Tây Tạng – miền đất hùng vĩ với hàng ngàn đỉnh núi cao chọc trời nối nhau, nơi tôn giáo và thiên nhiên hòa vào nhau thành bức họa sừng sững, trấn áp, thâu tóm hồn phách con người. Nơi ta phải dừng lại chiêm ngưỡng và ngơ ngẩn trên suốt hành trình. Đôi khi cảm giác choáng ngợp bí ẩn khiến nước mắt tràn ra, đôi khi người ta quỳ sụp trước một ngọn núi hùng vĩ mà không thốt một lời. Miền cao nguyên huyền bí và vĩ đại nhất thế giới này mang trong mình biết bao điều huyền diệu, thậm chí với nhiều người là man rợ như tập tính thiên táng – người chết đi sẽ được mang lên đỉnh núi, phanh thây, xẻ thịt đập nát xương trộn lẫn bơ cho kền kền ăn – ý nghĩa của việc này là bắt chước Phật Tổ từng xẻ thịt cho thú dữ ăn. Hay một đứa trẻ mới ra đời sẽ bị ngâm nước lạnh, hoặc bỏ ra ngoài trời một ngày để xem có sống sót nổi không. Nếu sức khỏe yếu thì sớm muộn cũng chết do thời tiết vô cùng khắc nghiệt.
Mọi thứ tại vùng đất Phật huyền bí này vừa khiến người ta tò mò vừa khiến người ta e dè nhưng đều khó cưỡng lại cảm giác muốn một lần đến nơi đây. Và một trong những điều huyền diệu nhất nơi đây là âm nhạc. Âm nhạc không chỉ là công cụ truyền đạo mà bản thân âm nhạc chính là tôn giáo hay nói khác đi – tôn giáo là âm thanh.
Âm nhạc gắn liền với người dân Tây Tạng từ những buổi tế lễ đến sinh hoạt đời thường, trong các lễ hội nhạc tế lễ còn kết hợp với nhảy múa. Người Tây Tạng không quan niệm ca hát nhảy múa là một thứ tiêu khiển giải trí hay vui mắt, mà chính là một sự hợp nhất của thân-khẩu-ý và đó cũng là một cách tu tập. Ở góc độ nào đó, quan niệm này chính là quan niệm của những tín đồ âm nhạc chân chính nhất trên thế giới, coi âm nhạc là tôn giáo, là điều thuần khiết nhất, vĩ đại nhất mà con người tạo ra.
Những pháp khí hát tiếng người
Âm nhạc Tây Tạng hay gọi chính xác hơn là lễ nhạc Phật giáo Tây Tạng ảnh hưởng từ âm nhạc truyền thống Ấn Độ, Trung Hoa và Mông Cổ. Các pháp khí (nhạc cụ) được sử dụng trong các lễ hội khá phong phú, phổ biến nhất là trống nhỏ (Damaru), chiêng (Mkar rgna) tù và (Dung-dka), chuông tay (Drilbu) và não bạt (Ting-ting, còn gọi là chũm choẹ). Không khó để có thể tìm được những đĩa nhạc thiền, nhạc world music mang âm hưởng tế lễ của Phật giáo Tây Tạng, thường chúng đều có ghi trên bìa album chữ Shangrila – thánh địa chí tôn của tín ngưỡng và những truyền thuyết nhân gian Tây Tạng. Nơi này còn được thêu dệt, thần kỳ hóa trong bộ truyện Mật Mã Tây Tạng của nhà văn Hà Mã mà anh gọi là Hương Ba La. Hãy để tâm hồn tĩnh tại, gạt bỏ mọi lo âu của đời sống cơm áo gạo tiền và ngồi xuống lắng nghe, bạn sẽ bị những âm thanh diệu kỳ, vô thủy vô chung của âm nhạc Tây Tạng cuốn đi trong dòng suối mát của tâm thức, nơi đó bạn sẽ nhìn thấy ánh dương tráng lệ trên những đỉnh núi tuyết lấp lánh, nơi đó bạn sẽ thấy những cánh hoa bay trên bầu trời ẩn sau những tiếng ì ầm, tụng niệm huyền bí.
