bàn và tự khô trên má. Chúng tôi im phăng phắc, kẻ cúi đầu xuống, kẻ nhìn vào mặt cụ. Tôi muốn đứng lên xin lỗi cụ.
Nhưng tôi không thốt lên được một lời – cả lớp cũng không ai thốt lên được một lời – mà cứ ngồi trân trân. Có lẽ khi cảm xúc mạnh quá thì sự yên lặng là thái độ tự nhiên nhất. Giá lúc đó tôi đứng lên nói thì thế nào tôi cũng nghẹn ngào mà nước mắt cũng ròng ròng trên má.
Cụ và chúng tôi ngồi im như vậy không biết mấy phút, chỉ nhớ là lâu lắm, rồi cụ bảo chúng tôi mở bài Le grand lac ra, cụ giảng lại cho, để về nhà học lại. Hôm đó cụ không cho điểm ai cả.
Tan buổi học, chúng tôi không ai bảo ai, đồng tình không nhắc lại việc đó nữa. Chúng tôi đều ân hận về hành động của mình, và tuần sau khi trả bài thì ai cũng thuộc. Mà lần này cụ cũng chỉ gọi vài người trả thôi, không có một lời nào gợi lại chuyện cũ.
Nếu phải là một giáo sư khác thì chúng tôi cũng được 5 – 6 con zêro hoặc ít nhất cũng bị rầy một hồi. Có thể một vài vị còn gắtgao “truy” chúng tôi nữa, bắt cả lớp tuần tự lên trả bài, lần trước cũng như lần sau. Cụ thực quảng đại, đau lòng trước sự phản kháng của chúng tôi mà không hề giận, tha thứ cho cả. Những giọt nước mắt của cụ hôm đó chứa biết bao tâm sự.
Trong đời học sinh dài 15 năm của tôi, tôi đã gặp được vài ba thầy học có tư cách mà tôi kính trọng, nhưng cụ Dương vẫn là người tôi kính mến nhất. Tôi cho rằng chúng tôi có phúc mới được sống một giờ học vô cùng cảm động như hôm đó, mới được thấy cụ khóc trước mặt chúng tôi như vậy, mới được nhận một bài học lặng lẽ ơaf cao thượng như vậy. Cha mẹ mà lặng lẽ đau khổ vì hành động của con, thì đó là chuyện thường; nhưng thầy học đau khổ vì hành động của trò thì từ xưa đến nay đã có một trường hợp nào như vậy không?
Đầu thu năm đó, anh Phạm Trọng Bào và tôi, một buổi tối rủ nhau lại phố Hàng Bông thăm cụ và cám ơn cụ đã dạy bảo chúng tôi. Nhà cụ có gác, căn dưới là cửa hàng bán bông. Chúng tôi xưng tên, đứng đợi một lúc rồi có người bảo chúng tôi lên gác. Thang dốc và bằng gỗÁnh đèn lù mù, tôi không nhớ là đèn điện hay đèn dầu. Vừa lên hết cầu thang thì cụ ở phòng trong bước ra.
Chúng tôi chào cụ, tỏ lòng cảm ơn cụ. Cụ không bảo chúng tôi ngồi mặc dầu trong phòng có bàn ghế, cụ đứng cách chúng tôi khoảng một thước, mà tiếp chuyện, mừng chúng tôi thi đậu và hỏi chúng tôi sẽ tiếp tục học nữa không. Vẫn nụ cười hồn nhiên, niềm nở đó. Anh Bào bảo sẽ lên ban Tú tài Bản xứ và sẽ được cụ dạy dỗ cho nữa. Tôi thưa vì nhà nghèo, phải vô trường Cao đẳng Công chánh để có học bổng. (Thời đó vào năm 1931, kinh tế khủng hoảng nặng). Nhưng chúng tôi thấy hình như cụ mắc việc nên chỉ đứng vài phút tôi chào cụ ra về.
Từ đó tôi không có dịp gặp lại cụ nữa. Nay muốn gặp lại thì cụ đã thành người thiên cổ. Khoảng mười lăm năm trước, khi hay cụ đã soạn bộ Việt Namvăn học sử yếu, tôi nhờ một anh bạn mua từ Hà Nội gởi vào. Bộ đó tôi thuê đóng bìa dày, và tôi coi là một bộ quí nhất trong tủ sách của tôi.
Tháng 10 năm 1996
(Bách Khoa số 1 – 11 – 1966)
Chú thích: 
[1] Francaise: Pháp văn.
[2] Temps: thì (trong ngữ pháp)
[3] Grammaine de académie: ngữ pháp hàn lâm.
[4] Abrégé d’histoire d’Anlam: Giản yếu lịch sứ An Nam
[5] Limai/1es de fe:r mạt sắt, mài dũa (BT)
[6] Pattes d’oic: vết nhăn đuôi mắt (BT).
[7] Auteur Coloniaux: tác giá thuộc địa (BT).
[8] Récitation: bài học thuộc lòng(BT)
[9] Consigne: cấm túc, phạt giữ lại trường (ngày nghỉ) (BT)
Nguồn:
Nguyễn Hiến Lê. “Thầy học tôi: cụ Dương Quảng Hàm.” Để tôi đọc lại. NXB Văn học, 2001.

