Học giả Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là một tấm gương sáng về tinh thần lao động. Trong hơn ba chục năm cầm bút, ông đã để lại một di sản đồ sộ, tới cả trăm cuốn, có giá trị về nhiều mặt. Ông cũng là một nhân sĩ đáng trọng bởi dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn giữ được một cách nhìn nhận vấn đề khách quan, trung thực.


Điều đặc biệt ở học giả Nguyễn Hiến Lê là không chỉ trong việc viết mà trong cuộc sống đời thường, ông luôn sòng phẳng, rành mạch thể hiện thái độ, quan niệm sống của mình… 
Phan Ngọc Hiển

1. Trong đời mình, cả hai lần học giả Nguyễn Hiến Lê được chính quyền Sài Gòn đề nghị trao giải Tuyên dương sự nghiệp văn học, nghệ thuật thì cả hai lần ông đều từ chối không nhận. Trả lời thắc mắc của một số bạn hữu, Nguyễn Hiến Lê cho hay: “Nguyên tắc của tôi là không nhận một vinh dự gì do một chính quyền tôi không trọng ban cho”. Được biết số tiền dành cho giải thưởng bấy giờ rất cao, lên tới 1.000.000 đồng, tương đương với 25 lượng vàng.

Xác định điều hữu ích lớn nhất mà mình có thể đóng góp cho đời là việc cầm bút, Nguyễn Hiến Lê đã kiên quyết gạt bỏ những việc làm mà ông cho là vô bổ, mất thời gian, ảnh hưởng tới nghiệp viết của mình. Một lần, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu mời Nguyễn Hiến Lê tham gia Hội đồng Giáo dục toàn quốc, ông nhất mực thoái thác với lý do: Việc đề nghị cải tổ giáo dục ông đã có bài đăng trên tạp chí Bách khoa từ năm 1962. Giờ ông không có gì để nói thêm. Vả chăng, đang trong tình hình chiến tranh, có bàn thế chứ bàn nữa cũng chỉ… mất thời giờ. Một lần khác, có vị Bộ trưởng trong chính phủ Sài Gòn cho nhân viên đến mời ông tới “tư dinh” của ông ta nói chuyện riêng, ông đã thẳng thừng cật vấn người này: “Ông ấy lấy tư cách gì mà mời tôi như vậy? Tôi không thuộc quyền ông ấy. Nếu ông ấy mến tôi là nhà văn thì sao lại mời tôi lại thăm ông ấy?”. Lại có lần, Nguyễn Hiến Lê đã không thèm trả lời thư riêng của một vị Bộ trưởng chỉ vì vị này, trong thư gửi ông đã để một viên thư ký… ký thay.

2. Nguyễn Hiến Lê từng tâm sự rằng, hồi trẻ, khi viết văn, ông hơi mắc bệnh khoa trương. Sau này tuổi càng lớn, ông càng trân trọng sự bình dị. Những gì viết trước đây, nếu chưa kịp in thì ông cũng chỉ giữ lại làm kỷ niệm, chứ không cho in lại nữa. Ông ngượng.

Trọng sự bình dị, ông còn trọng cá tính của mình nữa. Một lần, có nhà biên tập sau khi đọc đoạn văn ký sự của ông, đã cất công đảo câu văn lên, câu văn xuống, cắt tỉa, thêm bớt cho “có nhạc hơn”. Ông khen người nọ “sửa khéo” nhưng khi đưa in bài viết, ông giữ nguyên đoạn văn ông viết vì thấy phải nói như thế mới tự nhiên, mới đúng ý, đúng cảm xúc của mình.

Đa phần các sách của Nguyễn Hiến Lê đều bán chạy, song có những đề tài ông biết rất ít người đọc, nhưng vì ông thích, ông vẫn cứ viết. Như cuốn “Một niềm tin”, chỉ được in có hơn nghìn bản mà tới gần chục năm sau sách vẫn chưa tiêu thụ hết.

Khi dịch sách, Nguyễn Hiến Lê thường chọn những cuốn mà bút pháp của tác giả không trái với bút pháp của ông, nghĩa là phải bình dị, tự nhiên. Ông tâm sự ông thích sách của Lev Tolstoy, Somarset Maugham. Dịch “Chiến tranh và hòa bình” của Tolstoy, mặc dù nhận thấy bộ sách “rất dài và có nhiều chương lý thuyết về lịch sử đọc chán lắm”, nhưng ông vẫn dịch trọn, không để sót một dòng. Quan điểm của ông về vấn đề này rất rạch ròi: “Tôi nghĩ tác phẩm đó lớn quá, nước mình nên có một bản dịch đầy đủ, rồi sau muốn phổ biến rộng thì sẽ cắt bớt”.

Nhắc tới các sách dịch của Nguyễn Hiến Lê, độc giả thường nhớ nhiều tới hai cuốn “Quẳng gánh lo đi và vui sống” và “Đắc nhân tâm” của Dale Carnegie. Đây là một tác giả có những quan điểm về xử thế mà Nguyễn Hiến Lê rất tâm đắc, song vẫn có chỗ ông thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng thuận. Như trong bài viết “Nhân sinh quan của tôi”, Nguyễn Hiến Lê đã nêu ý kiến: “Nên trọng dư luận nhưng không nên nhắm mắt theo dư luận. Biết đắc nhân tâm nhưng cũng có lúc phải tỏ nỗi bất bình của mình mà không sợ thất nhân tâm”.

