by dofrance | Apr 24, 2014 | Uncategorized
Anh tin vào tình người, anh tin vào cảm giác, cảm xúc, tình cảm của anh với người khác hay anh tin vào cái lý sự, cái tranh luận đúng sai của anh với người khác?
Chúng ta hay nói đúng sai lắm. Hiền giả Duy Giác hỏi tôi không biết bao nhiêu lần về vấn đề đúng sai: “Mình căn cứ vào đâu để mình biết là đúng để hành động?” Tôi không muốn trả lời câu này. Bởi vì nếu tôi trả lời câu này thì không có giá trị gì hết. Nếu tôi trả lời trực tiếp thì sẽ giết chết cuộc đời quý vị.
Quý vị tìm câu hỏi để xác định kiến thức của mình thì không có giá trị làm bùng nổ năng lực nhiệm mầu trong đầu óc quý vị được. Anh phải thực tập, anh phải thực hành rồi tự anh khám phá. Mà anh phải cảnh giác kinh khủng lắm với tất cả những khái niệm mà anh đang dùng của thế giới này. Ví dụ khái niệm đúng sai.
Anh tới tuổi cưới vợ, anh hỏi “Tôi cưới vợ như thế này là đúng hay sai? Tôi lấy cô này là đúng hay sai?” Cái chữ đúng sai phải xét lại. Tôi cưới vợ trong thời điểm này là phù hợp chưa? Phù hợp với sức khỏe của tôi, phù hợp với gia đình, phù hợp với hoàn cảnh kinh tế của tôi chưa? Tôi cưới vợ như thế này có phù hợp với văn hóa của tôi hay chưa? Tôi lấy cô này có phù hợp với tôi không? Tôi có phù hợp với cô ta không? v.v… Không thể nói đúng sai được.
Tôi giúp đỡ cô này có phù hợp không? Cô này có chồng và đang đau khổ vì chồng, tôi nhào vô, tôi gánh lấy việc này, việc kia cho chồng cô thì có phù hợp không? Không nói đúng sai được. Tôi làm việc như thế này để tôi giúp đỡ cô ta chấm dứt khổ đau. Tôi hành động như thế này có phù hợp chưa? Không thể nói đúng sai được. Có phù hợp với những điều kiện, những hoàn cảnh, có phù hợp với đầu óc vô tư không? Ví dụ cô kia chưa nhận thức đúng hay cậu kia chưa nhận thức đúng thì xem hành động của mình có phù hợp với nhận thức sai lầm của người ta chưa? Nếu người ta cứ nhận thức sai lầm mà anh cứ nhào vô thì anh chết ngay, cũng không phù hợp với nhận thức của người ta. Anh không thể xem thường sự cố chấp hay sự ngu dại của người khác được. Thành ra phải dùng chữ phù hợp.
Tôi quan sát thấy rất nhiều cặp vợ chồng, nhiều con người luôn luôn chú trọng tranh luận với người khác: chồng tranh luận với vợ, vợ tranh luận với chồng… Người ta hay chú ý đến đời sống tranh luận hơn là chú ý đến sự chia sẻ những cảm giác, những cảm xúc yêu thương với nhau.
Duy Tuệ
by dofrance | Apr 24, 2014 | Uncategorized
Mức gắn bó giữa hơi thở và sự sống con người là điều không cần bàn cãi. Hơi thở tắt thì sự sống cũng tắt theo. Tuy thế, có lẽ rất ít người lưu tâm tới hơi thở cũng như cách thở. Trong vòng nửa thế kỷ nay, do sự hiểu biết nhiều hơn về nếp sống Đông Phương của người Tây Phương nên đã có những công trình nghiên cứu về cách thở để trị bệnh trong y học. Nhưng đối với đám đông thì những chỉ dẫn về cách thở để chữa bệnh này nhiều khi vẫn là một mớ những rối mù khó định.
Riêng đối với những người học võ, nhất là những người đã đạt tới một trình độ thành tựu cao thì ý thức về tầm mức quan trọng của hơi thở rất rõ rệt. Hơi thở không chỉ giúp con người điều trị được một số bệnh hoạn mà còn có thể giúp con người tăng thêm sức lực của mình. Tất nhiên, trong cả võ thuật cũng như trong y thuật điều chủ yếu vẫn là phải biết cách thở.