Khéo dùng tiếng Việt

Có những người bề ngoài ra vẻ thầy, ông lắm, nhưng ta đừng vội xét họ, phải đợi họ nói ít lời rồi mới biết được giá trị của họ. Biết bao người vào hạng “trí thức” mà lầm “mục kích” với “mục đích”, “phương diện” với “phương tiện”. Và các bạn chắc còn nhớ báo Phong Hóa hồi trước đã chế giễu một cách chua cay một ông cử thi Tri huyện mà dùng lầm bốn tiếng “phụ mẫu chi dân” để chỉ các quan lớn nhỏ, nghĩa là chỉ hạng “dân chi phụ mẫu”.
                Sự dùng sai tiếng và ngữ pháp chẳng những làm cho người khác hiểu lầm ý ta mà còn cho người một cảm tưởng không tốt về mình nữa. Sự lựa tiếng mà dùng cũng rất quan trọng, nó là cây thước đo sức học và nền giáo dục của ta. Chưa ai đếm xem Việt ngữ có được bao nhiêu tiếng, nhưng chúng tôi tưởng ít nhất cũng trên 5, 6 vạn. Vậy mà biết bao người suốt đời chỉ dùng 5, 6 trăm tiếng thôi, và có nhiều tiếng họ dùng đi, dùng lại hoài, cả trong những trường hợp khác nhau nữa. 
                Nếu bạn nói: “Tôi hiểu mà không nói được” hoặc tả bất kỳ vật gì bạn cũng dùng những “đẹp quá xá, hay lắm, đẹp lắm” thì thật là dụng ngữ của bạn không phong phú chút nào hết. Không phải cái gì cũng gọi là “cái” được. Một đóa hoa, một chùm hoa, một giỏ hoa, chứ không phải là một “cái hoa”. Một căn nhà, một tòa nhà, một ngôi nhà, chứ không phải là một “cái nhà”… Không phải cái gì cũng “ngộ” cũng “kỳ”. Có tiếng “ngộ”, nhưng cũng có những tiếng “đẹp, xinh, rực rỡ, lộng lẫy, huy hoàng, bóng bẩy, có duyên, tươi, nhã… Có những cử chỉ “kỳ”, nhưng cũng có những cử chỉ “lạ lùng, quái dị, khác thường, lố lăng, siêu quần, lỗi lạc…” Bạn nên thu thập những tiếng hơi đồng nghĩa với nhau đó, sắp đặt lại, phân biệt từng tiếng, cân nhắc từng ly rồi hãy dùng. Tài dùng chữ không phải do trời sinh đâu, do công phu luyện tập.
                Có bốn loại dụng ngữ:
1.       Loại dùng để đọc,
2.       Loại để viết,
3.       Loại để nghe,
4.       Loại để nói.
Loại thứ nhất và thứ ba giúp ta hiểu những ý tưởng của người khác, loại thứ nhì và thứ tư giúp ta diễn đạt ý tưởng của ta. Hai loại sau này khác hai loại trên. Chẳng hạn bạn có thể hiểu nghĩa những tiếng huyết hãn, yên hà, bát hoang lục vũ, mà không bao giờ dùng tới, bạn chỉ dùng những tiếng mồ hôi và máu, mây và khói, tám phương trời, không gian…
                Còn nhiều lối phân loại khác nữa, nhưng cách sau này hoàn toàn hơn cả. 
                Loại thứ nhứt. Những tiếng cổ như: bèn, chìn, mìn, sinh đồ, cử tử, môn đệ, thị tì… Đọc những tiếng đó, ta thấy cả một thời xưa hiện lên trước mắt ta, thời có những cánh xanh, những tàng tía, những thư sinh lướt thướt trong chiếc áo dài, những tiểu thư e lệ dưới chiếc nón quai thao.
                Loại thứ nhì. Những tiếng văn chương như song thân, nghiêm đường, diễm lệ, để chỉ cha mẹ, cha, đẹp đẽ.
                Loại thứ ba. Những tiếng thân mật thông thường như ba má, bồ (bạn thân), dộng (ăn), sửa lưng (đánh, trị), no (giầu có), thả (đi chơi lêu lổng), ổng (ông ấy)…
                Loại thứ tư. Những tiếng lóng như thổi (ăn cắp), nhảy dù (làm trái phép), bố (đánh, mắng), đánh phép (cọp bài), trúng tủ (nhằm bài học rồi hoặc làm rồi), bắn khỉ (hút thuốc phiện), xây tướng (đánh bài), nừng (ngốc), có đường, có gió (có hi vọng khá), kẻng (bảnh).
                Nhưng những tiếng ấy thường thay loại, đương ở loại trên nhảy xuống loại dưới hoặc ngược lại. Như những tiếng lóng dùng lâu thì thành những tiếng thân mật. 
                Ta phải biết những loại đó để tùy chỗ dùng cho hợp, vì tiếng nói cũng như y phục, có tiếng dùng ở nhà thì được, mà dùng trong những đám hội họp lịch sự thì không nên. Những tiếng cổ dùng trong câu chuyện thường ngày thì sái chỗ, nhưng dùng trong một bài để gây lên cái không khí thời xưa thì lại rất đắc dụng.
DỤNG NGỮ CẦN PHONG PHÚ
                Nếu dụng ngữ của ta phong phú, ta được những lợi sau này:
  1. Ta biết đủ tiếng để hiểu những sách báo đứng đắn.
  2. Ta còn hiểu được những tinh vi trong sự lựa tiếng của tác giả nữa và do đó hiểu rõ thâm ý của họ.
  3. Ta xét được tác giả hoặc diễn giả có hiểu rõ vấn đề họ bàn không hay chỉ ba hoa để lòe đời. Thứ nhất là hồi này ta thường gặp những nhà chánh trị dùng toàn những danh từ mới, nghe có vẻ thông thái, cao xa lắm mà tư tưởng thì rỗng như trống, nhạt như bã mía.
  4. Ta có thể suy nghĩ rõ ràng về một vấn đề nào đó và diễn đúng những ý kiến ta muốn phát biểu. Bạn học rộng, tài cao, có nhiều tư tưởng tân kỳ mặc dầu, nếu bạn không diễn đạt được thì cũng không ai biết được trong đầu óc bạn có gì hết.
LÀM SAO CHO DỤNG NGỮ CỦA TA ĐƯỢC PHONG PHÚ
                Tại Âu Mỹ, người ta đã tính rằng trung bình người lớn dùng 3-500 tiếng, người nào có tài lắm thì dùng được 6.000 tiếng, học sinh trong bình chỉ dùng 2.000 tiếng. Nhưng trẻ em 12 tuổi hiểu được 7.200 tiếng, người lớn trung bình hiểu được 11.700 tiếng.
                Sở dĩ ta phải hiểu được nhiều tiếng như vậy là vì có những tiếng dùng trong mỗi nghề mà chỉ cần làm nghề đó là đủ biết, khỏi phải học.
                Muốn cho dụng ngữ phong phú thêm, ta phải:
1.       Đọc nhiều, bất kỳ loại sách nào, làm quen với nhiều người trong bất kỳ giới nào.
2.       Nghe những diễn văn hùng hồn của nhiều diễn giả.
3.       Luôn luôn học thêm, học suốt đời ta, đừng bao giờ ngừng.
4.       Đọc nhiều sách về từ ngữ.
5.       Thường tra tự điển.
ĐỌC SÁCH BÁO
                Francis Bacon nói: “Có loại sách chỉ nên nếm, có loại khác chỉ đáng nuốt, có ít cuốn cần phải nghiền ngẫm, nghĩa là có những cuốn chỉ nên đọc từng đoạn thôi, những cuốn nên đọc qua cho biết và có một ít cuốn phải đọc hết, siêng năng chăm chú đọc rồi suy nghĩ”.
                Đọc sách, ta thường gặp những tiếng mới. Có những tiếng coi đoạn trên và dưới cũng đoán được nghĩa. Ví dụ tiếng “du dương” ta có thể không hiểu nghĩa nó, nhưng nếu ta thấy có tiếng “giọng” đứng trước thì ta đoán được ngay du dương là một tĩnh từ để tả một thứ giọng nào đó.
                Những đoán nghĩa như vậy không đủ, vì ta chỉ mới hiểu được lờ mờ thôi, ta phải tra tự điển để hiểu thêm. Đừng mỗi lần gặp một tiếng mới lạ, mở tự điển ra, như vậy hết hứng thú. Ta chỉ cần gạch dưới những tiếng đó để hết chương ta tra nghĩa một lần.
NGHE CÁC DIỄN GIẢ CÓ TÀI
                Những diễn giả có tài thường dùng nhiều tiếng mà ta còn lạ; nghe họ, ta được cái lợi là lần lần quen với những tiếng ấy. Nếu nghe rồi mà lại được đọc bài diễn văn đó đăng trên báo hay in trong sách thì càng ích lợi nhiều nữa.
                Tại sao bạn không bắt chước George Bernard Shaw, một văn hào Anh, nổi tiếng về tài dùng tiếng? Ông tiếp xúc với đám bình dân, nghe họ nói chuyện và để ý ghi chép những tiếng du dương như đàn sáo, rực rỡ như kim cương rồi về dùng trong văn của ông. Ta đừng tưởng những người nhà quê không có gì cho ta học đâu. Lời lẽ của họ nhiều khi bóng bẩy, hóm hỉnh, tư tưởng của họ nhiều khi thâm trầm và xác đáng mà ta không ngờ.
ĐỌC NHỮNG SÁCH VIẾT VỀ TỪ NGỮ
                Ở Pháp và Anh có nhiều sách nghiên cứu về từ ngữ. Như Pháp có cuốn Voyage à travers les mots của Albert Dauzat, ở Anh có cuốn On the Study of Words của Rich and Chenevix Trench. The Romance of Words của Ernest Weekly, Words and their way in English Speech  của George L.Kittredge và J.B. Greenough.
                Ở nước ta, loại sách đó còn hiếm, nhưng đọc những cuốn:
                Tầm nguyên tự điển của Lê Văn Hòe.
                Thành ngữ điển tích của Diên Hương.
                Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế.
                ta cũng học được nhiều về tiếng Việt.
                Chắc các bạn nhận rằng điển tích có một địa vị quan trọng trong văn học của ta, chẳng những ta phải hiểu mà còn nên biết cách dùng nó nữa. Biết bao truyện cổ đã được dùng làm điển tích. Đọc những truyện ấy như được sống lùi lại hàng ngàn năm, mục kích cuộc đời muôn vẻ nhìn màu của cổ nhân.
TỰ ĐIỂN
                Anatole France rất thích tự điển. Ông thành một trong những nghệ sĩ thành công nhất với nền văn học Pháp, điều đó cũng không có chi lạ.
                Tự điển giúp ta biết cách viết và dùng mỗi tiếng nghĩa đen, nghĩa bóng, tự loại, ngữ nguyên (étymologie) của nó, những tiếng đồng nghĩa với nó. Tự điển các ngoại ngữ như Pháp ngữ, Anh ngữ còn chỉ cách đọc từng tiếng nữa.
CHÁNH TẢ
                Chánh tả Việt ngữ dễ hơn chánh tả Pháp ngữ nhiều vì ta không có phần chánh tả ngữ pháp (orthographe grammaticale). Sở dĩ ta thấy khó vì:
–          Từ trước tới nay ta chưa hề học Việt ngữ một cách kỹ lưỡng có hệ thống như học Pháp ngữ;
–          Ta thiếu sách, thiếu cả một bộ tự điển đầy đủ;
–          Giọng nói của ta chưa được nhất luật: cùng một tiếng Bắc Nam phát âm khác nhau. Ngày nào mà giọng nói nhất luật và tự Bắc chí Nam, ai cũng phát âm theo một giọng thì đó thì vấn đề chánh tả của ta gần như không còn nữa; lúc đó, tự nhiên ai cũng viết được gần đúng chánh tả.
                Hiện nay vấn đề chánh tả còn là một vấn đề rắc rối mà môn chánh tả còn là một môn hơi khó. Nhưng ta không thể lấy lẽ rằng nó khó mà ta viết sai chánh tả được.
                Bạn thử cho tôi biết cảm tưởng của bạn ra sao về “tác giả” hàng chữ sau này:
                “Thằn Bít xinh nghĩ dì nó đao”.
                Bạn có hiểu gì không? Không. Thì đây “tác giả” muốn viết rằng “Thằng Bích xin nghỉ vì nó đau”.