Câu chú Om Mani Padme Hum là một điều tối thượng, nghĩa của nó là âm thanh của im lặng, kim cương trong hoa sen. Âm “OM” được xem là chủng âm gốc thiêng liêng nhất, nơi bắt đầu cho hành trình điểm đạo, dẫn đạo và giải thoát con người khỏi đau khổ trầm luân nên nhạc tế lễ Tây Tạng thường bắt đầu bằng chủng âm OM này, hoặc gợi cho người ta biết nó đã được cất lên có thể bằng nhạc cụ hay bằng tiếng niệm chú.
Loại nhạc tế lễ sâu sắc đầy tác dung tâm linh của Tây Tạng là âm thanh của các buổi giảng đạo, không được xây dựng nên bởi tiết tấu mà chủ yếu là nhịp điệu và tác dụng của các chủng âm – có thể coi là chủng âm nguyên thủy – mỗi âm đó được một nhạc cụ trình bày. Các nhạc cụ như Dung-dka, Drilbu… không bắt chước các biến hiện của giọng hát nốt nhạc hay xúc cảm con người mà đại diện cho cách diễn tả của những hiện tượng cơ bản của tự nhiên, trong đó giọng người chỉ là một trong nhiều giao động, các dao động tạo nên bản hòa ca mang âm điệu vũ trụ.
Không tuân thủ quy luật của nhạc lý phương Tây nhưng nó mang lại hiệu ứng tổng thể, hiệu ứng này không phải không có nhịp điệu, có phép tắc nhất định và cho thấy một sự song song giữa các yếu tố âm thanh ở mức độ khác nhau. Nhà nghiên cứu Tây Tạng vĩ đại đến từ phương Tây, Anagarika Govinda cho rằng, ngôn ngữ của âm nhạc phương Tây không phù hợp để diễn tả tính cách độc đáo của nhạc Tây Tạng, hoặc những người trình bày không đủ sức nắm lấy cái thần của nó vì không ở trong nó, không được sinh ra từ nó và các nhạc cụ phương Tây không thể thay thế hay tấu lại cáo hồn của âm nhạc Tây Tạng.
Phật giáo tây Tạng xem con người không phải là một thể sống riêng lẻ, mà nằm trong mối liên hệ với cái nền vũ trụ. Âm nhạc Tây Tạng không nói đến cảm xúc nhất thời của một cá thể mà có tính vô thủy vô chung, miên viễn của đời sống vũ trụ, trong đó vui buồn riêng tư của con người không đóng vai trò gì. Với thể tính đó người ta gặp lại suối nguồn của thực tại trong tự tính sâu kín nhất của mình. Đây không chỉ là tính cốt yếu của thiền định Phật giáo mà cũng là của âm nhạc tế lễ Tây Tạng, nó xây dựng lên sự rung động sâu xa nhất mà một nhạc cụ hay giọng người có thể đủ sức diễn tả. Tiếng tù và, tiếng chuông lục lạc tấu lên những âm thanh như đi từ lòng đất xa xôi hay từ chiều sâu vô tận của không gian, như tiếng sấm động – chủng âm thiêng liêng của tự nhiên, mà sự dao động của nó đại diện cho nguồn gốc của hết thảy mọi vật trong vũ trụ. Chúng tạo nên nền móng mà trên đó âm thanh cao hơn hay những tiếng đập của nhạc cụ gỗ mới trỗi dậy, như dạng hình của loài hữu hình mới xuất hiện từ các năng lực cơ bản của tự nhiên. Người ta ý thức những năng lực đó không nơi đâu mạnh bằng những dãy núi hùng vĩ và các cao nguyên ngút ngàn cô tịch ở Tây Tạng. Từ đây bạn sẽ bị nhấn chìm bởi sức mạnh của tự nhiên như con người thuở hồng hoang khiếp sợ sấm chớp bão giông, bằng âm nhạc, để qua thăng trầm khổ ái tìm thấy ánh sáng cứu rỗi của Đạo.
Như giọng trầm của người chỉ huy đã cho đoàn nhạc công nền móng và mở đầu bài giảng rồi cuối mỗi đoạn lại trở bề với giọng trầm, chiếc kèn tù và bằng đồng dài đến bốn mét là gốc gác, là điểm xuất phát của dàn nhạc giao hưởng ấy. Loại kèn luôn được thổi từng cặp , chiếc này vừa dứt chiếc kia đã nổi lên. Người ta cảm giác như có một tiếng kèn liên tục, có lên có xuống, trong sức mạnh và chiều sâu của nó nghe như một đại dương âm thanh tràn trong không gian. Và trên mặt đại dương đó mà chủng âm của nó là OM, gốc của mọi âm thiêng liêng. Bạn sẽ nghe, nhìn, cảm nhận được gió từ tâm thức, gió đã tạo ra đời sống cá thể bằng cách làm thành vô số những sóng lớn sóng nhỏ, như những âm thanh của nhạc cụ gỗ, sinh động và đầy tiết điệu.