Bằng một diễn tả giản lược nhất, người ta cho rằng có 5 kỹ thuật thở khác nhau. Những kỷ thuật thở này hoặc do tự nhiên theo các điều kiện thể chất hoặc do sự rèn tập đã đạt tới những trình độ không giống nhau. 5 kỹ thuật thở đó là
- Thở từ cổ lên
- Thở từ ngực trở lên
- Thở từ bụng trở lên
- Thở từ xương sống
- Thở qua các lỗ chân lông
Người thở từ cổ lên là những người mà sức lực đã vào thời tàn lụi. Đây là cách thở của những người đã kề cận với cái chết.
Người thở từ ngực trở lên là người có tình trạng sức khỏe bình thường.
Người thở từ bụng trở lên là những người luyện tập võ thuật đã đạt tới trình độ trung cấp.
Người thở từ xương sống là những người rèn luyện võ thuật hoặc Thiền quán đạt tới mức độ cao cấp.
Thở bằng lỗ chân lông là kỹ thuật thở của các đạo sĩ Yoga.
Trích Tìm Hiểu Võ Thuật số 3 “Võ tự vệ Arnis”
by dofrance | Apr 24, 2014 | Uncategorized
Vốn là một người học toán – lý, cuộc đời tiến sĩ Phan Quốc Việt rẽ sang hướng khác khi ông đam mê dạy học và kinh doanh.
Ông là người sáng lập tập đoàn Tâm Việt, doanh nghiệp chuyên đào tạo về kỹ năng mềm. Lớp học của tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tâm Việt, tại trung tâm luôn thu hút đông đảo người đến nghe. Ông nói về cái tâm trong sáng của con người, tạo niềm tin và động lực để họ hướng về tương lai tươi sáng.
Phan Quốc Việt cho biết, thành công trong tư duy ngôn ngữ của ông hiện nay không phải do toán học. Ông phủ nhận suy nghĩ cho rằng người học toán sẽ có tư duy tốt.
“Môn học nào cũng cần tư duy”, tiến sĩ Việt nói.
Theo ông, ý chí là thứ duy nhất mà ông thu được từ toán, nhưng toán không phải môn duy nhất giúp con người rèn luyện ý chí.
“Leo núi cũng có lý trí, tập nhạc hay đánh cầu lông cũng vậy. Con người muốn có ý chí đều phải rèn luyện”, ông nói.
Tư duy có nhiều loại và thông minh cũng vậy, ông Việt nhận định. Để minh chứng điều này, ông phân tích, nhà phát minh lừng danh Thomas Edison chỉ học lớp 3 song đã tạo ra những sản phẩm để đời. Có người có trí thông minh thiên nhiên như Charles Darwin, lại có người thông minh logic như Albert Eistein hay Ngô Bảo Châu, thông minh nhạc điệu như Đặng Thái Sơn, Mozart.
Những năm 80, đang theo học ngành kỹ sư địa chất, tiến sĩ Việt lao vào ngành học “thời thượng” thời đó – môn Toán – và “khinh thường” các môn học khác. Giờ nhìn lại, ông thấy tiếc quãng thời gian đó vì những kiến thức cần thiết thì ông không biết, còn cái ít được áp dụng cho cuộc sống hiện tại thì ông biết quá sâu sắc.
Là tiến sĩ đại học Matxcơva, Lomonosov (1984-1988), nhưng ông Việt nói rằng, ông chưa bao giờ sử dụng đến cách tính tích phân, vi phân, delta, hay khai căn trong cuộc sống thực tế.
“Tồi tệ nhất là xuất sắc cái mà không bao giờ dùng. Tôi bỏ ra 10 năm học toán để giờ đây không dùng đến toán. Nếu muốn nhân tôi sẽ dùng máy tính, muốn tính độ cao đỉnh Everest tôi tìm kiếm qua Google”, ông nói.