                Theo tôi, muốn viết trúng chánh tả, hiện nay không có cách nào khác là thuộc cách viết, và nếu có thể được, nói cho đúng giọng.
                Ví dụ bạn thường lầm những tiếng:
–          dễ (dễ dàng, trái với khó).
–          dể (khinh dể).
–          rể (chú rể, cô dâu).
–          rễ (rễ cây).
                Thì các bạn rán chép những tiếng đó vào một cuốn sổ tay, mở ra coi thường và rán đọc cho trúng:
–          dấu   ̃ thì giọng đưa xuống một chút rồi đưa lên.
–          dấu ˀ thì giọng đưa lên một chút rồi đưa xuống.
–          phụ âm d không uốn lưỡi.
–          phụ âm hơi uốn lưỡi.
                Những bạn ở miền ngoài thường lộn những phụ âm (consonnes) ở đầu như:
–          ch lộn với tr
–          d lộn với r
–          s lộn với x.
                Những bạn ở miền trong thường lộn dấu ˀ với dấu   ̃ và lộn những phụ âm ở cuối như:
–          t với c (dắt trâu viết ra dắc trâu)
–          ng với n (Phan Thanh Giản viết ra Phan Thanh Giảng)
                Riêng về hai ˀ dấu và   ̃ , tôi tưởng chúng ta đừng nên quá tin rằng luật hỏi ngã (huyền, ngã, nặng, ba dấu đó đi với nhau; không dấu, hỏi, sắc đi với nhau) là cây đũa của bà Tiên, mầu nhiệm vô cùng, giúp ta luôn luôn bỏ trúng hai dấu đó.
                Vì muốn áp dụng luật ấy, phải biết phân biệt tiếng Hán Việt với tiếng Việt, như vậy phải học tiếng Hán Việt, mà công học đó gấp bốn, năm lần công học những tiếng dấu   ̃.
                Những tiếng sau này ít hơn những tiếng có dấu ˀ và hễ bỏ trúng dấu  ̃ thì tự nhiên bỏ trúng được dấu ˀ.
                Trước sau chỉ có độ 800 tiếng có dấu  ̃ trong số đó non nửa là những tiếng ít khi dùng đến. Vậy biết rõ được khoảng 400 tiếng có dấu   ̃ thì mười lần có tới bảy, tám lần ta viết trúng được ˀ   ̃ rồi.
                Và thứ nhất là mỗi khi ngờ ngợ về chánh tả của một tiếng thì phải mở tự điển ra tra liền.
                Bạn nên dùng:
                Việt ngữ chính tả tự vị của Lê Ngọc Trụ.
                Bộ này soạn công phu nhất, có phương pháp nhất và đầy đủ nhất từ trước tới nay. Tủ sách nào cũng cần phải có nó.
NGHĨA MỖI TIẾNG
                Có nhiều cách định nghĩa:
1.       Định nghĩa bằng cách dùng một tiếng hơi đồng nghĩa. Cách này thường thấy trong các loại tiểu tự điển. Như “chia” định nghĩa là “san ra, sẻ ra, phân ra”.
2.       Định nghĩa theo phép luận lý. Như “chùa” là nhà thờ Phật, có tăng, ni ở. “Tự điển” là cuốn sách chỉ cho ta biết nghĩa và cách đọc, cách viết, cách dùng mỗi tiếng.
Trong phép định nghĩa này, ta sắp những tiếng thành từng loại với nhau như “chùa” sắp vào loại nhà, “tự điển” sắp vào loại sách, rồi phân biệt xem những tiếng trỏ cùng một loại khác nhau ở chỗ nào.
3.       Định nghĩa một cách dài dòng, như đoạn sau này của Nguyễn Bá Học viết để định nghĩa tiếng “Tự trọng”.
“Người ý khí, tài lực hơn người, không nương tựa ai, không luồn lụy ai, tự mình quí mình, ai yêu cũng không mừng, ai ghét cũng không giận, gọi là người tự trọng… Ta phải biết rằng tự trong vốn hòa hợp với mọi người, vốn kính trọng người tiền bối, vốn giữ pháp luật, vốn trọng cương thường, có tài năng, có kiến thức, việc đã làm không sợ khó, chí đã định không hồ nghi, thấy giàu sang không náo nức, phải nghèo hèn không phàn nàn”.
4.       Định nghĩa bằng một chuyện vặt hoặc một dật sử.
Ví dụ một người định nghĩa tiếng “quái vật” như sau:
– Anh có biết con bò cái không?
Người bạn ngạc nhiên, nhưng cũng đáp: Có.
– Anh có biết cây ô-rô không (một loại cây nhỏ, lá có gai, mọc ở bờ nước)?
Người bạn càng ngạc nhiên hơn nữa, ngập ngừng đáp: Có.
– Anh có nghe con chim hoàng yến hót bao giờ không?
– Có.
– Vậy nếu anh thấy một con bò cái ngồi trên cây ô-rô mà hót như con chim hoàng yến thì cái đó là một “quái vật” đấy.
5.       Định nghĩa bằng cách phân tích. Phương pháp này, các nhà hóa học thường dùng. Như “không khí” là một khí có khoảng 1/5 dưỡng khí và 4/5 đạm khí, một chút hơi nước, thán khí…
6.       Định nghĩa bằng cách tìm ngữ nguyên.
Ví dụ: Chân Trần là họ Châu và họ Trần; hồi xưa ở bên Trung Hoa, hai họ cùng ở một thôn, đời đời kết hôn với nhau, cho nên Châu Trần bây giờ nghĩa là thông gia với nhau.
7.       Định nghĩa bằng cách đối tỉ. Như “vị tha” là trái với “vị kỷ”, “hèn nhát” trái với “can đảm”.
CÁCH DÙNG TIẾNG
                Ta có thể biết chánh tả và nghĩa của một tiếng mà không biết dùng nó. Tiếng cũng như người vậy, có tổ tiên, đẳng cấp và cái duyên thầm kín đáo không thể giảng được.
                Khi dùng tiếng, ta phải để ý đến những đặc điểm đó để dùng cho phải chỗ. Ví dụ “a hoàn” là một tiếng cổ, thanh nhã để chỉ người ở gái. Nếu ta viết hoặc nói: “Xe rác mới đi ngang mà a hoàn của tôi quên không đổ rác”, thì nghe nó buồn cười làm sao! Hoặc “nghiêm đường” là tiếng văn chương để chỉ người cha đáng kính trọng mà lại dùng trong câu này: “Nghiêm đường của tôi “nhậu” rồi ngủ li bì”, thì nghe chướng tai lắm, nếu không phải là cố ý khôi hài.
                Vậy những tiếng cùng đẳng cấp (hoặc đều là văn chương, hoặc đều là thông thường, hoặc đều cổ, đều mới hết) phải đi với nhau.
                Lại có những tiếng gợi nhiều tình cảm như “gia đình”, “tổ uyên ương”. “nơi chôn nhau cắt rốn (rún)”. Bạn có phân biệt được nghĩa những tiếng sau này không?
Nhà quê               nơi bùn lầy nước đọng
 Dân cày               bác nông phu
Làng xóm            thôn quê
Nhà lá                   thảo lư
Khách lạ              khách viễn phương
Bạn cũ                  bạn để chỏm
Đứa nhỏ              em bé
Mặt trăng            chị Hằng
 Những người quen nghe âm nhạc, chỉ nghe một tiếng cũng phân biệt được là tiếng sao hay tiêu. Họa sĩ Whistler, trứ danh ở Mỹ, phân biệt được 12 màu trắng. Bạn cũng vậy, nếu bạn chịu luyện tập thì bạn có thể phân biệt được rõ ràng từng tiếng gần đồng nghĩa với nhau.
                Bộ Việt Nam tự điển của hội Khai Trí Tiến Đức không chỉ tự loại của mỗi tiếng. Kể thì cũng khó. Trái lại trong cuốn Việt ngữ chánh tả, hai ông Phan Trọng Kiên và Nguyễn Vạn Tòng ghi tự loại của từng tiếng. Kể thì cũng gượng. Vì ta nên nhớ rằng Việt ngữ, không có phần biến di tự dạng (nghĩa là không thay đổi lối viết tùy theo số nhiều, số ít, giống đực, giống cái) cũng không có tự loại nhất định. Cùng một tiếng mà lúc thì dùng làm động từ, lúc dùng làm danh từ, hình dung từ…
                Ví dụ: Tôi vác cần câu đi câu.
                Tiếng “câu” sau là động từ, tiếng “câu” trước đi với tiếng “cần” thành một danh từ.
                và: Trăng rất trăng là trăng của tình duyên. (Xuân Diệu)
                Tiếng “trăng” thứ nhất là danh từ, tiếng “trăng” thứ nhì là hình dung từ.
NGỮ NGUYÊN
                Tìm nguồn gốc một tiếng là một việc nhiều khi khó khăn nhưng luôn luôn có hứng thú. Ta nên phân biệt:
a)      những tiếng Việt – số này ít – như: ăn, mặc, một, hai, đi, đứng, nũng nịu, trái chuối, con chó… Những tiếng đó hoàn toàn của ta, không do một tiếng ngoại quốc nào ra hết.
b)     những tiếng Hán-Việt, do tiếng Hàn mà đọc theo giọng của ta như: tâm, can, dụng, đắc…
c)      những tiếng Việt hóa, tức những tiếng Hán-Việt được bình dân thường dùng rồi thay đổi ít nhiều như tim, gan, dùng, được…
                Tiếng Việt có thể gọi là hài thanh được, nghĩa là dùng âm thanh để diễn ý. Như những tiếng “lơ thơ”, “gập ghềnh”, “khúc khuỷu”, “buồn rười rượi”… chỉ nghe thôi, ta cũng đoán được nghĩa ra sao. Tiếng Trung Hoa cũng có phần hài thanh nhưng vốn là để tượng hình, như chữ “nhật” là mặt trời là một vòng tròn trong có cái chấm, chữ “đan” là buổi sớm có hình mặt trời ló khỏi chân trời.
                Hiểu đặc tánh và những luật biến âm(1) (xin coi bộ Việt ngữ chính tả tự vị của ông Lê Ngọc Trụ) ta sẽ tìm được nguồn gốc nhiều tiếng và một khi đã biết nguồn gốc rồi thì ta hiểu rõ và nhớ lâu nghĩa của nó.
                Có những tiếng mượn của tiếng Pháp: xà bông, gác (lính gác, nhà thuốc gác), nhà ga… Lại có những tiếng do điển tích như: tang thương, tào khang, ả đào… Lúc buồn, bạn nên đọc những cuốn Tầm nguyên từ điển của Bửu Kế, của Lê Văn Hòe vàThành ngữ điển tích của Diên Hương. Lối tiêu khiển đó vừa bổ ích, vừa thú vị.
                Bạn có biết tiếng “đồng hồ” do đâu mà ra không? Đồng hồ là cái hồ bằng đồng có lỗ thủng nhỏ ở đáy, để nước trong hồ rỉ xuống, do đó mà đo được thì giờ. Ngày nay cái máy để xem giờ mà bạn đeo ở cổ tay cũng gọi là đồng hồ, mặc dầu nó không phải là một cái hồ mà làm bằng thép nhiều hơn là bằng đồng.
                Bạn có biết tại sao trái nhau gọi là “mâu thuẫn” không? Vì “mâu” là một binh khí tựa cái giáo, “thuẫn” là cái mộc (cái khiên). Công dụng của hai thứ binh khí đó trái ngược nhau: cái thứ nhất dùng để đâm, cái thứ nhì dùng để đỡ. 
                Mỗi tiếng đều có nguồn gốc của nó. Hiểu rõ rồi ít khi ta dùng sai.
NHỮNG TIẾNG ĐỒNG NGHĨA
                Nhiều người bảo tiếng Việt nghèo. Về vài phương diện, lời đó đúng, như: những danh từ khoa học ta hoàn toàn phải mượn của nước ngoài và cũng mới mượn được chút ít thôi. Những tiếng trừu tượng của ta cũng ít, phải mượn của Trung Quốc. Nhưng nhiều khi tiếng ta cũng rất phong phú. Chắc bạn đã nghe nhiều người cử ra thí dụ sau này. Tiếng Pháp chỉ có một tiếng “Porter”. Mà tiếng Việt thì có cả chục tiếng như: mang, ẵm, bế, bồng, bưng, cầm, cắp, cáng, cõng, chở, đem, đội, đeo, đèo, gánh, gồng, kèm, khênh, khiêng, khuân, mặc, ôm, quảy, tải, vác, võng, xe, xách, thồ…