Giọng trầm mà vì sư trưởng Đại Lạt Ma bắt đầu giảng lễ và làm nền của buổi lễ không gì khác hơn chính là sự nhắc lại của chủ âm thần chú này, vì giảng đạo thường có tính chú nguyện, nhất là phần đầu và phần cuối mỗi đoạn. Những câu chú nguyện quan trọng của phần tụng niệm đều có sự tham gia của chuông và trống nhỏ.
Sợi dây kỳ diệu kết nối tâm thức
Ngược với tiếng kèn có tính tĩnh tại thì tiếng đập và tiếng xập xòa đại diện cho yếu tố động của dàn nhạc. Tiết điệu thay đổi theo từng đoạn tụng niệm – đây là điều quan trọng về tính chất âm nhạc và cảm xúc, vì đó là cảm giác của sự giải thóat sinh ra từ áp lực lúc đầu còn chậm về sau nhanh và mạnh dần, đến cuối buổi lễ thì tiết điệu nhanh dần lên đến mức choáng ngợp trấn áp mọi xúc cảm khiến người ta kính sợ. Tiếng xập xỏa – thứ âm thanh kim loại dường như quay cuồng thắng lợi, vươn cao hơn tất cả tiếng đập chạy ầm ầm phía dưới và chấm dứt bằng một tiếng xập xỏa vang dội như sấm. Sau đó lại bắt đầu một chu trình mới chậm rãi của một đoạn tế lễ khác. OM.
Khi tiếng kèn hay giọng trầm của con người bắt chước chủng âm vũ trụ, trong đó ta chứng kiến cái vô cùng của không gian thì tiếng trống đại biểu cho tính hữu hạn của cuộc sống và vận động, chúng tuân thủ nguyên lý cao nhất của mọi sinh cơ, tuân thủ chu trình nội tại của chúng, đó là chu trình sáng tạo và phân hủy, phân tích và tổng hợp, hóa hiện và thu hồi, sinh thành và hoại diệt. Chúng đạt đỉnh cao trong hữu hiện và giải thoát.
Nếu tiết điệu trong lễ nhạc Tây Tạng đóng vai trò của âm hưởng vô thường trong đời sống cá thể thì nhịp điệu của âm nhạc lại nói lên cơ cấu và ý nghĩa đích thực của nó. Với tiếng trống hay tiếng đập, người Tây Tạng hay cả người phương Đông nói lên cảm xúc hoàn toàn khác với người phương Tây, là nơi không thấy nó là một nhạc cụ cơ bản hay độc lập. Trong thời kỳ đầu của văn hóa Ấn độ, ý nghĩa của tiếng trống có thể được thấy qua một ẩn dụ quan trọng của Phật, trong đó ngài so sánh quy luật trường cửu của vũ trụ như nhịp điệu của tiếng trống, đó là nơi đầu tiên sau khi giác ngộ, Ngài nó về “Tiếng trống của sự bất tử” (amata dundubhin) vang lên cho toàn thế giới.
Diễn giải quá nhiều sẽ làm mất đi và sẽ đi đến sự bất lực không thể diễn tả cho đúng sự hoàn hảo và hòa điệu của âm nhạc Tây Tạng. Đối với người Tạng, âm nhạc nhằm hướng đến tâm thức cao hơn của thực tại – thống nhất ý thức bao, để tất cả hành động, cảm xúc, quá khứ, hiện tại tương lai, tụng niệm… đều hòa hợp với nhau, tan chảy hòa chung trong một thân duy nhất.
Nếu không thể đến tận Tây Tạng tham gia một buổi lễ thì bạn vẫn có thể mở một đĩa nhạc Tibet hoặc Shangrila và tìm cách nắm bắt sợi dây tâm thức kết nối bạn với những điều tuyệt vời, một hình thức thiền định đơn giản nhưng vẫn cảm giác được những điều vi diệu nó mang lại.