Thời ông Việt đi học, ai cũng theo toán, học toán, ca ngợi toán. Ông cũng theo xu hướng của thời đại, miệt mài học toán để thi vào trường Lomonosov làm tiến sĩ Toán – Lý. Ông cho rằng, chọn ngành nghề sai khiến con đường đi sự nghiệp của ông như dài hơn.
Tại sao phải làm cái cũ để mong kết quả mới ? Tại sao lại xuất sắc cái không cần cho cuộc sống ? Tại sao xuất sắc cái không bao giờ dùng ? Đó là những câu hỏi khiến tiến sĩ Việt trăn trở.
Ông tiếc vì trước đây bỏ ra quá nhiều thời gian cho môn toán. “Nếu từ đầu, tôi học về kỹ năng sống sẽ tốt hơn nhiều. Tôi hỏi tất cả mọi người, bạn bè từng học toán với tôi trước đây rằng, có bao giờ bạn tính logarit, bao giờ tính tích phân, khai căn không, delta, phương trình bậc ba không. Tôi chắc là không, hoặc có cũng rất ít”.
“Người ta thường ngụy biện logic và toán học là một. Thực tế, logic là môn lập luận. Để lập luận và tranh luận phải học môn đó chứ không phải khai căn, tích phân. Điều nguy hiểm hơn là người ta không ý thức được rằng đó là những thứ hầu như không dùng”, ông nói.
Gần 50 tuổi ông Việt mới chuyển sang dạy kỹ năng giao tiếp, lắng nghe, ứng xử. Ông cho rằng đây mới là những thứ mà mọi người cần trong suốt cuộc đời.
“Càng ngày tôi càng thấm thía những câu như ‘lời chào cao hơn mẫm cô’, ‘mồm miệng đỡ chân tay’. Giá như tôi không học toán mà học tâm lý, nhân văn, xã hội thì tôi có thể giúp bản thân và đời nhiều lắm. Nếu mọi người thuộc những kỹ năng giao tiếp cơ bản như bản cửu chương thì đất nước sẽ tuyệt vời hơn”, ông tâm sự.
Chủ tịch tập đoàn Tâm Việt không phủ nhận lợi ích từ toán lý thuyết, song ông cho rằng, xã hội hãy để những người người có đầu óc xuất sắc tìm tòi những vấn đề khoa học ứng dụng, để đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân và xã hội.
Hương Thu http://vnexpress.net/gl/khoa-hoc/2012/01/tien-si-toan-gia-dung-hoc-toan-thi-tot-hon/
by dofrance | Apr 24, 2014 | Uncategorized
Cô bé Lọ Lem (Cinderella)
Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.
Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.
Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi ?
Học sinh (HS): Thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa. Không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.
Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì ?
HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Leo ôi, trông kinh lắm !
Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không ? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy !
HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.
Thầy: Vì sao thế ?
HS: Vì … vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.
Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa ? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.
Bây giờ thầy hỏi một câu khác: bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội ?
HS: Vì có cô tiên giúp ạ, cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.
Thầy: Đúng, các em nói rất đúng ! Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không ?
HS: Đúng ạ !
Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không ?
HS: Không ạ !
Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt.
Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không ?
HS: Không ạ ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.
Thầy: Đúng quá rồi ! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử ?
HS: Chính là Cinderella ạ.
Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào ?
HS: Phải biết yêu chính mình ạ !
Thầy: Đúng lắm ! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không ?
HS: Đúng ạ, đúng ạ !
Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không ?
HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.
Thầy: Trời ơi ! Các em thật giỏi quá ! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem – chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem ! Các em có tin như thế không ?
Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.
Cảm nghĩ sau khi đọc bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy”
Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc nổi tiếng)
Bài “Người Mỹ giảng dạy chuyện Cô bé Lọ Lem như thế đấy” để lại trong tôi một ấn tượng mạnh hơn bất cứ lời bình nào về nền giáo dục của nước Mỹ. Người thầy giáo trong bài báo ấy chẳng khác một thiên thần. Ông đem lại cho lũ trẻ lòng công bằng, tình yêu thương, tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tư duy lý tính, ý nghĩa của cuộc đời … Với cách giáo dục như thế, sao mà lũ trẻ không có tình thương, sao mà chúng còn chịu sự ràng buộc và hạn chế của những điều này khoản nọ nào đấy ?