                Tiếng Pháp chỉ có mỗi một tiếng “Noir” mà tiếng Việt có: đen, mun, mực, ô, hắc.
                Tiếng “bọn” cũng vậy có cả chục tiếng đồng nghĩa như: bầy, bè, đám, đàn, đảng, đoàn, hội, lũ, nhóm, phe, phường, toán, tốp, tụi, vạn…
                Bạn có phân biệt được những tiểu dị trong các tiếng đó không? Không! Vậy tôi xin giới thiệu với bạn cuốn Việt ngữ tinh nghĩa từ điển của ông Long Điền Nguyễn Văn Minh, một cuốn sách viết công phu.
                Và bạn cũng nên mỗi khi gặp mỗi tiếng lạ trong những sách có giá trị – nhất là trong những cuốn truyện Thúy Kiều, Chinh phụ ngâm khúc, Cung oán ngâm khúc, Hoa tiên, Bích câu kỳ ngộ, Đại Nam quốc sử diễn cả: Chép nga cả câu có tiếng đó để hiểu rõ cách dùng nó.
DÙNG TIẾNG
                Một tiếng mà bạn hiểu nghĩa chưa hẳn là một tiếng mà bạn biết dùng. Ông Mark Twain, một văn hào Anh, cho rằng khi bạn đã dùng một tiếng ba lần rồi thì tiếng đó mới thật của bạn.
                Trên kia tôi đã nói mỗi tiếng có một đẳng cấp, giá trị riêng. Nhưng khi dùng thì không có tiếng nào quí hơn tiếng nào hết. Một tiếng rất thông thường mà khéo dùng còn hay hơn một tiếng văn chương mà vụng dùng. 
                Như trong câu:
                                “Lơ thơ tơ liễu buông mành”
tiếng nào cũng là những tiếng thông thường hết mà thi sĩ khéo ghép nhau lại, làm nổi bật một cách êm dịu, đẹp đẽ, nên thơ làm sao!
                Vậy có khi ta phải dùng những tiếng cổ, có khi phải dùng những tiếng mới, có khi lời văn hoa mỹ, có khi lại nên bình dị. Cần nhất là lúc nào cũng phải rõ ràng, nếu có thể dùng những tiếng Việt hoặc Việt hóa thay những tiếng Hán-Việt thì càng hay. Nhưng ta cũng nên nhớ rằng tiếng Việt chưa thể tách rời cái gốc Hán tự được, cho nên phải dùng tiếng Hán-Việt, dù là tiếng mới đi nữa thì cũng cứ dùng. Bây giờ là mới, dùng lâu nó sẽ quen tai, sẽ hóa cũ. Cách đó là một trong những cách làm giàu Việt ngữ.
                Sau cùng, tôi tưởng không cần phải nhắc rằng đừng nên chêm tiếng Pháp hoặc tiếng Anh vào trong câu chuyện bằng tiếng Việt, nhất là trong những tiếng “vous, toi, lui, miss, madame” nghe lố lăng lắm.
                Khi nghe một người chưa quen biết kêu tôi bằng “vous” trong một câu chuyện bằng tiếng Việt, thì tôi có cảm tưởng rằng người đó thiếu giáo dục. Mong rằng cảm tưởng của tôi sai.
TÌM TIẾNG THẬT ĐÚNG
                Chắc các bạn còn nhớ Giả Đảo, một nhà sư đời Đường cưỡi lừa đi thăm bạn, vừa đi vừa nghĩ ra được hai câu thơ:
                                Điếu túc trì biên thọ,
                                Tăng xao nguyện hạ môn
                nghĩa là:
                                Chim đậu cây bến nước,
                                Sư gõ cửa dưới trăng.
                Nhưng, Giả Đảo lưỡng lự không biết nên hạ tiếng “thôi” là đẩy hay tiếng “xao” là gõ, cho nên vừa đi vừa đưa một tay ra gõ rồi lại đẩy, mà không để ý đến xe của Hàn Dũ đi qua. Hàn Dũ, một danh sĩ và một đại thần đương thời, thấy vậy, sai lính bắt lại hỏi, biết chuyện rồi khuyên hạ tiếng “xao”. Hai người quen nhau từ đó, và hai tiếng “thôi xao” đã được dùng để chỉ sự lựa chữ, sự đẽo gọt câu văn.
                Lần khác, Giả Đảo làm được hai câu thơ:
                                Độc hành đàm để ánh
                                Sác tức thụ biên thán
                (nghĩa là:
                                Đi một mình, bóng mình chiếu xuống đáy đầm
                                Thỉnh thoảng dựa thân cây mà thở than.), mà phải than:
                                Nhị cú tam niên đắc.
                                Ngâm thành, song lệ lưu.
                                Tri âm như bất thướng.
                                Qui ngọa cố sơn thu.
                nghĩa là:
                                Ba năm mới làm được hai câu thơ,
                                Ngâm xong, hai dòng lệ chảy xuống.
                                Bạn tri âm nếu không thưởng thức,
                                Thì đành về nằm ở nơi ẩn cũ, trong núi.
                Ba năm mới làm được hai câu thơ bình thường đó thì cũng quá, chả trách người đời chê Giả Đảo là quái đản cuồng vọng. Gọt đẽo câu văn đến như vậy thì không nên, nhưng trong khi viết, cũng nên nhớ lời sau này của Gustave Flaubert khuyên học trò của ông là Guy de Maupassant (cả hai đều là danh sĩ ở Pháp, đều ở trong phái tả chân và nổi tiếng về tài dùng chữ rất đúng):
                “Dù người ta muốn nói điều gì đi nữa, cũng chỉ có mỗi một tiếng để diễn điều đó thôi, chỉ có mỗi một động từ để làm cho điều đó hóa ra có sinh khí và mỗi một tĩnh từ để tả nó. Cần phải kiếm được tiếng đó, động từ đó, tính từ đó và đừng lấy làm mãn ý khi mới kiếm được những tiếng tương tự.
                Những lời khuyên dưới này giúp bạn tìm tiếng đúng.
1.       Lựa một tiếng cụ thể. Trừ những khi phải nói đến cái gì trừu tượng như: triết lý, tiến hóa, văn minh, văn hóa… còn thì phải rán kiếm những tiếng gợi những hình ảnh vẽ ra trước độc giả, làm cho họ như trông thấy, nghe thấy, ngửi, rờ, nếm được. Như vậy họ mới hiểu rõ, thưởng thức được tư tưởng của bạn.
                Những thí dụ dưới dây chỉ cho bạn thấy tài dùng chữ của vài thi sĩ và văn sĩ:
                                – Dưới dòng nước chảy trong veo
                                Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
                                – Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh.
                                – Sương in mặt, tuyết pha thân
                                Sen vàng lững thững như gần như xa.
                                – Sè sè nấm đất bên đàng
                                Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
                                – Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng.
                Những câu đó đều của Nguyễn Du: thực là “thi trung hữu họa”.
                Những tiếng sắp xiên đó chính là những nét vẽ tuyệt diệu.
                Lại như đoạn sau này nữa:
                “Đứa trẻ sợ hãi quá, dúm cả hai chân hai tay lại như một con mãn sắp bị quăng xuống đất”. (Nguyễn Tuân)
                “Chàng gà trọi đứng thẳng người, hai cái cẳng chân cứng và lẳn như hai thanh sắt, phủ đầy những vẩy lớn sắc vàng bóng. Đôi bắp thịt đùi chắc nịch, gân lên những thịt… Đầu chàng to và hung dữ như một chiếc nắm đấm. Cái cổ bạch và hai bắp đùi để lộ ra. Da chàng đỏ găng, đỏ hắt, đỏ tía, đỏ bóng như có quét một lớp sơn thắm”. (Tô Hoài)
                “Cái mặt của thị Nở thật là một sự mỉa mai của Hóa công: nó ngắn đến nỗi người ta có thể tưởng tượng bề ngang hơn bề dài, thế mà hai má lại hóp vào, mới thật là tai hại: má phính phính thì mặt thị lại còn được hao hao như mặt lợn… Cái mũi thì vừa ngắn vừa to, vừa đỏ, vừa sần sùi như vỏ cam sành, bành bạnh muốn chen lấn nhau với những cái môi cũng cố to cho không thua cái mũi. Có lẽ cố quá cho nên chúng nứt nở như rạn ra. Đã thế, thị lại ăn trầu thuốc, hai môi dầy được bồi thêm một lần; cũng may quết trầu quánh lại, che được cái màu thịt trâu xám ngoách. Đã thế, những cái răng rất to lại chìa ra…” (Nam Cao)
2.       Đừng dùng những tiếng mơ hồ. – Đừng gọi nhà ngân hàng là một lâu đài, và nếu bạn muốn nói tới chiếc xe thổ mộ thì đừng dùng tiếng “xe ngựa”.
3.       Đừng nói ở chung quanh hay nói quá. – Con mèo thì gọi nó là con mèo, đừng kêu là “ông Kẹ của loài chuột”. Lối tả người ăn mày và người bù nhìn của Lê Thánh Tôn bây giờ không hợp thời nữa.
4.       Đừng dùng những tiếng khách sáo. – Có nhiều tiếng lúc mới dùng thì rất khéo, rất lạ, nhưng về sau nhiều người dùng quá, thành ra sáo, như: mảnh kim – ô, vầng ngọc thố… Phải tránh những tiếng đó.
5.       Phân biệt những tiếng lóng và những tiếng thanh nhã. – Trên kia tôi đã chỉ một vài tiếng lóng. Bất kỳ nghề nào cũng có những tiếng ấy. Nghề lái xe vận tải có những tiếng: “gió lớn” (có nhiều khách), “bị cò mổ” (bị lính phạt).
                Nghề buôn bán có tiếng “nhẩy dù” (buôn lậu). Trong giới học sinh có những tiếng “trúng tủ”, “đánh phép”… Không thể nào diệt những tiếng đó được hết. Chẳng những vậy, còn có nhiều tiếng được mọi người dùng, thành tiếng thông thường, mất tính cách lóng đi, như tiếng “nhậu”, mới đầu là một tiếng lóng của bọn say sưa, bây giờ đã được văn nhân, thi sĩ dùng rồi. Nhờ vậy dụng ngữ của ta mới mỗi ngày mỗi giàu thêm.
                Nhưng cũng không nên để tiếng lóng của nghề nghiệp lan tràn vào những khu vực khác, cho nên ta phải thận trọng lắm khi dùng một tiếng ấy. Chỉ khi nào nói chuyện với những người trong nghề hoặc không còn dùng tiếng nào khác diễn tả ý ta một cách đúng hơn được, thì mới nên dùng nó.
6.       Hiểu rõ những tiểu dị giữa những tiếng đồng nghĩa. – Muốn dùng tiếng cho đúng, phải biết rõ nghĩa những tiếng đồng nghĩa và nên có cuốn Việt ngữ tinh nghĩa tự điển của Nguyễn Văn Minh.
                Đừng nói “Tôi nhìn một cách âu yếm”, mà phải nói tôi “ngắm”; đừng nói “nghiêng mắt mà nhìn”, phải nói “nghé trông”; đừng nói “tôi thình lình thấy”, phải nói “tôi nhác thấy”… Còn những tiếng khác cũng đồng nghĩa với “thấy”, như: trông, nom, nhìn, nhận, dòm, liếc, xem, coi… Bạn có phân biệt được hết những tiếng đó không? Rồi xin bạn kiếm những tiếng đồng nghĩa với “đổi”, “cắn”, “ăn”, “chép”, “nói”.
