Hát đồng song thanh là kỹ thuật phát xuất từ Mông Cổ và Tuva . Một người có thể hát hai giọng cùng một lúc : một giọng trầm từ cổ họng kéo dài trên một cao độ suốt một hơi trong khi giọng thứ nhì được tạo bởi sự lựa chọn các bồi âm phía trên để tạo thành một giai điệu .
Người Mông cổ và Tuva sử dụng bồi âm 6, 7 , 8, 9, 10 và 12 tạo thành âm giai ngũ cung . Ngoài ra còn có các xứ khác ở Tây Bá Lợi Á cũng có hát loại này như Bashkiria, Altai, Khakassia, Kalmoukia . Các nhà sư Tây Tạng có một loại đọc kinh phát ra bồi âm nhưng không giống cách hát của Mông Cổ và Tuva . Họ dùng giọng thật trầm và mục đích chánh là tạo một bồi âm ở quảng ba trưởng trên ba bát độ (đó là bồi âm số 10 trên nốt chánh hát từ cổ họng) . Truyền thống này thuộc tu viện Gelugpa, trường phái Gyuto . Còn trường phái Guyme thì làm thoát ra bồi âm số 12 ( quảng 5 đúng trên ba bát độ) . Ðàn bà Xhosa ở Nam Phi cũng có cách hát đồng song thanh , nhưng phải hát một bát độ thấp hơn nốt chánh làm cho giọng đàn bà trở thành thật trầm (thí dụ họ hát 140 Hz rồi chuyển xuống 70 Hz, một bát độ thấp hơn bằng cách làm cho dây thanh quản giả (fausses cordes vocales hay bande ventriculaire rung lên cùng một lúc với giọng thật ) . Từ hơn một năm nay, tôi khám phá ra dân tộc Dani ở đảo Arian Jaya (Tân Ghi-ni – New Guinea hay Papuasia thuộc xứ Nam Dương) biết cách hát đồng song thanh một cách lạ kỳ . Có khi nghe cùng một lúc ba giọng .
Giáo sư tiến sĩ: Trần Quang Hải.