Tôi bỗng nhớ lại hồi học trung học, thầy giáo có tổ chức cho chúng tôi học tập tấm gương Lại Ninh.
Chuyện Lại Ninh như sau: Ngày 13 tháng 3 năm 1988, thiếu niên Lại Ninh 14 tuổi bỗng phát hiện thấy có đám cháy trong rừng, anh liền tức tốc chạy tới chỗ cháy và cầm lấy một cành cây hăng hái quên mình dập lửa. Tuy các đội viên đội chữa cháy từng khuyên mọi người chớ chạy đến gần đám lửa, nhưng vì không đành lòng nhìn thấy tài sản của nhà nước bị thiệt hại, Lại Ninh vẫn tiếp tục dập lửa. Sau cùng đám cháy rừng bị dập tắt, hơn 3500 mẫu rừng được cứu thoát, trạm vệ tinh chuyển tiếp truyền hình trong rừng và nhà kho của công ty dầu lửa cũng bình yên vô sự. Sáng hôm 14, người ta tìm thấy xác Lại Ninh trong đống tro rừng. Tay phải anh vẫn còn nắm chặt cành cây, mặt hướng lên đồi, cặp kính cận thị văng đâu mất, tay trái bám lấy mặt đất, chân phải ở tư thế leo lên đồi. Lại Ninh đã vĩnh biệt chúng ta nhưng tinh thần của anh mãi mãi còn sống với chúng ta. Anh là tấm gương để chúng ta học tập noi theo ! Anh mãi mãi là niềm kiêu hãnh của chúng ta !
Lại Ninh là một thiếu niên tốt và có tinh thần quý trọng của công rất cao. Thế nhưng tại sao chúng ta không dạy dỗ trẻ em cách phòng tránh khi có cháy rừng mà lại khuyến khích các em chạy tới đám cháy ? Có “tài sản nhà nước” nào quý hơn tính mạng con người chăng ? Những người thân của Lại Ninh sẽ phải chịu đựng nỗi đau như thế nào vì chuyện ấy ? Còn có cách giáo dục nào thiếu đạo đức hơn lối dạy trẻ em như thế không ? Nhất là ngày nay, trong khi một lũ quan tham ra sức chiếm đoạt “tài sản nhà nước” thì ta vẫn tiếp tục dạy dỗ các em hy sinh thân mình để bảo vệ một loại tài sản nào đó, thử hỏi đạo trời ở đâu ?
Tại nước Mỹ, khi xảy ra nguy hiểm, các thầy cô giáo bao giờ cũng khuyên răn học trò rời xa ngay nơi đó và hướng dẫn chúng rất tường tận cách tránh né. Họ hiểu rằng tính mạng giữ được thì lại có thể làm ra tài sản… Cách giáo dục của chúng ta thì có thể đưa bao nhiêu thanh thiếu niên ưu tú đi tới chỗ chết ! Thế nhưng trước đây tôi đâu có biết đạo lý ấy. Tôi từng mong muốn mình cũng được như Lại Ninh liều thân chữa cháy, dẫu có hy sinh trong đám lửa thì cũng không quản ngại. Cho tới năm học lớp 12, tôi được một thầy giáo trẻ (dạy môn sử) có lương tri bảo ban, dần dần hiểu rõ thực chất của nhiều vấn đề, từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ sâu sắc. Sau khi trở thành nhà báo, đi nhiều thấy nhiều, tôi dần dần hiểu ra rằng tính mạng con người, tình thương yêu, lòng khoan dung và niềm tin mới là thứ đáng quý nhất.
Kiểu giáo dục khuyên bảo lũ trẻ con ấu trĩ xông vào cứu cái gọi là “tài sản nhà nước” ấy thật đáng trách, ngay cả loài cầm thú cũng chẳng làm thế. Tất cả mọi thứ vật chất đều có thể làm lại, riêng sinh mạng thì không thể. Cách giáo dục ấy hủy hoại lũ trẻ từ nhỏ, xóa bỏ thiên tính của chúng, ươm trồng hạt giống tính nô lệ. Ngay từ ở nhà trẻ, có cô giáo đã quyết định thái độ đối xử với từng cháu tùy theo bố mẹ cháu chức vụ cao hay thấp, giàu hay nghèo; ngay từ tuổi ấy chúng đã dần dần học được cách lấy lòng cô giáo. “Nô tính” ấy thâm căn cố đế tới mức sau này có người leo lên địa vị lãnh đạo rồi mà vẫn còn giữ thói cũ, thậm chí còn nặng hơn. Thấy khách nước ngoài thì cung kính vâng vâng dạ dạ; thấy quần chúng bình thường thì nạt nộ ra oai … Thật là đáng buồn làm sao !