                Ông Robert Louis Stevenson mỗi khi đọc một đoạn văn hay, rán bắt chước lối văn ấy. Cách đó có hại, vì như vậy văn ta thiếu phần đặc sắc (bắt chước người thì khó hơn được người), nhưng trước khi có một lối văn đặc sắc, chúng ta đều phải học lối hành văn của cổ nhân hoặc đàn anh đã.
                Một việc nữa rất ích lợi là tập dịch những sách ngoại quốc và rán tìm tiếng Việt để diễn đúng tư tưởng của tác giả.
                Sau cùng, ta thường nên tập nói. Nhiều người viết rất trôi chảy hoa mỹ mà nói thì lúng ta lúng túng, như ríu lưỡi lại, mỗi khi đứng trước một đám đông. Nhưng mặc, cứ tập nói đi, lần đầu còn rụt rè, sợ sệt, ít lần sau sẽ quen.
                Học tập cho dụng ngữ được phong phú, không phải là công việc một năm, hai năm, mà là công việc suốt đời, luôn luôn phải gắng sức. Không lúc nào được ngừng hết. Vitor Hugo, tác giả bộ Les Misérables, bắt đầu học tiếng Hi Lạp hồi năm mươi tuổi. Nhiều bạn chưa tới tuổi đó; vậy không thể nói rằng muộn quá rồi không học được nữa. Sau cùng, phải kiên nhẫn. Edison nói: “Thiên tài chỉ có năm phần trăm là cảm hứng, còn chín mươi lăm phần trăm là công phu”. Những danh nhân còn phải tốn công như vậy, huống hồ chúng ta.
VIẾT VĂN CHO ÊM ĐỀM
                Người Pháp nghe chúng ta nói tiếng Việt có cảm tưởng như chúng ta ca hát vậy vì tiếng của chúng ta có đủ những âm ngắn (như ất), dài (như mười), cao (như chính), thấp (như bột), trầm (như quả: có dấu ˀ ), bổng (như viễn: có dấu  ̃ ).
                Những âm của ta lại chia ra hai bực: bằng và trắc. Ta nghiệm thấy trong thơ của ta, như thơ “lục bát”, nếu bỏ những tiếng lẻ đi, chỉ kể những tiếng chẵn thì cứ một tiếng bằng lại tới một tiếng trắc, như:
                                – Trăm năm trong cõi người ta,
                                Chữ Tài, chữ Mệnh khéo  ghét nhau.
                Trong câu sáu: tiếng thứ hai là bằng: tiếng thứ tư là trắc; tiếng thứ sáu là bằng. Trong câu tám: tiếng thứ hai, bằng; tiếng thứ tư, trắc; tiếng thứ sáu và tiếng tám, bằng.
                Ông Hồ Hữu Tường, trong cuốn Lịch sử văn chương Việt Nam cho đó là khổ nhạc và ông nói: trong thơ “lục bát” cứ hai tiếng thành một khổ, còn trong lối thơ tám tiếng thì một khổ nhạc là ba tiếng:
                                Nay là lúc mang sức trâu mãnh liệt,
                                Giẫm gót cày, tàn phá hết ruộng nương.
                                Khơi mạch sống ở trong lòng đất chết,
                                Mở đường lên cho hạt thóc đang ương.
                Trong khi nói, ta khó sắp đặt những tiếng cho du dương được. Nhưng khi viết, ta nên chú trọng đến những đặc điểm ấy. Nếu không chia mỗi câu ra thành nhiều khổ nhạc bằng với trắc được, thì cũng nên lựa tiếng sao cho khi đọc lên, người ta nghe thấy cao, thấp, bổng, trầm và có một cảm tưởng êm đềm, thú vị.
                Tất nhiên là cũng có khi phải hùng hồn, phải dùng những tiếng mạnh và kêu, nhưng đừng rỗng. Có khi câu văn lại phải có điệu trúc trắc, khó đọc. Ai chẳng nhận rằng câu:
                                Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh
của Nguyễn Du hay ở những tiếng: khấp khểnh và gập ghềnh.
MỘT BÀI TẬP VỀ DỤNG NGỮ
                Ai cũng nên biết những tiếng sau này. Trước hết bạn phải đánh dấu những tiếng bạn cho rằng biết rồi, sau bạn tra tự điển kiểm điểm xem nghĩa những tiếng đó có đúng với nghĩa của bạn cho nó không, nếu đúng thì lấy bút chì gạch bỏ đi. Còn những tiếng khác, bạn kiểm và ghi lại:
                * ngữ nguyên của nó.
                * những nghĩa thông thường của nó.
                * những tiếng đồng nghĩa với nó.
                Sau cùng, dùng mỗi tiếng đặt ra một câu:
                Ác nghiệp            Ẩn vi                     Bao hàm
                Án ngữ                 Ba hoa                  Bặt thiệp
                Áp đảo                  Bã chã                  Bân bách
                Ăn xổi                   Bách chiết          Bất thần
                Âm phần             Bảnh chọe          Cảm khái
                Cảm kích             Kèm nhèm         Nượp nượp
                Cương thường  Kê cứu                  Ngang nhiên
                Cân truyền         Kết tinh                Nghi tiết
                Chấp kinh           Kiếp lược            Ngỗ ngược
                Chí thú                 Kiến văn              Ngụy
                Du lãm                 Khán đài              Nhu cầu
                Chu đáo               Khách tình          Nhan nhản
                Duy vật                Khánh tận           Ỏn ẻn
                Dưỡng sinh        Khảo hạch          Ỡm ờ
                Đãi bôi                 Lao lung              Phiếm du
                Đài điếm             Lảo thảo              Phó nhậm
                Đa mang              Lỗi lạc                  Phôi thai
                Đam mê              Lăng loàn            Phối hợp
                Đao phủ               Lịch lãm              Phương diện
                Gờm                      Lủ                           Phương tiện
                Giai thoại            Lục bộ (2 nghĩa) Quá độ (2 nghĩa)
                Giới ý                    Lữ hoài                Quá trình
                Hạnh lạc              Lữ đoàn               Quan báo
                Hàm tiếu             Ma luyện             Quan tái
                Hàm oan             Manh nha            Quan hà
                Hàn ôn                 Mạo (4 nghĩa)   Quyền biến
                Hào hoa               Mặc tưởng          Rờm
                Hiếu chủ              Minh chủ             Rười rượi
                Hiệu chính          Nao nao               Sách nhiễu
                Hỏa tốc                Núc ních              Sáp nhập
                Hoàn lương        Nuối                      Súc tích
                Tam sinh             Trách bị               Vạn nhất
                Táng tâm            Trắc nết               Vân mòng
                Tiền đồ                Trì thủ                  Võ đoán
                Tích cực              Trào lưu              Xô bồ
                Tiêu cực              Truy nguyên     Xổi
                Tuyệt bút (2 nghĩa) Ủy khúc     Xử nử
                Tháu                     Huyên náo          Xuyên tạc
                Thất thố              Ức đoán               Tị hiềm
                Thuần phong     Ưu đãi                  …………..
NHỮNG LỖI THÔNG THƯỜNG
                Làm sao kể hết được những lỗi thông thường! Vậy ở dưới đây tôi xin kể ra một vài loại thôi. Ngoài những lỗi về chánh tả và sự sai tiếng (như mục kích lầm với mục đíchxán lạn thì nói là sáng lạngphương tiện thì viết là phương diện…) mà trên kia tôi đã bàn tới, còn những lỗi rất thường sau này:
1.       Nói nhiều mà ý rỗng, như:
“Ngày nay là một buổi chiều của hoàng hôn”.
2.       Phải cẩn thận trong khi so sánh.
Đừng nói “một màu rực rỡ và mạnh mẽ như màu bông phù dung”. Màu đỏ của bông phù dung rực rỡ thì còn tạm được, chứ mạnh mẽ thì không.
3.       Đừng mỗi mỗi xuống hàng, như:
“Mỗi tháng ba kỳ,
“Mồng mười, hai mươi và ba mươi.
“Có những đêm thanh vắng,
“Từ dưới sông đưa lên”.
4.       Khi viết những câu dài phải coi chừng đừng để có đầu mà cụt đuôi, như trong câu này:
“Ở trong tình thế hiện tại mà thợ thuyền chỉ cần sao ăn cho đủ no, mặc cho đủ ấm, khi ốm đau có thuốc uống, khi mệt nhọc được nghỉ ngơi, mà điện còn đắt, nước cũng phải mua, những vật liệu để cất nhà có khi kiếm không ra, mà không một ai chắc chắn về tương lai, chỉ sống lây lất từng ngày một”.
5.       Tránh lối hành văn hơi Tây.
Đừng nói: “Bệnh đó gây ra bởi sự thiếu ăn”. Lối hành văn này, tuy đã được nhiều người dùng, nhưng nghe vẫn chưa được êm tai. Nên nói: “Bệnh đó do thiếu ăn”.
Đừng viết: “Được dìu dắt bởi nhiều ông thầy giỏi”, mà viết: “Được nhiều ông thầy giỏi dìu dắt”.
6.       Phải cẩn thận mỗi khi dùng tiếng “là” ở đầu câu:
“Là gia đình giàu sang, cô được qua Pháp học từ hồi nhỏ”. (Một cô mà sao thành gia đình được?) Chúng tôi biết ngữ pháp Việt Nam chưa được qui định, ta khó biết được thế nào là viết trúng, nhưng ta có thể bắt chước các nhà văn có tên tuổi, và ta cũng có thể viết rồi đọc lớn tiếng cho một người khác nghe xem có rõ ràng, xuôi tai không vì ít khi ta nhận được lỗi của ta lắm. Đó là cách làm thơ của Bạch Cư Dị đời Đường. Họ Bạch cứ lần viết xong một bài thơ, đọc lên cho người vú già nghe, câu nào người đó không hiểu thì Bạch sửa lại liền. Nhờ vậy mà Bạch được đời sau suy tôn là tổ của lối thơ Bạch thoại, ngang hàng với Đào Tiềm.
Sau cùng, chúng tôi nhắc lại rằng văn của ta đặt theo lối văn xuôi. Ví dụ: Tôi đi săn bắn về. Việc nào xảy ra trước thì nói trước, cho nên phải đặt tiếng “đi” lên trước, hai tiếng “săn bắn” ở sau và tiếng “về” ở sau cùng, theo thứ tự ba hành động đó. Ta không thể nói như Pháp: “Je rentre de la chasse” được.
Nhờ đặc điểm đó, ta tránh được nhiều lỗi ngớ ngẩn, nhiều câu “tây” quá.   
Chú thích:
(1)  Như:
–          ư, ơ, â đối lẫn với nhau: chưn, chân; nhơn, nhân; gởi, gửi.
–          b, m, v đối lẫn với nhau: be, ve; bẹp, mẹp.
–          s, th thay đổi nhau: sơ, thưa, sương, thương.
–          dấu nặng thay dấu hỏi, dấu sắc thay dấu hỏi: đãi đợi; kiển, kén, v.v…