3. Là người có lối nghĩ Tây học, tân tiến, song Nguyễn Hiến Lê vẫn không sao dung nạp được cách sống tự do thái quá, xem nhẹ sự liên kết giữa các thành viên trong gia đình như ở một số nước Âu, Mỹ. Ông kể: “Người Âu Mỹ, khi lớn rồi thì ra ở riêng, cả tháng, có khi cả năm không lại thăm cha mẹ một lần; cha mẹ già thì đưa vào viện dưỡng lão”. Ông cũng than phiền về một nghịch lý trong xã hội Việt Nam, ấy là việc “người già phải giữ cháu cho con, sắp hàng mua thực phẩm cho con, nấu cơm cho con. Mấy bạn già của tôi cũng phàn nàn phải làm “vú đực” cho cháu”.

Năm 1965, một người con trai của Nguyễn Hiến Lê tên là Nhật Đức (khi ấy đang sống và làm việc tại Pháp) đã bất ngờ xin phép bố mẹ cho được kết hôn với một phụ nữ Pháp. Nguyễn Hiến Lê nghe tin vậy thì rất giận. Biết tính con trai đã làm gì là quyết làm bằng được nên ông không… cấm, song cũng nhất định không can dự vào việc này, để hai mẹ con tự lo. Mấy năm sau, người con trai này kêu cầu mẹ mình ở lại Paris trông nom con cái giùm vì hai vợ chồng đang làm thủ tục… ly dị. Nhận được tin con, đầu Nguyến Hiến Lê như bốc hỏa. Ông nhắn cho vợ: “Bảo nó trước kia đã tự ý lựa vợ, tự mưu hạnh phúc cho nó, bất chấp ý kiến cha mẹ thì bây giờ nó cũng phải chịu lấy hậu quả của sự quyết định của nó, chứ tại sao lại cầu cứu tới má nó, bắt má nó bỏ nhà, bỏ cửa công việc dạy học bên đây, làm vú em cho con nó rồi bắt lây cô Liệp (vợ sau của Nguyễn Hiến Lê – PNH) bỏ nhà cửa ở Long Xuyên mà lên đây săn sóc cho tôi”. Ông mắng con là đã Âu hóa quá mau, chỉ thờ cá nhân chủ nghĩa, “không biết tới gia đình, không còn tình của con người nữa”.

Vậy nhưng sau này, khi người con trai nói trên của Nguyễn Hiến Lê đã ly dị vợ rồi, và bà vợ đầu của ông cũng đã ổn định cuộc sống ở Pháp, trong khi cuộc sống trong nước thì đói kém, Nguyễn Hiến Lê lại thấy: Hóa ra, trong cái rủi có cái may. Từ đó, ông quay sang ân hận vì mình đã quá nóng nảy với con. Ông tâm sự: “Đời nó như bị cái gì đó chi phối, nó tưởng nó làm chủ tương lai của nó được, tự tạo hạnh phúc được mà rồi nó thất bại… Kinh nghiệm của cha mẹ không giúp gì được cho con thì tôi còn rầy con tôi làm chi nữa”.

Đối chiếu việc đam mê viết sách của mình với trách nhiệm gia đình, Nguyễn Hiến Lê cũng không khỏi có phút ngẫm ngợi: “Viết đối với tôi như một môn tiêu khiển rẻ tiền nhất. Nhưng đôi khi tôi ân hận rằng vì tôi chúi đầu vào sách, vợ con tôi nhiều lúc cũng thấy chán”.

4. Sau ngày giải phóng miền Nam, mặc dù vợ con đang sống ở Pháp và Nguyễn Hiến Lê hoàn toàn có đủ điều kiện để sang đó định cư theo con đường hợp pháp, song ông vẫn chọn phương thức ở lại trong nước. Một số văn nghệ sĩ ngoài Bắc và nhà văn tham gia kháng chiến ở bưng biền đã tìm đến thăm ông, hỏi han sức khỏe và tình hình công việc. Nguyễn Hiến Lê tiếp chuyện họ một cách lịch sự, cầu thị, song không vồ vập. Đặc biệt, tiếp chuyện thì tiếp chuyện vậy chứ ông “không đáp lễ” (tức không đến thăm trả lễ) ai cả. Ông không muốn để ai đó hiểu lầm là ông muốn ôm chân những người của “chế độ mới”.

Tuy có những điểm bất ưng về cung cách làm việc của một số cán bộ trong chính quyền mới, song Nguyễn Hiến Lê cũng rành mạch thừa nhận: “Xét chung, các học giả miền Bắc có cảm tình với tôi; chính quyền đối với tôi cũng có biệt nhãn”. Ông cũng trung thực ghi lại lời khuyên của học giả Đào Duy Anh với ông: “Ông khuyên tôi nên coi cán bộ ở bưng về như con cháu mình, tìm hiểu họ chứ đừng trách họ. Họ gian lao chiến đấu cả chục năm, nay thành công thì tất nhiên muốn được hưởng lạc, muốn được nắm quyền và tin chắc rằng chính sách của họ đúng, phải có tin như vậy mới làm việc được. Họ ít được học, không có kinh nghiệm hành chánh, cho nên phải dò dẫm…”.

Một lần, khi thấy tình hình sức khỏe của Nguyễn Hiến Lê mỗi ngày mỗi suy, một nhân viên ở Ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn đã đề nghị giới thiệu ông vào điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, với chế độ dành cho cán bộ cấp cao của thành phố, Nguyễn Hiến Lê đã nhất mực từ chối. Ông giải thích thái độ đó của mình: “Tôi có công gì với Cách mạng đâu mà vô đó nằm?…Vô đó người ta gọi tôi là đồng chí, tôi sẽ mắc cỡ, chịu sao nổi?”

Nguồn: http://xhnv.pyu.edu.vn/newsdetail.php?id=74&id1=171