Chế độ giáo dục xóa bỏ lương tri, tính người, hủy hoại tình thương yêu, trau dồi nô tính và tính phục tùng, gạt người nghèo ra khỏi ghế nhà trường chẳng những chỉ đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo mà còn hủy hoại tiền đồ của một dân tộc. Nếu không thấy rõ sự khác biệt giữa chúng ta với người Mỹ ngay từ cách giáo dục trẻ em, nếu không cải tổ nền giáo dục mà cứ phát triển theo kiểu giết gà lấy trứng như thế này thì chúng ta sẽ mãi mãi chẳng đuổi kịp người Mỹ và con cháu chúng ta sau này sẽ phải trả giá đau khổ cho cách tăng trưởng kinh tế này.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch theo báo Trung Quốc
by dofrance | Apr 23, 2014 | Uncategorized
Hoài Hương
Theo dự kiến của Trung Tâm Phòng Chống Dịch Bệnh, số người mắc bệnh phong thấp tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên tới gần 67 triệu người trước năm 2030. Một phúc trình khác nói rằng cứ 100 người thì lại có một người bị bệnh phong thấp, với tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh cao gấp 3 lần nam giới. Tuy chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, các nhà khoa học tin rằng nó có liên quan tới hệ miễn dịch, và do đó đang nghiên cứu hệ thống này để tìm một phương pháp điều trị tốt hơn.
Bệnh phong thấp Rheumatoid Arthritis, gọi tắt là RA, là một bệnh kinh niên, và hiện chưa có cách để trị cho dứt bệnh.
Những người mắc bệnh phong thấp thường bị viêm, nóng và sưng đỏ, đau nhức ở các khớp xương, đôi khi nghiêm trọng đến nỗi bệnh nhân không cử động được hoặc gặp nhiều khó khăn trong các sinh hoạt thường nhật. Bệnh nhân bị đau nhức, có trường hợp toàn thể các khớp xương và bắp thịt cứng lại, và trong thời gian dài, có thể khiến các khớp xương bị biến dạng. Các hình thức thường thấy nhất là viêm khớp xương ở cổ tay, bàn tay, đầu gối và bàn chân. Bệnh nhân có thể gặp khó khăn trong những việc thông thường nhất hàng ngày, như cầm những đồ vật nhỏ.
Một loạt các yếu tố đã được thẩm định như có nguy cơ gây bệnh phong thấp gồm có: tiếp xúc với một số hormone, vi khuẩn, thói quen hút thuốc và các yếu tố có liên quan tới chế độ ăn uống vv… nhưng cho tới nay các yếu tố này chưa được xác định một cách chắc chắn.
Trong các yếu tố môi trường đã được xem xét, bằng cớ rõ rệt nhất có lẽ là tương quan giữa hút thuốc và bệnh phong thấp, đa số các cuộc nghiên cứu về yếu tố rủi ro này đều liên kết thói quen hút thuốc với thời điểm phát bệnh.
Các kết quả nghiên cứu sơ khởi cũng phát hiện rằng nguy cơ mắc bệnh phong thấp giảm nơi những phụ nữ uống thuốc ngừa thai, nhưng nhiều cuộc nghiên cứu chi tiết hơn sẽ phải được thực hiện trước khi xác định kết quả nghiên cứu này. Ngoài ra, các phụ nữ chưa hề sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn đôi chút, so với các phụ nữ có con.
Và các cuộc nghiên cứu mới thực hiện cho rằng bệnh phong thấp ít xảy ra hơn nơi các phụ nữ cho con bú sữa mẹ, tương phản hẳn với kết luận của các cuộc nghiên cứu trước đây, nói rằng các phụ nữ cho con bú sữa mẹ có nguy cơ mắc bệnh phong thấp cao hơn.