2014

Anh thiếu tiền, anh biết ngay. Anh thiếu sức khỏe, anh cũng biết ngay. Nhưng khi anh thiếu kiến thức, thường anh ko tự biết.

Thao trường đổ mồ hôi
Chiến trường bớt đổ máu

Văn không võ, văn thành nhu nhược
Võ không văn, võ hóa bạo tàn

Nói với những người không cần nói là phí lời
Những người cần nói mà không nói là mất người

học giả Ngô Tất Tố đã thoát dịch bốn câu thơ của vua Trần-Thái-Tông như sau:
“Cũng bởi có thân mà có bệnh
Ví bằng không xác quyết không đau.
Phép tiên chớ vội khoe không chết,
Thuốc thánh còn chưa chắc sống lâu”.

 “ Cái tình là cái chi chi,
  Dẫu chi chi cũng chi chi với tình ”
Nguyễn Công Trứ

Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão.
Hoành sóc giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hổ khí thôn Ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.

Múa giáo non sông trải mấy thu

Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu.
(Trần Trọng Kim dịch)

Trần Cảnh tức Trần Thái Tông (1218-1277) con thứ của Trần Thừa, là ông vua đầu tiên của nhà Trần có công trong việc ổn định và dần đưa Việt Nam lúc bấy giờ vào giai đoạn thịnh vượng của thời kỳ Đông A. Trực tiếp lãnh đạo chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất. Đặt nền móng cho chế độ thi cử ở Việt Nam..

Và 3 bài thơ răn :

Văn răn ham sắc

Da phấn, tóc thơm với má đào
Mà nhìn ai cũng thấy nao nao
Thực chất chỉ toàn xương với thịt
Giết người đau đớn chẳng cần dao

Văn răn nói càn
Khoa môi, múa mép giả ân cần
Cúi đầu xu nịnh để xin ăn
Mang tiếng tiểu nhân đời giễu cợt
Cuối cùng cũng chuốc vạ vào thân

Văn răn kẻ uống rượu
Chẳng qua bã gạo ủ nên men
Mà biến người ngay thành kẻ hèn
Nhà tan mất nước đều do rượu
Phá cả tôn nghiêm chốn cửa thiền

“dứa đằng đít, mít đằng cuống”

Tổng thống S. Peres, người đã sang Việt Nam, nói thế này: diễn văn rất hay, nhưng anh định làm gì tiếp theo?. Tỉ phú hàng đầu Israel , ông Stef Wertheimer, lời khuyên đầu tiên với người Việt cũng là, nói ít thôi làm nhiều lên.

Khi ta muốn, ta sẽ tìm cách. Khi ta không muốn, ta tìm lý do!

If you can not stand then you move cause you’re not a tree!

Hãy trân trọng và quí mến đàn ông!

Qua bài viết này, mình sẽ chứng minh cho các bạn thấy: Mặc dù thỉnh thoảng làm bậy, thường xuyên nói bậy và không bao giờ thôi nghĩ bậy, thì đàn ông vẫn là những sinh vật vô cùng đáng mến và tuyệt vời.

Trước tiên, đàn ông là gì thì chúng ta biết rồi. Nếu chưa biết có thể nhìn vào gương hoặc nhìn ra ngoài đường hoặc nhìn vào giường một nhà nào đấy.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông là phái mạnh. Phái mạnh nghĩa là phải khỏe mạnh, phải du côn. Yếu đến mức không xách nổi chiếc túi cho bạn gái hay kéo chiếc ghế cho phụ nữ ngồi thì không thể gọi là phái mạnh. Khí phách nam nhi thể hiện ở chỗ dọc ngang đất trời, lên rừng xuống biển, ăn bờ nằm bụi.

Đàn ông thường thích lên núi. Dù đó là trò “đi lên thì sướng, đi xuống thì mệt”. Leo lên đỉnh núi khiến đàn ông có cảm giác như vừa chinh phục được thử thách khó khăn. Và khi đã trở thành người chiến thắng rồi, đàn ông có thể thỏa sức ngắm nghía phong cảnh hữu tình, hoặc thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của mình bằng cách đưa mắt nhìn sang những ngọn núi khác. Đàn ông thường “đứng núi này trông núi nọ”, và đó là một sở thích cực kỳ tự nhiên, không nên trách đàn ông về điều đó.

Đàn ông cũng thích xuống biển. Ở biển, dù không nóng nực người ta vẫn ăn mặc mát mẻ. Đàn ông thích tươi mát. Đàn ông thường ví biển như đàn bà. “Biển tử tế và rất đẹp. Nhưng nó cũng có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình” . Đàn ông cũng thích nóng bỏng. Nhưng lúc nào cũng nóng bỏng thì mệt. Đàn ông không thích mệt.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông lãng mạn. Nghe đến đây có thể bạn muốn khóc thét, nhưng hãy bình tĩnh. Mặc dù vào những dịp như Giải phóng Điện Biên hay Tết thiếu nhi 1/6, phụ nữ phụng phịu “Sao anh không tặng hoa cho em?”, đàn ông sẽ trơ mắt ếch “Sao phải tặng ??? Tặng làm gì ???”, nhưng mình xin khẳng định đàn ông, chứ không phải đàn nào khác, là những sinh vật lãng mạn nhất hành tinh. Có điều vì lãng mạn nghe gần với lãng … nhách, nên họ không muốn thừa nhận điều đó, mà hay đem gán quách cho phụ nữ.

Bây giờ, hãy điểm qua lịch sử tình yêu của nhân loại, bạn sẽ mau chóng nhận ra những hành động được coi là lãng mạn nhất từ trước đến nay đều do đàn ông thực hiện, mà phụ nữ thường là đối tượng được hướng đến. Nào là leo rào trèo ban công tâm sự, nào là bắc loa chốn công cộng tỏ tình, nào là đâm chém tình địch, hò hét lúc nửa đêm … Bạn thử nhớ mà xem, có phải sáng tác nhạc sến thường là đàn ông, hát nhạc sến thường là đàn ông, và nghe nhạc sến cũng là đàn ông quá nửa? Nhiều đàn ông còn hay mặc áo chim cò, với mong ước thầm kín được tự do bay bổng. Thực ra, đàn ông rất thông minh, đàn ông lãng mạn vì phụ nữ thích thế. Do đó, chúng ta hãy để đàn ông hát nhạc sến, hãy để đàn ông mặc áo chim cò, hãy để đàn ông lãng mạn, hãy để đàn ông được là đàn ông.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông sở hữu tình yêu rất bao la. Không như trái tim phụ nữ chật hẹp, chỉ yêu được từng người một, đàn ông có thể yêu vài ba cô cùng một lúc. Đàn ông có máu phiêu lưu mạo hiểm, bởi vậy đàn ông thích tình yêu, vì tình yêu là trò phiêu lưu vô cùng mạo hiểm.

Người ta vẫn nói “Con trai yêu bằng mắt, con gái yêu bằng tai”. Có nghĩa là nếu không nghe phải những lời đường mật, thì chẳng có phụ nữ nào mê mệt một anh chàng chỉ vì anh ta có cặp đùi đẹp, hay làn da trắng mịn màng. Ca sĩ Châu Gia Kiệt là một minh chứng điển hình cho tình huống này, khi mặc dù anh ra rả “Anh đẹp trai thì sao ?”, “Anh đẹp trai thật mà”, ý chứng tỏ mình là chàng trai đẹp chính hiệu 3 con tôm, thì cũng chẳng có phụ nữ nào mảy may để ý tới.

Thường thì, khi không có cái gì, người ta sẽ khao khát cái đó. Đàn ông say mê cái đẹp. Các quảng cáo trên báo đài đã chứng minh, đàn ông có thể sẵn sàng quay ra mê mẩn người mà trước đó anh không thèm để mắt tới, vì da cô nay đã trắng, hay mái tóc cô nay đã óng mượt như tơ, thậm chí còn lãng nhách đến mức vì cô ấy ăn bánh mì ruốc hoặc uống nước tăng lực Samurai.

Tóm lại, dài dòng như vậy chỉ là để bào chữa cho thói yêu nhiều ở đàn ông. Đàn ông yêu bằng mắt. Mà phụ nữ lại đẹp. Nếu phụ nữ không đẹp, hoặc thị giác của đàn ông có vấn đề, thì họ cũng sẽ không lăng nhăng đến vậy. Cho nên hãy thông cảm cho đàn ông, không nên trách đàn ông về điều đó.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông yêu chân thành. Đàn ông khác phụ nữ. Phụ nữ có xu hướng nghĩ ngợi về tình yêu và những thứ liên quan. Thậm chí phụ nữ thường võ đoán về tình yêu nhiều hơn bản chất thực của nó. Còn đàn ông chỉ cảm nhận có tình yêu hay không, và quyết định có ở bên phụ nữ hay không. Trong tình yêu, đàn ông chủ yếu hành động theo cảm tính, và vì thế, rất chân thật. Đàn ông cũng không thích bàn tính tới tương lai của tình yêu. Nếu một đàn ông nói sẽ kết hôn với một phụ nữ, thì có khả năng đàn ông đó đã … già, hoặc anh ta đang nghĩ đến điều gì xa xôi hơn thế…

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông chung thủy. Các bạn đừng hiểu lầm, mình có ý khen thật đó. Chung thủy, tra từ điển tiếng Việt, là có tình cảm trước sau như một, không thay đổi. Có nghĩa là một người có thể chung thủy với vài người, vô tư đi. Một đàn ông có thể chung thủy với vài phụ nữ. Bản tính đàn ông vốn trượng nghĩa, thương người, và không nên trách đàn ông về điều đó.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông oai vệ. Oai vệ là phải như thế nào? Oai vệ là phải gia trưởng, phải hống hách, phải lười biếng ko thèm làm việc nhà. Nếu hỏi 1 đàn ông “Sao chưa nấu cơm đi ?”, đàn ông đó sẽ hỏi lại ngay “Thế đàn bà để làm gì ?”. Trong suy nghĩ của đàn ông, tự nấu cơm tự quét nhà tự giặt quần áo là những chuyện đáng chán nhất trên đời. Đàn ông chỉ làm những việc đó khi bất đắc dĩ chẳng còn ai để sai bảo nhờ vả. Không phải cái gì tự làm cũng tự sướng. Và đàn ông hiểu rõ điều đó.

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông giống … đồ ăn. Món đẹp mắt chưa chắc đã ngon, món ngon chưa chắc đã bổ, mà món bổ thì sẽ … béo. Còn món vừa ngon – bổ – đẹp mắt thì cái giá của nó cũng không dễ chịu chút nào. Tương tự thế, đàn ông ích kỉ thường chung tình, đàn ông phong tình thường biết làm cho phụ nữ thấy mình được yêu, đàn ông tài giỏi thường kiêu ngạo và đàn ông si tình thường yếu đuối. Nếu muốn một người đàn ông siêu nhân thì phụ nữ phải chấp nhận chia sẻ đàn ông đó với cả thế giới; còn nếu không thì hãy hài lòng với một đàn ông bình thường. Theo đó, phụ nữ nên xác định rõ khẩu vị của bản thân để chọn cho mình món ăn phù hợp, vì nếu ngán quá thì thỉnh thoảng có thể ăn kiêng, chứ để đổi món thì cũng không dễ dàng gì…

– Đàn ông tuyệt vời, bởi vì đàn ông cao cả. Đàn ông phải nhường cho phụ nữ nhiều thứ, trong đó có đặc quyền được mềm yếu, được khóc lóc. Thực ra ai cũng có tuyến lệ, và những giọt nước mắt nằm sẵn trong đó. Nhưng khi đàn ông khóc, đó trở thành một sự kiện. Đã có hẳn những bài hát ghi dấu sự kiện này như “Khi người đàn ông khóc”, “Giọt nước mắt đàn ông” hay “Tình yêu không có lỗi”, trong đó có câu “Nước mắt đàn ông không rơi từng giọt”, ý nói khi khóc, nước mắt đàn ông sẽ chảy … tồ tồ.