Về cách điều trị, những loại thuốc hiện được dùng thường là các loại thuốc chống viêm và giảm đau, và ngăn sự tiến triển của bệnh. Trong các trường hợp khớp xương bị phá hủy quá nặng, bệnh nhân có thể được giải phẫu thay khớp để giảm đau.
Mới đây có dấu hiệu cho thấy một loại thuốc có triển vọng chận đứng sự tiến triển của bệnh, hoặc ngay cả đảo ngược các hệ quả của bệnh phong thấp.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng hệ miễn dịch gồm những tế bào có chức năng bảo vệ cơ thể chống vi khuẩn và các tác nhân gây nhiễm khác, dường như lại tấn công chính cơ thể của bệnh nhân.
Ông Harris Perlman là Giáo sư giảng dạy tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Northwestern của bang Illinois. Giáo sư Perlman giải thích về mối tương quan giữa hệ thống miễn nhiễm và bệnh phong thấp:
“Điều xảy ra là phản ứng của hệ thống miễn nhiễm bị rối loạn, khiến cơ thể tự tấn công chính mình.”
Giáo sư Perlman nói một protein trong một hệ thống miễn dịch hoạt động tốt giúp tế bào tự hủy sau khi đã tấn công các mầm bệnh hay vi khuẩn. Nhưng trong trường hợp bệnh, không có protein ấy trong hệ miễn dịch. Thay vào đó, protein tồn đọng trong các khớp xương, rồi tấn công chất sụn và xương.
Cuộc nghiên cứu có sự tham gia của Giáo sư Perlman của Đại học Northwestern đã thành công trong việc khóa lại hệ miễn dịch nơi các con chuột mắc bệnh phong thấp. Nhà nghiên cứu này phát triển một phân tử mà ông gọi là “phân tử tự sát”, có chức năng tương tự như protein đã khiến cho các tế bào tự hủy.
Giáo sư Perlman giải thích rằng “phân tử tự sát” có thể chận đứng và đôi khi giảm bớt chứng phong thấp trong 75% số chuột thử nghiệm. Ông tin rằng phương pháp chữa trị dùng phân tử này có thể hữu hiệu nơi con người.
Các cách chữa trị bệnh phong thấp đang được dùng hiện nay có thể giảm bớt mức độ đau nhức, nhưng không hữu hiệu nơi tất cả các bệnh nhân. Bệnh nhân phải uống thuốc liên tục, trong khi thuốc có những hậu chứng đi kèm như tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Giáo sư Harris Perlman nói khía cạnh tốt nhất của phương pháp chữa trị mới là nó không đi kèm với hậu chứng nào đáng kể.
Một phúc trình về cuộc nghiên cứu này đã được đăng tải trên tạp chí chuyên về các bệnh Thấp khớp và Phong thấp.
Trung tâm Phòng chống Dịch Bệnh Hoa Kỳ nói theo dự kiến, số người mắc bệnh phong thấp trên khắp nước sẽ tăng lên tới gần 67 triệu người trước năm 2030, trong số này 25 triệu người sẽ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày do tình trạng bệnh gây ra. Tổn phí hàng năm của bệnh phong thấp lên tới 128 tỉ đôla.
Các cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy một yếu tố đóng góp vào việc gia tăng tỷ lệ các bệnh phong thấp tại Hoa Kỳ, là sự gia tăng của thành phần cao niên trong dân số Mỹ.
Số liệu này nhấn mạnh tầm quan trọng của nhu cầu nâng cao nhận thức về bệnh phong thấp, và bệnh nhân phải biết tự săn sóc lấy mình, phải vận động cơ thể, giảm cân, và thay đổi lối sống cũng như cách ăn uống sao cho lành mạnh hơn.
Các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tập thể dục thường xuyên, và duy trì số cân ở mức tương đối cố định, vì quá cân sẽ tăng sức ép lên các khớp xương, khiến cho bệnh có thể trở nặng hơn.
Nguồn: peoplevoiceonline.com