Vâng, các bạn thân mến, mình vốn thích số 8, mà kể ra được từng đây luận điểm chứng minh đàn ông tuyệt vời là mình đã hụt hơi lắm rồi. Dù cho các bạn có nỡ đánh giá mình là “láo có trình”, “đểu tiềm năng”, hay “có khiếu tầm bậy lắm đó nha” thì mình cũng xin anh dũng bảo vệ đến cùng sự thật bá láp rằng đàn ông rất là tuyệt vời.

Hỡi tất cả chị em phụ nữ, hãy trân trọng và quí mến đàn ông, hãy tiếp thêm cho đàn ông sức mạnh và chí khí để họ lao động sáng tạo, chinh phục thế giới, làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn, và quan trọng hơn cả là nâng niu và yêu thương phụ nữ chúng ta.

Internet

Một vài “tự bạch” về nhân sinh quan của Nguyễn Hiến Lê

Đời tôi có thể tóm tắt trong hai chữ HỌC và VIẾT. Hai việc đó liên quan mật thiết với nhau gần suốt đời, tôi VIẾT ĐỂ HỌC và HỌC ĐỂ VIẾT – “Lời mở đầu” của tác phẩm “Đời viết văn của tôi”.

Trong hồi ký của mình Nguyễn Hiến Lê cũng đã viết lại nhân sinh quan như sau:[7]

  1. Đời sống tự nó vô ý nghĩa, trừ ý nghĩa truyền chủng, nhưng mình phải tạo cho nó một ý nghĩa. Từ hồi ăn lông ở lỗ đến nay, nhân loại đã tiến về nhiều phương diện. Chúng ta được hưởng công lao, di sản của biết bao thế hệ thì phải duy trì di sản đó và cải thiện nó tùy khả năng mỗi người. 
  2. Chúng ta làm điều phải vì tin nó là điều phải chứ không phải vì ý muốn của Thượng đế hay một vị thần linh nào, cũng không phải vì mong chết rồi được lên Niết bàn hay Thiên đàng. 
  3. Quan niệm thiện ác thay đổi tùy nơi, tùy thời. Cái gì ích lợi cho một xã hội vào một thời nào đó thì được xã hội đó cho là thiện, cũng cái đó qua thời khác không còn ích lợi nữa mà hóa ra có hại thì bị coi là ác. Ví dụ đạo tòng phu, tòng tử của phụ nữ có lợi cho gia đình, xã hội thời nông nghiệp; tới thời kỹ nghệ không còn lợi cho gia đình, xã hội nên mất giá trị. Khi sản xuất được ít, đức tiết kiệm được đề cao; ngày nay ở Âu Mỹ, sản xuất vật dụng thừa thãi quá, nên sự phung phí gần thành một bổn phận đối với xã hội. Tuy nhiên vẫn có một số giá trị vĩnh cửu, từ hồi loài người bắt đầu văn minh, dân tộc nào cũng trọng, như đức nhân, khoan hồng, công bằng, tự do, tự chủ,… 
  4. Đạo nào cũng phải hợp tình, hợp lý (bất viễn nhân) thì mới gọi là đạo được. Tôi không tin rằng hết thảy loài người chỉ thấy đời toàn là khổ thôi; cũng không tin rằng hết thảy loài người thích sống tập thể, không có của riêng. 
  5. Đạo Khổng thực tế nhất, hợp tình hợp lý nhất, đầy đủ nhất, xét cả về việc tu thân, trị gia, trị quốc. Vậy mà tới nay lý tưởng của ông, nhân loại vẫn chưa theo được. Về tu thân, ba đức nhân, trí, dũng, luyện được đủ tình cảm, trí tuệ và nghị lực của con người. 
  6. Nên trọng dư luận nhưng cũng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm, nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm. 
  7. Mỗi người đã phải đóng một vai trò trong xã hội thì tôi lựa vai trò thư sinh. Sống trong một gia đình êm ấm giữa sách và hoa, được lòng quý mến, tin cậy của một số bạn và độc giả, tôi cho là sướng hơn làm một chính khách mà được hàng vạn người hoan hô, mà còn có phần giúp ích cho xã hội được nhiều hơn bạn chính khách nữa. Nhưng làm nhà văn thì phải độc lập, không nhận một chức tước gì của chính quyền. 
  8. Ghi được một vẻ đẹp của thiên nhiên, của tâm hồn, tả được một nỗi khổ của con người khiến cho đời sau cảm động, bấy nhiêu cũng đủ mang danh nghệ sĩ rồi. 
  9. Văn thơ phải tự nhiên, cảm động, có tư tưởng thì mới hay. Ở Trung Hoa, thơ Lý Bạch, văn Tô Đông Pha hay nhất. Ở nước ta, thơ Nguyễn Du tự nhiên, bình dị mà bài nào cũng có giọng buồn man mác. 
  10. Tôi khuyên con cháu đừng làm chính trị , nhưng nếu làm thì luôn luôn phải đứng về phía nhân dân. 
  11. Một xã hội văn minh thì nhà cầm quyền không đàn áp đối lập, cùng lắm chỉ có thể ngăn cản họ để họ đừng gây rối thôi; tuyệt nhiên không được tra tấn họ. Phải tuyệt đối tôn trọng chính kiến của một người. 
  12. Một xã hội mà nghề cầm bút, nghề luật sư không phải là nghề tự do thì không gọi là xã hội tự do được. 
  13. Khi nghèo thì phải tận lực chiến đấu với cảnh nghèo vì phải đủ ăn mới giữ được sự độc lập và tư cách của mình. Nhưng khi đã đủ ăn rồi thì đừng nên làm giàu, phải để thì giờ làm những việc hữu ích mà không vì danh và lợi. Giá trị của ta ở chỗ làm được nhiều việc như vậy hay không. 
  14. Chỉ nên hưởng cái phần xứng đáng với tài đức của mình thôi. Nếu tài đức tầm thường mà được phú quý hoặc được nhiều người ngưỡng mộ thì sẽ mang họa vào thân. 
  15. Hôn nhân bao giờ cũng là một sự may rủi. Dù sáng suốt và chịu tốn công thì cũng không chắc gì kiếm được người hợp ý mình; phải chung sống năm ba năm mới rõ được tính tình của nhau. Từ xưa tới nay tôi thấy cuộc hôn nhân của ông bà Curie là đẹp nhất, thành công nhất cho cả cá nhân ông bà lẫn xã hội. Hiện nay ở Mỹ có phong trang kết hôn thử, tôi cho rằng chưa chắc đã có lợi cho cá nhân mà có thể gây nhiều xáo trộn cho xã hội. 
  16. Có những hoa hữu sắc vô hương mà ai cũng quý như hoa hải đường, hoa đào; nhưng đàn bà nếu chỉ có sắc đẹp thôi, mà không được một nét gì thì là hạng rất tầm thường. Chơi hoa tôi thích nhất loại cây cao; có bóng mát, dễ trồng và có hương quanh năm như pngọc lan, hoàng lan. Ở đâu tôi cũng trồng hai loại đó. 
  17. Rất ít khi con người rút được kinh nghiệm của người trước. Ai cũng phải tự rút kinh nghiệm của mình rồi mới khôn, vì vậy mà thường vấp té. Nhưng phải như vậy thì loài người mới tiến được. 
  18. Cơ hồ không thay đổi được bản tính con người: người nóng nảy thì tới già vẫn nóng nảy, người nhu nhược thì tới già vẫn nhu nhược. Nhưng giáo dục vẫn có ích. Không nên cho trẻ sung sướng quá. Phải tập cho chúng có qui củ, kỉ luật, biết tự chủ và hiểu rằng ở đời có những việc mình không thích làm nhưng vẫn phải làm; và làm thì phải làm ngay, làm đàng hoàng, làm cho xong. 
  19. Thay đổi bản tính con người như Mặc Tử, như Karl Marx muốn là chuyện không dễ một sớm một chiều. Thế giới còn những nước nhược tiểu nhiều tài nguyên thì còn bọn thực dân họ chỉ thay đổi chính sách thôi. Thực dân nào cũng vậy. Khi họ khai thác hết trên mặt đất, trong lòng đất thì họ sẽ khai thác biển, đáy biển, Họ còn sống lâu. Tuy nhiên cũng phải nhận rằng sự bóc lột trong một nước tân tiến thời nay đã giảm nhiều, thì sau này sự bóc lột các dân tộc nhược tiểu cũng sẽ giảm đi lần lần. 
  20. Xã hội bao giờ cũng có người tốt và kẻ xấu. Như Kinh Dịch nói, lúc thì âm (xấu) thắng, lúc thì dương (tốt) thắng; mà việc đời sau khi giải quyết xong việc này thì lại sinh ra việc khác liền; sau quẻ Ký tế (đã xong) tiếp ngay quẻ Vị tế (chưa xong). Mình cứ làm hết sức mình thôi, còn thì để lại cho các thế hệ sau. 
  21. Hồi trẻ, quan niệm của tôi về hạnh phúc là được tự do, độc lập, làm một công việc hữu ích mà mình thích, gia đình êm ấm, con cái học được, phong lưu một chút chứ đừng giàu quá. Nhưng hồi năm mươi tuổi tôi thấy bấy nhiêu chưa đủ, cần thêm điều kiện này nữa: sống trong một xã hội lành mạnh, ổn định và tương đối thịnh vượng.